Lắp ghép máy ném đá từ Lego
Với một bộ lego, mỗi nhóm HS thảo luận với nhau để có thể lắp ghép thành chiếc máy bắn đá chỉ trong vòng 10 – 15 và sau đó thi bắn xem nhóm nào bắn được xa nhất. Tiếng Anh được sử dụng trong giờ học như là phương tiện để chuyển tải kiến thức, ngoài GV người nước ngoài còn có một GV người Việt trợ giảng.
Các nhóm HS ghi chép lại khoảng cách của ba lần bắn xem “đá” bắn được xa bao nhiêu, lần nào bắn bị “vỡ máy” hay “đá” chỉ di chuyển được một khoảng cách quá ngắn. Lý giải cho lần bị “vỡ máy”, một HS cho biết do mình đấm quá mạnh, đá di chuyển ngắn là do lực đấm nhẹ, một nhóm khác giải thích do lúc lắp ghép không chặt và không cân đối nên “đá” không bật được.
ThS. Sarah Williver chia sẻ, “Khi giảng dạy với STEM, chúng tôi tạo ra một môi trường học tập nơi học sinh khám phá và đặt câu hỏi, suy nghĩ, kiểm tra, ghi lại dữ liệu, phân tích dữ liệu và sau đó đánh giá. Trong một lớp học, quá trình này được lặp đi lặp lại nhiều lần”. Bàn ghế lớp học được bố trí khá thoải mái để HS có thể dịch chuyển được từ bàn xuống sàn nhà để tham gia các hoạt động trong giờ học.
Từ năm học 2018-2019, cùng với chương trình giáo dục STEM được triển khai toàn diện trong chương trình chính khóa, Hệ thống giáo dục Sakura-Olympia cũng chính thức áp dụng chương trình giáo dục thể chất theo phương pháp Hiroko tại Trường song ngữ liên cấp Sakura-Olympia (Đà Nẵng) bên cạnh nhiều chương trình giáo dục chuẩn Nhật Bản và Hoa Kỳ giúp học sinh đạt năng lực đầu ra ở cuối cấp.
Mô hình trường học kỹ thuật số
Trước băn khoăn về làm thế nào để triển khai giáo dục STEM vào chương trình chính khóa, TS. Đỗ Văn Tuấn chỉ ra các giải pháp như: Dạy học tích hợp lấy giáo dục STEM làm trọng tâm với các dự án giúp học sinh hứng thú và phát triển tư duy; Đánh giá xác thực học sinh, cá nhân hoá việc giảng dạy và học tập với kết quả đánh giá học sinh dựa trên Rubric và thống kê; phương pháp giảng dạy với 7 nguyên lý được hệ thống hóa trong học liệu; sử dụng các chương trình đã kiểm định tiêu chuẩn Hoa Kỳ và Nhật Bản như Cambridge, Takasago,… làm nền tảng…
“STEM mở ra mô hình trường học kỹ thuật số với sự quản lý thông minh và những giải pháp dạy và học tương tác. Giáo dục STEM sẽ đem đến những tư duy và kỹ năng cần thiết nhất cho học sinh trong thế giới của CMCN 4.0”, TS. Tuấn nhấn mạnh.