Giáo dục nữ sinh sáng tạo, làm chủ tri thức, sống lành mạnh

Giáo dục nữ sinh sáng tạo, làm chủ tri thức, sống lành mạnh

(GD&TĐ) - Ngày nay, phẩm chất đạo đức và một số truyền thống tốt đẹp có phần bị mai một, lối sống thực dụng có xu hướng phát triển trong một bộ phận phụ nữ. Trong bối cảnh đó, việc giáo dục phẩm chất đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam cho học sinh được ngành giáo dục đặc biệt coi trọng.

Nữ sinh Chu Văn An trong ngày khai trường. Ảnh: gdtd.vn
Nữ sinh Chu Văn An trong ngày khai trường. Ảnh: gdtd.vn

Bổ sung mới phẩm chất yêu nước

Mỗi thời đại, môi trường kinh tế - xã hội, chính trị, văn hóa khác nhau, phẩm chất yêu nước cũng có sự chuyển đổi nội dung. Giáo dục chủ nghĩa yêu nước trong giai đoạn mới, xét cho cùng là nhằm xây dựng con người Việt Nam thấm sâu chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.

Lòng yêu nước của con người Việt Nam, phụ nữ Việt Nam hôm nay được biểu hiện ở lòng tự hào, tự tôn, tự trọng dân tộc sâu sắc; có hoài bão, khát vọng, ý chí thực hiện “dân giầu, nước mạnh, xã hội dân chủ, văn minh”; đồng thời, sẵn sàng làm việc vì dân, vì nước, đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, lạc hâu. Yêu nước gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục trong trường học cần hướng đến sự hình thành, phát triển các phẩm chất của người phụ nữ. Như tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc, phụ nữ giúp nhau làm giàu, thực hiện bình đẳng giới... đồng thời xóa bỏ những quan niệm bảo thủ, lạc hậu, hạn hẹp của xã hội cũ đối với người phụ nữ.

Các biện pháp giáo dục chủ nghĩa yêu nước truyền thống cho học sinh có thể thực hiện thông qua các hoạt động kỷ niệm, hoạt động giáo dục, hoạt động truyền thông, thi đua... tạo nên những đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các trường học.

Nâng cao ý thức với gia đình, xã hội

Cần cụ thể hóa ý thức trách nhiệm của nữ sinh đối với gia đình, xã hội trong các chương trình hoạt động, sinh hoạt của Đoàn thanh niên các cấp - Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi trách nhiệm đối với gia đình và xã hội cần được hiểu một cách cụ thể và thông qua những việc làm thiết thực trong cuộc sống, công việc hàng ngày, nhất là đối với nữ sinh.

Bên cạnh đó, trang bị kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống cho nữ sinh gắn với nâng cao ý thức trách nhiệm đối với gia đình và xã hội. Ví dụ, xử lý những tình huống cụ thể trong gia đình hay làm thế nào giải quyết vấn đề xung đột các vai trò mà người phụ nữ phải thực hiện... Qua đó, nữ sinh sẽ học được cách thức giải quyết các mối quan hệ và xung đột các vai trò một cách hiệu quả trong tương lai.

Hoạt động, sinh hoạt của Đội thiếu niên, Đoàn thanh niên cũng vấn đổi mới nhằm thu hút nữ sinh. Thông qua sinh hoạt các câu lạc bộ, chia sẻ suy nghĩ, hiểu biết trong thực hiện trách nhiệm đối với gia đình, qua đó, nữ sinh sẽ học được những bài học bổ ích.

Không thể không nhắc đến vai trò của truyền thông. Truyền thông không chỉ giúp người phụ nữ nhận thấy trách nhiệm cũng như khó khăn thách thức cần phải vượt qua mà còn giúp thay đổi nhận thức của cộng đồng nói chung, nam giới nói riêng về bình đẳng giới và trách nhiệm chia sẻ, hỗ trợ phụ nữ trong cuộc sống gia đình.

Sẽ là lý tưởng nếu Đoàn thanh niên đứng ra tổ chức các hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới, hướng tới cả đối tượng nam sinh. Các chủ đề tuyên truyền phải hết sức thiết thực, gắn với đời sống của mỗi gia đình, nhằm khuyến khích sự chia sẻ của nam giới trong trách nhiệm gia đình với phụ nữ và thu hút sự ủng hộ của nam giới đối với sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động xã hội.

Đoàn, Hội có vai trò quan trọng trong GD phẩm chất phụ nữ Việt Nam trong trường học
Đoàn, Hội có vai trò quan trọng trong GD phẩm chất phụ nữ Việt Nam trong trường học

Vươn lên tiếp thu tri thức, làm chủ KHCN

Do ảnh hưởng của xã hội truyền thống, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, sự bất bình đẳng giới còn khá nặng nề trong xã hội ta. Thậm chí, ngay cả bản thân nhiều phụ nữ cũng chưa thấy rõ được vai trò và năng lực của bản thân. Do đó, nâng cao nhận thức toàn xã hội về sự cần thiết phải tạo điều kiện cho phụ nữ vươn lên tiếp thu tri thức, làm chủ khoa học công nghệ là nội dung được ngành Giáo dục nhấn mạnh.

Để hướng nữ sinh tiếp cận khoa học - công nghệ, biện pháp cơ bản, lâu dài là giáo dục, đào tạo, trang bị tri thức, khoa học - công nghệ cho thế hệ trẻ các trường học; tổ chức các nhóm nghiên cứu khoa học; tìm tòi những ngành nghề mới, công nghệ mới phù hợp với giới tính phụ nữ, từ đó tạo điều kiện kích thích sự sáng tạo, tri thức của nữ giới trong xã hội hiện đại.

Tuy nhiên, dù môi trường có thuận lợi đến mấy nhưng bản thân nữ sinh không nỗ lực vượt qua mọi khó khăn trở ngại cũng không thể vươn lên làm chủ tri thức. Phụ nữ cần quyết tâm nâng cao năng lực bản thân, tranh thủ cơ hội, điều kiện để tự học và tham gia các lớp học. Học tập chính là chìa khóa để người phụ nữ mở cánh cửa hội nhập với xã hội và thế giới.

Hướng đến lối sống lành mạnh

Để những học sinh nữ có được lối sống văn hóa lành mạnh, ngoài sự nỗ lực của bản thân thì gia đình, xã hội và các cơ quan, tổ chức đoàn thể cần quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ, tạo điều kiện hơn nữa. Cùng với đó, qua các phương tiện truyền thông đại chúng, những bài học lồng ghép trong nhà trường, tích cực tuyên truyền để nâng cao nhận thức; đặc biệt chú ý những nội dung: Thế nào là lối sống lành mạnh, vai trò to lớn của nó đối với công cuộc xây dựng nền văn hóa mới, với công cuộc hiện đại hóa đất nước và trách nhiệm của mỗi công dân, trong đó có người phụ nữ trong lĩnh vực này.

Tất cả các hoạt động văn hóa trong trường học cần chú trọng đến đối tượng nữ sinh, phải góp phần xác lập cho các em những định hướng đúng đắn; từng bước xây dựng ở thế hệ trẻ lối sống văn hóa lành mạnh; có ý thức rõ hơn trách nhiệm và sẽ có cách tự điều chỉnh hành vi của mình, bởi phụ nữ thường rất cầu thị.

Bên cạnh đó, nên chú ý phát huy sức mạnh của dư luận, góp phần điều chỉnh hành vi đạo đức của cá nhân, từ đó tạo ra môi trường lành mạnh, tăng bản lĩnh, dám lên án cái xấu, các sai để bảo vệ những lối sống tốt đẹp.

Nâng cao ý thức pháp luật cho nữ sinh cũng vô cùng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Để kênh giáo dục pháp luật trong trường học đi vào thực chất, cần phải xây dựng chương trình, soạn thảo đề cương môn học, viết sách giáo khoa, bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên... một cách bài bản.

Cần có sự phối hợp giữa Bộ GD&ĐT với Bộ Tư pháp và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam về nội dung và mục đích giáo dục pháp luật về giới. Đặc biệt, cần lưu ý phương pháp giáo dục phát luật ở nhà trường phải sinh động, thiết thực và phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi của học sinh nữ.

Hải Bình

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.