Du lịch Việt loay hoay trong 4.0

GD&TĐ - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là động lực lớn để ngành du lịch Việt Nam thay đổi, bứt phá và phát triển. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức không nhỏ, bởi việc xây dựng website ứng dụng trên thiết bị di động, tích hợp các phương thức thanh toán trực tuyến, liên kết thương mại điện tử… vẫn là thách thức của các công ty du lịch Việt Nam hiện nay…  

Công nghệ 4.0 đang là cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức đối với các DN du lịch Việt Nam
Công nghệ 4.0 đang là cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức đối với các DN du lịch Việt Nam

Vẫn lúng túng

Theo khảo sát do Công ty nghiên cứu toàn cầu Kanta Millward Brows, Việt Nam nằm trong số các quốc gia dẫn đầu thế giới về lượng người thao tác trên điện thoại thông minh. Cụ thể, mỗi ngày người Việt Nam dành tới gần 250 phút (hơn 4 tiếng) để xem video, tin tức trên các trang mạng xã hội. Việt Nam cùng Ả-rập Xê-út và Hồng Kông (Trung Quốc), Mỹ… là những nước có sự tương đồng về người sử dụng smartphone và các thiết bị di động thông minh (chiếm 35%)

Bên cạnh đó, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đã làm thay đổi nhận thức của xã hội về sử dụng dịch vụ du lịch trực tuyến. Đây cũng chính là động lực để các công ty du lịch Việt Nam thay đổi cách thức kinh doanh, từ việc bán tour tại văn phòng, hay phải đến gặp khách, thì nay chỉ cần thông qua các website. Khách hàng chỉ ngồi nhà và click chuột là có thể đặt tour, đặt phòng, đặt vé máy bay… Thực tế, tại Việt Nam lâu nay nhiều người đã có thói quen tra cứu trên mạng những thông tin liên quan đến địa điểm, khách sạn, nhà hàng, cũng như những kinh nghiệm, trải nghiệm du lịch…

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, hầu hết các công ty du lịch đã có website riêng để giới thiệu các tour, cũng như các chương trình khuyến mãi. Nhưng so với nước ngoài, các công ty du lịch Việt Nam vẫn còn thua xa về cả cách thức quảng bá, cũng như công nghệ. Làm thế nào để tăng các tiện ích, tương tác, cung cấp thông tin đúng với nhu cầu tìm kiếm của khách hàng vẫn là điều mà các công ty du lịch Việt còn lúng túng. Đặc biệt, việc xây dựng ứng dụng trên di động, tích hợp các phương thức thanh toán trực tuyến, cũng như liên kết thương mại điện tử vẫn là “nút thắt” cần tháo gỡ hiện nay.

Doanh nghiệp ngoại vẫn chiếm ưu thế

Ông Tuấn cho biết, hiện các công ty du lịch Việt Nam vẫn còn “yếu thế” hơn so với các công ty du lịch nước ngoài, ở mặt đặt phòng trong và ngoài nước. Hai trang website Agoda.com và Booking.com đang chiếm tới trên 80% thị phần đặt phòng ở Việt Nam. Đây cũng là 2 thương hiệu được thế giới đánh giá cao, bởi cách làm chuyên nghiệp và uy tín.

Để rút ngắn khoảng cách và giành lại thị phần, các doanh nghiệp du lịch Việt cần hiểu hơn về nhu cầu của khách hàng, đồng thời đầu tư xây dựng website du lịch đáp ứng được các tiêu chí: Thân thiện với giao diện di động, thông tin hữu ích cho khách hàng... Bên cạnh đó, việc kết nối giữa các nhà cung cấp và thanh toán trực tuyến giữa các bên cũng là điều mà các công ty du lịch cần tập trung phát triển. Bởi không chỉ đầu tư vào marketing online, giờ đây khách hàng còn muốn tự mình lên tour, tự đặt vé và tự đặt phòng, vì vậy việc kết nối thương mại điện tử là rất cần thiết. 

 

Ông Nguyễn Văn Tuấn -Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch

Cụ thể, Agoda.com đang có gần 8.000 khách sạn đối tác ở Việt Nam, còn Booking.com có khoảng gần 7.000. Với lượng phòng dự trữ có sẵn nên dù ở bất cứ thời điểm nào, trên hai website này vẫn luôn có phòng, cũng như những khuyến mãi đi kèm nhằm đáp ứng khách hàng. Không chỉ có Agola và Booking, “cuộc chiến” giành thị phần hiện nay còn có sự tham gia của một số doanh nghiệp như: Trivago, Expedia, Traveloka, Mytour, Vntrip, Ivivu… Tuy nhiên, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp ngoại vẫn đang chiếm ưu thế với phương thức: Giá cả hấp dẫn, nhiều khuyến mãi, đặc biệt là phương thức thanh toán tiện lợi… đang chinh phục được khách hàng.

Nhận định về cơ hội và thách thức đối với ngành du lịch trong cuộc cách mạng 4.0, ông Tuấn cho rằng, hiện du lịch Việt đang đi sau quá nhiều trong lĩnh vực công nghệ. Cách đây hơn 20 năm, trước khi khai trương website du lịch đầu tiên ở Việt Nam các chuyên gia đã kỳ vọng rất nhiều. Nhưng bởi các hệ thống thanh toán điện tử hồi đó vẫn chưa phát triển nên việc kinh doanh thông qua website là điều không thể.

Tuy nhiên, những năm gần đây, nhu cầu tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam tăng nhanh, mỗi ngày có vài triệu lượt tìm kiếm bằng tiếng Việt về các sản phẩm du lịch. Đặc biệt, vào những tháng cao điểm, số lượt tìm kiếm lên đến hàng chục triệu lượt. Qua các năm, tỷ lệ này vẫn đang tiếp tục tăng, đây là yếu tố nền tảng để ngành du lịch Việt phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.