Điều này khiến hiệu quả giáo dục ngôn ngữ không đạt được theo mong muốn, tốn nhiều công sức thời gian...
Hiểu sai về học ngôn ngữ sớm
Rất nhiều người cho rằng, việc tiếp thu ngôn ngữ thứ hai sớm, khi chưa có nền tảng vững chắc về tiếng mẹ đẻ sẽ khiến trẻ bị rối loạn ngôn ngữ và ảnh hưởng đến khả năng phát triển các chức năng nhận thức bình thường.
Thậm chí, nhiều gia đình không cho trẻ học ngoại ngữ sớm với lo lắng mất gốc ngôn ngữ dẫn tới mất gốc văn hóa, phong tục tập quán, hành vi ứng xử không chuẩn mực trong quá trình giao tiếp tại gia đình và ngoài xã hội. Người Việt phải thành thạo tiếng Việt rồi mới cần biết ngôn ngữ các nước khác…
Tuy nhiên, nghiên cứu của các nhà khoa học gần đây đã chỉ ra nhiều lợi ích của song ngữ sớm đối với sự phát triển trí tuệ cũng như những thành công trong cuộc sống sau này của trẻ.
TS Nguyễn Thị Kim Dung – Khoa Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục chỉ ra: Nghiên cứu cấu trúc não bộ của trẻ song ngữ và đơn ngữ cho thấy, song ngữ sớm làm gia tăng đáng kể mật độ chất xám, hạn chế sự suy giảm chất trắng, tăng độ mềm dẻo của hệ thống thần kinh não bộ, giúp phát triển đồng thời cả hai bán cầu não ngay từ những năm tháng đầu đời.
Nhiều minh chứng khoa học cũng khẳng định những lợi thế của người học song ngữ sớm như: Thông minh, nhạy bén, dễ dàng thích nghi với những thay đổi, đời sống tinh thần vui vẻ, lão hóa chậm…
TS Bevely Hall (giảng viên nghiên cứu Trường ĐH Adelaide – Nam Úc), chuyên gia về GDMN của Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người (IDP) cũng khẳng định: Thêm ngôn ngữ thứ 2 không hề đe dọa ngôn ngữ đầu tiên, thậm chí có tác động tích cực lâu dài đối với tiếng mẹ đẻ, sẽ phát triển các kĩ năng nghe tích cực hơn do việc học ngôn ngữ thứ hai sớm.
Những trẻ em được học sớm ngôn ngữ thứ 2 có thể tách nghĩa khỏi âm thanh của một từ, thành thạo hơn trong tư duy đa chiều và thể hiện khả năng sáng tạo ngôn ngữ, nhận thức và khả năng hình thành khái niệm dễ dàng hơn…
Một thực tế cũng được ghi nhận đó là cha mẹ thường phàn nàn tình trạng trẻ học song ngữ sớm hay trộn từ trong giao tiếp ở những năm đầu khi vốn từ của trẻ còn thiếu. Nhưng trộn từ là một phần bình thường của sự phát triển song ngữ và trẻ có lý do chính đáng để trộn từ (điều đó thường xuyên xảy ra trong cộng đồng ngôn ngữ của trẻ. Trẻ em thường làm những gì nghe được từ người lớn nên nếu không cho trẻ học song ngữ sớm sẽ bị hạn chế về vốn từ vựng…).
Thời điểm “vàng” học ngôn ngữ thứ 2
Theo TS Nguyễn Thị Kim Dung, sự trưởng thành của tế bào thần kinh phát triển nhanh trong vài năm đầu đời. Vì vậy, đây là giai đoạn não bộ nhạy cảm nhất với tác động của các trải nghiệm sớm, trong đó có ngôn ngữ…
Trẻ dưới 3 tuổi được coi là giai đoạn “nhạy cảm” nhất để học một ngôn ngữ. Càng lớn lên việc học một ngôn ngữ mới trở nên khó khăn hơn. Đặc biệt, 1 tuổi được coi là giai đoạn vàng cho việc học ngôn ngữ thứ hai để đạt được âm vị như người bản địa.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra, trẻ sơ sinh thích nghe giọng nói hơn các âm thanh khác. Từ 6 tháng tuổi, khả năng phân biệt các âm vị tiếng nước ngoài của trẻ sẽ giảm dần, bắt đầu từ nguyên âm đến phụ âm. Từ 12 tháng tuổi, ngữ điệu trong giọng nói của trẻ đã hoàn toàn giống với người bản địa.
Do đó, khi trẻ 1 tuổi được coi là giai đoạn vàng cho học ngữ âm. Giai đoạn tối ưu cho việc học cú pháp từ 18 - 36 tháng tuổi. Việc tiếp xúc song ngữ từ khi mới sinh có thể giúp kéo dài thời kỳ nhạy cảm ngôn ngữ ở trẻ.
ThS Nguyễn Thị Nhỏ - Viện IDP lại lý giải: Lứa tuổi này trẻ có nhu cầu và khả năng học ngôn ngữ dù người lớn có dạy chúng hay không. Nếu việc học ngôn ngữ của trẻ được tác động có chủ đích từ người lớn với chương trình, phương pháp tiên tiến, phù hợp với đặc điểm của từng trẻ sẽ mang lại hiệu quả, chất lượng không thể ngờ tới. “Trẻ sẽ biết đọc trước cả khi biết nói, thậm chí 3 tuổi có thể thông thạo 3 - 4 ngoại ngữ, đọc hiểu hàng trăm cuốn sách. Vì thế, việc học tập về sau sẽ trở nên dễ dàng hơn, đem lại cho trẻ niềm vui sướng, khôn lớn và thành tài…” - ThS Nguyễn Thị Nhỏ khẳng định.
ThS Nguyễn Thị Nhỏ cũng đưa ra lời khuyên tới bố mẹ: Giáo dục sớm ngôn ngữ không chỉ để trẻ biết đọc, biết chữ sớm, mà còn giúp trẻ phát triển khả năng chú ý, rèn luyện khả năng quan sát bồi dưỡng trí nhớ, phát triển khả năng tư duy, bồi dưỡng khả năng và thói quen tự học, tự tin trong giao tiếp...