Giáo dục Nhật Bản nhức nhối khi trẻ em... không muốn đến trường

GD&TĐ - Hơn 299.000 học sinh tiểu học và THCS tại Nhật Bản đã nghỉ học trong năm 2022 – 2023.

Robot thay học sinh Nhật Bản đến lớp.
Robot thay học sinh Nhật Bản đến lớp.

Hơn 299.000 học sinh tiểu học và THCS tại Nhật Bản đã nghỉ học trong năm 2022 – 2023. Trong 10 năm liên tiếp, số lượng học sinh nghỉ học đã tăng liên tiếp và đạt con số cao nhất trong năm học vừa qua.

Đầu tháng 10, Bộ Giáo dục Nhật Bản công bố kết quả khảo sát hàng năm về tình trạng bỏ học, bắt nạt và tự tử trong các trường tiểu học, THCS, THPT và các trường có nhu cầu đặc biệt.

Cuộc khảo sát cho thấy số trẻ em nghỉ học từ 30 ngày trở lên trong năm học 2022 – 2023 đã tăng 22%, từ hơn 245.000 em lên 299.048 em. Số học sinh tiểu học nghỉ học là 105.112 em, tăng gấp 5 lần so với 10 năm trước đó, còn số học sinh THCS nghỉ học tăng gấp đôi, đạt 193.936 em.

Bên cạnh đó, các vụ bắt nạt học đường cũng đạt mức cao kỷ lục là 681.948 vụ, tăng hơn 60.000 vụ so với năm học trước. Nhiều trường hợp học sinh bị bắt nạt nghiêm trọng, dẫn đến nảy sinh ý định nghỉ học và tự tử.

Ông Egawa Kazuya, Giám đốc mạng lưới 84 trường học miễn phí trên toàn quốc tại Nhật Bản, nhìn nhận, dù đại dịch đã lắng xuống, trẻ em vẫn chưa cảm thấy an toàn trong trường học. Do thời gian học trực tuyến kéo dài, các em bị mất cơ hội làm quen bạn mới, giảm khả năng giao tiếp, khó thích nghi với môi trường mới.

Theo chuyên gia này, để giải quyết vấn đề trên cần sự phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội. Chỉ riêng các nhà trường không thể triệt để xử lý vấn đề học sinh Nhật Bản nghỉ học. Ngoài lên lớp, học sinh cần tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội để trau dồi kĩ năng mềm, làm quen với môi trường bình thường mới. Điều này giúp các em thích nghi với xã hội, giảm thiểu căng thẳng do dịch Covid-19 để lại.

Học sinh không muốn đến trường là vấn đề nhức nhối của ngành Giáo dục Nhật Bản. Nhiều em theo học các mô hình giáo dục thay thế do các tổ chức tư nhân điều hành nhằm đáp ứng những nhu cầu cá nhân. Các trường tự do cung cấp trải nghiệm học tập đa dạng, tập trung vào phát triển cá nhân hơn là trau dồi kiến thức văn hóa.

Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ Nhật Bản chưa có quy định về việc công nhận kết quả học tập và bằng cấp của trường học cá nhân. Do đó, chương trình này không thể coi là chương trình học chính thức.

Ngoài ra, nhiều trường công lập có phương án cho phép học sinh học trực tuyến thông qua robot đặt tại lớp. Các em không phải đến trường nhưng sẽ tham gia vào lớp học như bạn bè, có thể phát biểu, thể hiện cảm xúc qua robot. Điều này giúp các em giảm bớt lo âu do phải giao tiếp với bạn bè, giáo viên.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phản đối phương pháp này vì mục tiêu của giáo dục là giúp học sinh trau dồi các kỹ năng mềm. Việc học từ xa đang cản trở trẻ em hoà nhập xã hội.

Từ kết quả khảo sát, Bộ Giáo dục Nhật Bản cảnh báo số lượng học sinh tự tử ngày càng tăng là điều đáng báo động. Còn số lượng trẻ em nghỉ học tăng do việc thay đổi môi trường sống vì dịch Covid-19 gây ra. Những quy định phòng dịch nghiêm ngặt trong trường học cũng khiến học sinh gặp khó khăn khi kết bạn mới, từ đó nảy sinh cảm giác chán chường, không muốn đi học.

Theo Nikkei, TG

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ