Chìa khóa cho chuẩn bị nhân lực
Với định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, trong tương lai gần, Việt Nam rất cần một lực lượng lao động đủ mạnh để đáp ứng và vận hành nhuần nhuyễn cuộc cách mạng 4.0 – cuộc cách mạng của sức mạnh số hóa và công nghệ thông tin. Có thể nói, giáo dục STEM chính là chìa khóa cho việc chuẩn bị nhân lực cho giai đoạn phát triển mới ở nước ta.
Những năm gần đây, thuật ngữ giáo dục STEM đang thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục và đông đảo người dân trong xã hội. Theo ông Nguyễn Thế Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ DTT, Chủ tịch Học viện STEM, giáo dục STEM về bản chất là trang bị cho người học những kỹ năng và kiến thức tích hợp cần thiết về các lĩnh vực khoa học (science), công nghệ (technology), kỹ thuật (engineering) và toán học (math) để giúp người học có năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Các kiến thức, kỹ năng này phải được lồng ghép tích hợp và bổ trợ cho nhau, giúp HS không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có khả năng thực hành và tạo ra những sản phẩm trong cuộc sống hàng ngày.
Ngoài ra, giáo dục STEM cũng trang bị cho HS những kỹ năng phù hợp để phát triển trong thế kỷ 21 như tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề; Kỹ năng trao đổi và cộng tác; Tính sáng tạo và kỹ năng phát kiến; Văn hóa công nghệ và thông tin truyền thông; Kỹ năng làm việc theo dự án; Kỹ năng thuyết trình… Nhờ có các kỹ năng này mà người lao động sẽ có nhiều cơ hội hơn trong một xã hội phát triển ngày càng cao.
Giáo dục STEM vận dụng phương pháp học tập chủ yếu dựa trên thực hành và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Các phương pháp giáo dục tiến bộ, linh hoạt nhất như Học qua dự án – chủ đề, Học qua trò chơi và đặc biệt phương pháp Học qua hành luôn được áp dụng triệt để cho các môn học tích hợp STEM.
Những bước đi ban đầu
Tại Việt Nam, năm học 2016 - 2017 có 14 trường trung học thuộc 5 tỉnh, thành (Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định) triển khai áp dụng giáo dục STEM; hơn 50 dự án STEM đã được xây dựng và thực hiện với những kết quả ban đầu như thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, HS, cha mẹ HS về giáo dục STEM.
Các dự án STEM bước đầu khẳng định tính khả thi, hiệu quả; các câu lạc bộ STEM được phát triển trong nhà trường; huy động được sự tham gia của cha mẹ HS và cộng đồng trong giáo dục STEM.
Theo bà Phạm Thị Minh Anh, Hiệu trưởng Trường THPT liên cấp Olympia (Hà Nội), nhà trường đã áp dụng giáo dục STEM theo nhiều hướng: Dạy học tích hợp STEM, các câu lạc bộ, nghiên cứu khoa học và lớp học định hướng nghề STEM.
Đặc biệt, HS đã làm quen với phương pháp nghiên cứu khoa học, được trải nghiệm thực tế con đường mà các nhà khoa học trải qua, thực hành cách tìm giải pháp giải quyết vấn đề, cách viết báo cáo khoa học… Các chủ đề giáo viên gợi ý thường xoay quanh các hiện tượng tự nhiên gần gũi xung quanh, các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu…
Các em HS rất hứng thú với các chủ đề gần gũi như Khảo sát hệ số ma sát của các vật liệu lát sàn nhà, Quá trình hấp thụ nhiệt phụ thuộc màu sắc của vật, Cách giảm khí thải sulfur từ việc đốt than… Với các HS say mê khoa học và có khả năng sáng tạo, giáo viên gợi ý các em tự phát hiện đề tài và tự nghiên cứu. Từ những hoạt động này, niềm đam mê và hứng thú học tập của HS càng được nâng cao hơn.
Nhờ áp dụng STEM, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) lại có thế mạnh về triển khai các dự án. Các dự án lồng ghép tăng cường kỹ năng nghề do trường thực hiện rất gần gũi mà lại hấp dẫn với HS, như dự án Tủ sách lớp học, Cây cầu Nam Vân, Mỹ phẩm thiên nhiên, Nấm cao to, Thâm canh rau sạch trên… mái nhà.
Các em HS đều tỏ ra tự tin, thoải mái khi chia sẻ ý tưởng, kế hoạch của nhóm và tìm kiếm sự giúp đỡ từ thầy cô cũng như các chuyên gia, người lao động ngoài nhà trường. Để thực hiện các dự án, các em cũng trải nghiệm ngay tại những địa điểm gần gũi, thân quen như vườn rau sạch, cánh đồng lúa, xưởng mộc…, hay những cơ sở sản xuất ở địa phương.
Tham gia áp dụng giáo dục STEM, ngoài việc xây dựng và triển khai các chủ đề tích hợp liên môn, tổ chức dạy STEM ở khối THCS, thành lập các CLB STEM, sinh hoạt CLB lồng ghép với hoạt động STEM, Trường THCS – THPT Nguyễn Tất Thành cũng tận dụng mọi nguồn lực và cơ hội để tổ chức cho HS tham gia các cuộc thi sáng tạo khoa học thú vị như Cuộc thi Nhà sáng tạo trẻ, Chế tạo và phóng tên lửa nước,
Cuộc thi Chế tạo robot mở rộng do khoa Vật lý, ĐHKHTN và khoa Sư phạm kỹ thuật – ĐHQGHN tổ chức, đồng thời vươn đến những cuộc thi quốc tế như Chế tạo vệ tinh và tên lửa nước của Diễn đàn các cơ quan nghiên cứu vũ trụ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Cuộc thi ASPC ở Thái Lan…
Để thực hiện và triển khai giáo dục STEM có hiệu quả, rất cần một hệ thống biện pháp phù hợp, từ chương trình đến kiểm tra, đánh giá, song song với việc tập huấn, đào tạo giáo viên với nội dung này. Các Sở tạo điều kiện để các trường đã triển khai thành công mô hình giáo dục STEM phổ biến kinh nghiệm cho các trường khác.
Ngoài ra, việc tạo nên một “môi trường STEM”, với sự chung tay của các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức giáo dục và khoa học, các công ty, hội nghề nghiệp với nhà trường phổ thông cũng là một yếu tố đảm bảo sự thành công của STEM.