Giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ: Nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục

GD&TĐ - Ngày 16/9, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT, Viện khoa học giáo dục Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu giáo dục dân tộc và tổ chức Unicef quốc tế tổ chức Hội nghị tổng kết dự án “Nghiên cứu thực hành giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ”.

Giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ: Nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục

TS Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Trưởng ban điều hành dự án cấp cao - dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Nghiên cứu thực hành giáo dục song ngữ (GDSN) trên cơ sở tiếng mẹ đẻ (TMĐ) là mô hình GDSN được lựa chọn để thử nghiệm tại Việt Nam (2008 -2015).

Với 3 ngôn ngữ là: Mông - Việt; Jrai - Việt và Khmer - Việt ở 3 tỉnh Lào Cai, Gia Lai và Trà Vinh, mô hình được thiết kế liên thông từ mẫu giáo 5 tuổi đến hết lớp 5 cấp tiểu học. Trong đó TMĐ - ngôn ngữ thứ nhất và Tiếng Việt - ngôn ngữ thứ 2 đều được dạy như mỗi một môn học.

Chương trình có sự chuyển di ngôn ngữ và học Tiếng Việt với tư cách ngôn ngữ thứ 2. Mô hình GDSN đã góp phần cải thiện được chất lượng giáo dục dân tộc; khắc phục được một số khó khăn khi thực hiện nội dung chương trình giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS).

Năng lực của trẻ em DTTS được phát triển toàn diện nhờ sự phát triển của ngôn ngữ (cả tiếng mẹ đẻ và Tiếng Việt). Kết quả học tập của học sinh GDSN cao hơn học sinh dân tộc học chương trình chung quốc gia. Trẻ em DTTS năng động, linh hoạt hơn, tự tin hơn trong học tập và trong giao tiếp; học sinh thích đi học và chăm học.

Mô hình GDSN đã góp phần nâng cao năng lực và thực lực sư phạm cho GV và CBQL thông qua việc được tiếp cận và thực hiện các phương pháp dạy học mới phù hợp với đối tượng học sinh DTTS như: phương pháp dạy TMĐ; phương pháp dạy Tiếng Việt với tư cách ngôn ngữ thứ 2; phương pháp nghiên cứu thực hành.

Mô hình GDSN huy động được sự tham gia của cộng đồng, cha mẹ học sinh vào quá trình giáo dục và xã hội hóa giáo dục. Song song với đó, mô hình GDSN với các kết quả thử nghiệm thu được bước đầu khẳng định tính phù hợp, khả thi của GDSN trên cơ sở TMĐ với giáo dục dân tộc ( đối với những dân tộc có chữ viết).

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội nghị 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Dự án thực hành giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ là một trong những giải pháp góp phần tăng cường đầu tư cho giáo dục từ bậc mầm non đến tiểu học.

Năng lực Tiếng Việt của trẻ em DTTS tiến bộ nhanh, vững chắc nhờ có nền tảng TMĐ được củng cố. Chương trình giúp học sinh dân tộc thiểu số phá bỏ rào cản về ngôn ngữ, giúp các em hiểu rõ hơn về tiếng Việt, giúp các em tự tin hơn, hòa nhập tốt hơn với cộng đồng. Song song với đó, mô hình GDSN góp phần bảo tồn, phát huy và phát triển ngôn ngữ và văn hóa DTTS.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cảm ơn tổ chức Unicef quốc tế, các thầy giáo, cô giáo, phụ huynh học sinh và các đoàn thể địa phương, các nhà khoa học ... đã sát cánh cùng Bộ GD&ĐT thực hiện tốt chương trình này.

Tiếp sau đây, các địa phương sẽ tiếp tục triển khai, mở rộng dự án với tinh thần chủ động, sáng tạo phù hợp với nhu cầu, sự đồng thuận của phụ huynh và chính quyền đia phương.

Để chương trình được thực hiện tốt hơn, các địa phương cần lồng ghép với những chương trình dự án khác nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Đông thời các đại phương cũng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động để nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ