Giáo dục “nóng” với điểm thi THPT quốc gia 2019 được công bố

GD&TĐ - Các địa phương hoàn tất khâu chấm và công bố kết quả thi THPT quốc gia 2019; Bộ GD&ĐT quyết liệt chấn chỉnh các trường đại học có dấu hiệu vi phạm Luật và quy chế tuyển sinh; Hà Nội chốt phương án xử lý tồn tại với hơn 2 nghìn trường hợp giáo viên hợp đồng,… là những vấn đề giáo dục được dư luận đặc biệt quan tâm tuần qua.

Điểm thi THPT quốc gia 2019 đã được công bố sau 2 tuần kết thúc kỳ thi (Ảnh minh họa)
Điểm thi THPT quốc gia 2019 đã được công bố sau 2 tuần kết thúc kỳ thi (Ảnh minh họa)

Hoàn tất khâu chấm và công bố điểm thi THPT quốc gia

Trong tuần qua, lần lượt các địa phương gấp rút hoàn tất khâu chấm thi kỳ thi THPT quốc gia 2019. Khi chấm thi trắc nghiệm tại một số địa phương, ban chấm thi phát hiện hàng chục ngàn bài thi bị lỗi do khách quan. Bởi vậy, những người làm công tác chấm thi đã cố gắng tối đa để khắc phục các lỗi, bảo về quyền lợi cho các thí sinh.

Sau khi hoàn tất, điểm thi THPT quốc gia 2019 đã được công bố chính thức vào sáng ngày 14/7.


Số điểm 10 không nhiều, cho thấy đề thi đã bảo đảm độ phân hoá tốt cho tuyển sinh. Điều này chứng tỏ số học sinh có thể “cán đích” là đúng với “sức” của các em, không có tình trạng nhiều học sinh giỏi “về đích” sớm phải “ngồi chờ” các bạn khác (không giỏi bằng) cuối giờ cùng cán đích.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành – Phó Vụ trưởng Vụ GD Trung học (Bộ GD&ĐT)

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, điểm trung bình chung các môn thi THPT quốc gia 2019 dẫn đầu cả nước vẫn thuộc 2 tỉnh: Nam Định và Hà Nam; 3 tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình năm nay điểm trung bình nhiều môn thi thấp nhất nước.

Cụ thể, Nam Định môn có điểm trung bình cao nhất là Toán (điểm trung bình là 6,25) và Hóa điểm trung bình là 5,94; Hà Nam, thí sinh có điểm trung bình là 5,89, trong đó dẫn đầu là 3 môn Văn (6,3), Lịch Sử (4,9), Địa lý (6,49).

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, GDCD, Vật lý, Hóa học, Sinh học và tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, cả nước tổng cộng có 1.270 điểm 10.

Số lượng điểm 10 tập trung chủ yếu ở môn GDCD (784 bài đạt điểm 10, chiếm khoảng 61,7%), tiếng Anh (299 bài, chiếm 23,5%), Lịch sử (80 bài, 6,3%), Địa lý (42 bài, 3,3%).

Môn Toán và Hóa học có số lượng điểm 10 khá khiêm tốn. Mỗi môn chỉ có 12 bài thi đạt điểm 10 (chiếm 0,94%). Môn Ngữ văn không có điểm 10 nào (điểm cao nhất là 9,5).

Đặc biệt trong số 1.270 điểm 10, chỉ có 7 thí sinh đạt 2 điểm 10, thuộc cụm thi Sở GD&ĐT Phú Thọ; 4 thí sinh đạt kết quả ấn tượng còn lại thuộc cụm thi Sở GD&ĐT Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Bình và Đồng Nai.

Phổ điểm Bộ GD&ĐT công bố được đánh giá là phù hợp với các tiêu chí của kỳ thi.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, chậm nhất vào ngày 22/7, các trường sẽ phải công bố ngưỡng điểm xét tuyển. Căn cứ vào đó, các thí sinh sẽ có 3 ngày để điều chỉnh nguyện vọng và đây là lần điều chỉnh duy nhất.

Bộ GD&ĐT quyết liệt với các sai phạm của các trường ĐH, đẩy lùi "bóng ma tiêu cực"
Bộ GD&ĐT quyết liệt với các sai phạm của các trường ĐH, đẩy lùi "bóng ma tiêu cực" 

Bộ GD&ĐT thanh tra, chấn chỉnh các trường ĐH vi phạm

Trong tuần qua, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã ký quyết định thanh tra đột xuất Trường ĐH Luật TP.HCM, đồng thời bắt đầu thanh tra ĐH Điện lực (Hà Nội).

Theo kế hoạch, trong tuần tới, thanh tra bộ sẽ công bố quyết định này. Việc thanh tra đột xuất được tiến hành sau khi Bộ nhận được một số đơn thư tố cáo của cán bộ, giảng viên nhà trường.

Nội dung thanh tra tập trung vào công tác tổ chức cán bộ, quản lý đào tạo, tài chính và việc thực hiện kết luận giải quyết kết luận tố cáo của Bộ GD&ĐT trước đây.

Ngoài ra, Trường ĐH Luật TP.HCM còn đối mặt với hàng loạt lùm xùm liên quan đến tài chính, đào tạo...

Một số cán bộ, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM đã gửi nhiều đơn tố cáo, "đơn kêu cứu khẩn cấp", "tâm thư", đơn phản ánh, đơn kiến nghị nhiều sai phạm tại trường này, liên quan đến: thu - chi tài chính, học phí, làm trái quy định về công tác tổ chức, nhân sự...

Trước tình hình này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã giao các đơn vị chức năng của bộ kiểm tra làm rõ các vấn đề mà cán bộ, giảng viên phản ánh để sớm kết luận và đề xuất hướng xử lý đảm bảo công tâm, khách quan, kiên quyết, kịp thời.

Dự kiến, việc thanh tra với Trường ĐH Luật TP.HCM dự kiến sẽ kéo dài trong 45 ngày.

Chiều 12/7, Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng đã công bố quyết định và bắt đầu tiến hành ngay công tác thanh tra đột xuất tại Trường ĐH Điện lực. Thời gian thanh tra 30 ngày.

Nội dung thanh tra tập trung vào công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo cấp bằng đối với khóa tuyển sinh 2013 - 2014.

Trước đó, căn cứ trên đơn thư của cán bộ giảng viên nhà trường, báo chí đã phản ánh về dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng quy chế tuyển sinh và đào tạo tại Trường ĐH Điện lực.

Trong đó, có việc hàng trăm bài thi kết thúc học phần học kỳ I, năm học 2018 - 2019 của sinh viên khoa Điều khiển và tự động hóa đều được "đánh dấu" bằng các ký hiệu lạ, bất thường. Sau đó, những bài thi này đều đồng loạt được nâng điểm một cách khó hiểu.

Đặc biệt, đơn tố cáo còn nêu sự việc nghiêm trọng khi một số trường hợp được cấp bằng tốt nghiệp mà trước đó hoàn toàn không đủ điều kiện trúng tuyển vào trường.

Trong tuần, Bộ GD&ĐT cũng đã có công văn chấn chỉnh các trường đại học có dấu hiệu vi phạm Luật và quy chế tuyển sinh.

Theo đó, Xử phạt với những trường tuyển vượt chỉ tiêu; yêu cầu các trường tuyệt đối không được điều chỉnh danh sách trúng tuyển - danh sách được phần mềm lọc ảo toàn quốc gửi lại trường sau khi lọc ảo lần cuối vào ngày 08/8/2019 (trên cơ sở danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển do trường tải lên Hệ thống).
Sau các hướng dẫn và quyết định, hơn 2 nghìn GV hợp đồng của Hà Nội vẫn tiếp tục chờ phương án (Ảnh: GV "cầu cứu" cơ quan chức năng)
Sau các hướng dẫn và quyết định, hơn 2 nghìn GV hợp đồng của Hà Nội vẫn tiếp tục chờ phương án (Ảnh: GV "cầu cứu" cơ quan chức năng)

Hà Nội "chốt" phương án đối với hơn 2 nghìn trường hợp GV hợp đồng

Những người làm giáo dục và dư luận dành quan tâm lớn tới câu chuyện về hơn 2 nghìn GV hợp đồng của Hà Nội đứng trước nguy cơ mất việc bởi những quy chế tuyển dụng viên chức. Nhiều trường hợp trong đó là các GV có thâm niên tới hơn 20 năm, nhiều thành tích trong công tác giảng dạy.

Sau khi nhận đề nghị từ Bộ Nội vụ, ngày 9/7, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội sẽ xét tuyển với các giáo viên có hợp đồng từ 5 năm trở lên. Sau khi xét tuyển hết số giáo viên này mới thi tuyển vị trí còn lại.

“Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra sự ổn định, tâm lý yên tâm cho giáo viên trên toàn thành phố, để họ yên tâm giảng dạy cho học sinh”, ông Nguyễn Đức Chung cho biết.

Tuy nhiên, người đứng đầu UBND TP. Hà Nội chưa nói rõ giáo viên phải đáp ứng các điều kiện nào để có được “tấm vé đặc cách”.

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, sau khi Bộ Nội vụ có văn bản trả lời cho hay Hà Nội có thể thực hiện xét tuyển theo thẩm quyền, TP quyết định sẽ xét tuyển đối với toàn bộ giáo viên có hợp đồng lâu năm với một số điều kiện cụ thể.

Thứ nhất là giáo viên có hợp đồng và có đóng bảo hiểm ít nhất 5 năm trở lại đây. Thứ hai là có kiểm tra đảm bảo sức khỏe. Thứ ba là có năng lực, trình độ phù hợp với vị trí việc làm, tức là giáo viên phải dạy môn mà trường có nhu cầu tuyển dụng.

Hiện, sau các hướng dẫn và thông báo, hơn 2 nghìn giáo viên hợp đồng tại Hà Nội vẫn đang tiếp tục chờ đợi quyết định cuối cùng của các cơ quan hữu trách về “vận mệnh” nghề nghiệp của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.