Giáo dục nghề nghiệp thời 4.0: Thị trường lao động sẽ tách biệt

GD&TĐ - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) được cho là sẽ tạo ra tốc độ phát triển theo hàm số mũ, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Nền kinh tế sẽ chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu dựa vào những yếu tố truyền thống như lao động giá rẻ, đất đai, tài nguyên sang công nghệ và trình độ nguồn nhân lực. Điều này đặt ra những đòi hỏi đối với giáo dục nghề nghiệp trong việc tiếp cận và chiến lược phát triển thích ứng, linh hoạt.

Các trường đào tạo nghề phải chuyển động để đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0
Các trường đào tạo nghề phải chuyển động để đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0

Những kỹ năng quyết định

Đánh giá về những tác động của CMCN 4.0 đối với thị trường lao động, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: CMCN 4.0 sẽ tách biệt thị trường lao động thành hai lĩnh vực “kỹ năng thấp/thu nhập thấp” và “kỹ năng cao/thu nhập cao”.

Những ngành nghề sử dụng nhiều lao động giá rẻ, kỹ năng thấp sẽ mất lợi thế cạnh tranh, hậu quả là một phần lực lượng lao động sẽ bị thải hồi. CMCN cũng có thể tạo sự bất công lớn hơn, đặc biệt gây ra nguy cơ phá vỡ thị trường lao động. Tình hình sản xuất hiện nay cho thấy, rất nhiều ngành nghề sẽ mất việc làm vào tay robot. Người lao động thiếu kỹ năng trong nhóm này sẽ bị mất việc làm đầu tiên, do vậy cần đào tạo cho họ để đương đầu với thách thức đó.

Cũng theo ông Bùi Sỹ Lợi, CMCN 4.0 sẽ tạo ra cơ hội và thách thức, điều đó dẫn đến vai trò và sứ mệnh lịch sử là phải tiến hành phát triển giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng này. Theo đó, đòi hỏi hệ thống giáo dục nghề nghiệp tập trung vào kỹ năng thực hiện trong môi trường kinh doanh, dịch vụ và cung cấp những sản phẩm qua đào tạo có năng lực thích ứng và sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Những kỹ năng nghề quyết định tính cạnh tranh của người lao động như: Tư duy, phân tích, phản biện và sáng tạo; thiết kế và lập trình; giải quyết các tình huống phức tạp; tự học; giao tiếp ứng xử… Những kỹ năng này được trang bị cho người lao động thông qua hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt và liên thông là lợi thế cho người lao động có việc làm bền vững.

Mô hình giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt

Thực hiện Công ước quốc tế số 142 và Khuyến nghị 195 về phát triển nguồn nhân lực: Giáo dục, Đào tạo và Học tập suốt đời, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã yêu cầu các quốc gia thành viên thông qua và triển khai chính sách, các chương trình về giáo dục và đào tạo nghề gắn kết chặt chẽ với việc làm, đặc biệt thông qua các dịch vụ việc làm công. Để thực hiện yêu cầu trên, các nước thành viên xây dựng hệ thống giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề mở, linh hoạt có khả năng hỗ trợ và bổ sung cho nhau, bất kể các hoạt động này nằm trong hay ngoài hệ thống đào tạo chính thức.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết: Kinh nghiệm và mô hình giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia nhằm cải cách, thúc đẩy tính thích ứng của giáo dục nghề nghiệp với thị trường việc làm. Mục tiêu phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở là dỡ bỏ mọi rào cản pháp lý, kỹ thuật, tài chính để tạo điều kiện thuận lợi, công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người về cơ hội tiếp cận với các dịch vụ đào tạo nghề, bao gồm việc học nghề, khởi nghiệp, có việc làm.

Tại Việt Nam, từ năm 2006, thuật ngữ “Giáo dục mở” đã được nêu trong văn kiện của Đảng với chủ trương chuyển dần mô hình giáo dục sang mô hình giáo dục mở. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế định hướng: “Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo”.

Đối với giáo dục nghề nghiệp, Nghị quyết 19/NQ-TW chủ trương: “Sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.