Nạn nhân 2 lần
Mamita 9 tuổi khi trận động đất xảy ra tháng 4/2015, trận động đất mạnh nhất tại Nepal trong gần 1 thế kỉ. Bố mẹ thiệt mạng, ngôi nhà bị phá huỷ, ngôi trường duy nhất trong làng cũng tan nát, Mamita cùng gia đình chị gái 16 tuổi (chị gái đã có chồng và mới sinh con) – tha hương tới Kathmandu. Ở đó Mamita vào làm trong một xưởng gạch từ sáng sớm đến tối mịt trong môi trường khói bụi vô cùng độc hại. Mamita đã là “nạn nhân 2 lần”: Thứ nhất là trận động đất tước đi mái nhà, trường học, gia đình và bạn bè; tiếp đó trở thành trẻ em bị khai thác lao động và bị tước đi quyền học tập.
Mồ côi sau động đất, hàng nghìn em nhỏ như Mamita bị đẩy ra đường và trở thành mồi ngon cho những kẻ buôn bán người. Theo ước tính của LHQ, số người bị bọn buôn người đưa khỏi Nepal sang Ấn Độ và các nước vùng Vịnh từ 10.000 đến 15.000 người. Hầu hết trong số này là phụ nữ và trẻ em – bị khai thác tình dục và lao động. Một nghiên cứu độc lập khác về hậu thảm họa động đất đưa ra con số trung bình 54 phụ nữ và trẻ em gái bị buôn bán ra nước ngoài mỗi ngày – nhiều bé gái được đưa sang tận châu Âu.
Giáo dục Nepal vốn nằm trong “vùng trũng” thế giới lại càng tiêu điều, thê thảm hơn sau động đất. 24.000 phòng học hư hại nặng hoặc bị phá huỷ hoàn toàn, khiến 950.000 trẻ không còn trường học. Hy vọng duy nhất cho những em nhỏ mất trường này là những trung tâm học tập dã chiến được dựng bằng tre và bạt. Theo tính toán mới đây, có khoảng 250.000 em đang học tại những căn lều tạm bợ này.
Tại những trường học còn sử dụng được, thường vẫn không an toàn. Sau động đất, thanh tra chính phủ dùng các miếng dán xanh và đỏ để báo hiệu về an toàn cấu trúc. Tuy nhiên ngay cả ở những khu vực có dán màu đỏ vẫn được dùng làm lớp học – tiềm ẩn nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào.
Trước thiên tai là… “nhân tai”
Trước khi xảy ra thiên tai thì giáo dục Nepal cũng đã trải qua thời gian dài “nhân tai”. Nạn tham nhũng khiến nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế đổ sông đổ biển.
Những ngôi trường được xây dựng dở dang rồi bị bỏ hoang trên khắp các địa phương nghèo nhất thuộc đất nước Nepal, đồng nghĩa với việc trẻ em không có nơi học và tiêu tốn công quỹ. Những trường học đó chưa bao giờ khai giảng nhưng nhiều cơ sở vẫn tiếp tục nhận được ngân sách từ chính phủ và không ít nhà hảo tâm ở nước ngoài - cơ quan chống tham nhũng Nepal thừa nhận.
Chính phủ Nepal đã phát hiện hơn 300 ngôi trường “ma”, tất cả đều được xây dựng bằng ngân sách của Bộ Giáo dục. Kể từ năm 2009, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Ngân hàng Thế giới (World Bank), Liên minh châu Âu (EU) và Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh tài trợ hơn 500 triệu USD cho Bộ Giáo dục Nepal.
Chính phủ Nepal đã truy tố nhiều quan chức, giáo viên móc túi công quỹ xây trường, theo thông báo từ Bộ trưởng Giáo dục Bishwa Prakash Pandit. Báo cáo thường niên của Ủy ban chống tham nhũng tiết lộ hồi đầu năm cho thấy, một số quan chức đã bị bắt vì tội kê khống chi phí sách giáo khoa và học liệu để ăn tham nhũng khoảng 30 triệu rupee trong năm 2014.