Các nước thuộc EU
Các nước thuộc EU đã đạt được nhiều thành tựu trong việc xử lý rác. Theo thống kê của EU, mỗi năm, một người dân Phần Lan thải ra 493 kg rác. Tổng lượng rác trên cả nước tương đương 2,8 triệu tấn/năm. 97% rác thải được tận dụng: 42% được tái chế, 55% được đưa vào lò đốt rác thải. Phần còn lại được chuyển đến các bãi chôn lấp rác.
Một người dân Thụy Điển thải ra 458 kg rác hằng năm. Tổng lượng rác thải là hơn 4,6 triệu tấn, trong đó, 34,6% được xử lý và 48,5% được đốt. Số còn lại được sử dụng để sản xuất khí sinh học hoặc trở thành phân trộn.
Na Uy ghi nhận 2,4 triệu tấn rác thải vào năm 2020. Trung bình, mỗi người dân thải ra 449 kg rác/năm. 58% lượng rác được chuyển đến lò đốt và 38% được xử lý.
Không phải ngay lập tức mà các nước Scandinavia đạt được những thành tích như vậy. Phải mất một vài thập kỷ giáo dục, người dân ở đây mới học được cách phân loại rác. Thái độ có trách nhiệm của họ đã làm thay đổi tình hình.
Ví dụ, ở Thụy Điển và Phần Lan, ngay từ lớp mẫu giáo, trẻ em đã được học các bài học về sinh thái nhằm mục đích giáo dục tình yêu thiên nhiên và sự sạch sẽ xung quanh mình. Các thùng thu gom rác thải riêng biệt đã được lắp đặt ở tất cả các thành phố của EU, ai vi phạm việc phân loại và đổ rác sẽ bị phạt nặng.
Giáo viên và học sinh trồng cây góp phần bảo vệ môi trường. |
Nhật Bản
Đất nước Mặt trời mọc hằng năm thải ra khoảng 44 triệu tấn rác thải sinh hoạt. Một vài thập kỷ trước, Nhật Bản gần như bị ngập trong rác. Giờ đây, người Nhật đã tái chế được hầu như tất cả. Ví dụ, ở làng Kamikatsu, rác thải được chia thành 34 loại. Nhiều thành phố của Nhật từ bỏ lò đốt rác để chuyển sang phân loại. Kết quả là, khoảng 80% rác thải được tái chế.
Các trường phổ thông ở Nhật không có môn “Sinh thái học”. Học sinh tiếp thu kiến thức môi trường trong các môn học. Đồng thời, không chỉ trẻ em mới được giáo dục môi trường. Ví dụ, chính quyền Tokyo đã tổ chức các khóa học đặc biệt cho cả những công dân lớn tuổi của đất nước. Họ được mời tham dự các bài giảng miễn phí về quy hoạch đô thị bền vững, về năng lượng thay thế... Các cơ quan chính quyền cho rằng không nên hạn chế giáo dục môi trường trong khuôn khổ nhà trường. Chiến dịch giáo dục môi trường cần được xây dựng trên cơ sở những đặc điểm và vấn đề của một đô thị cụ thể. Các doanh nghiệp quản lý rác thải cũng tham gia phổ biến về sinh thái học đến người dân. Ví dụ, bất kỳ ai có nguyện vọng cũng có thể đăng ký tham quan khu xử lý rác thải ở vịnh Tokyo.
Giáo viên hướng dẫn học sinh phân loại rác thải. |
Canada
Mỗi năm, một người dân Canada thải ra khoảng 400 kg rác thải sinh hoạt rắn. Canada bắt đầu chuyển sang thu gom rác thải riêng biệt và tái chế từ những năm 1980. Trong thời gian này, đất nước đã xây dựng được một hệ thống hiệu quả.
Chính quyền phân phát các thùng thu gom rác thải riêng cho tất cả các chủ hộ. Nếu cư dân cần loại bỏ rác thải cồng kềnh, họ có hai lựa chọn. Thứ nhất là tự chuyển những thứ không cần thiết đến những điểm thu gom nhất định. Thứ hai, sử dụng dịch vụ của các chuyên gia với một khoản phí nhất định. Canada có các thanh tra giám sát việc phân loại chính xác. Rác đã phân loại được xe rác đến thu gom vào những ngày nhất định. Cư dân phải theo dõi lịch trình hoặc đối mặt với khoản tiền phạt 232 đô la Canada (khoảng 4,2 triệu đồng).
Mọi người dân Canada đều được tiếp thu kiến thức về các vấn đề an toàn sinh thái. Các chuyên gia của Bộ Môi trường Canada đã xây dựng một chương trình giảng dạy riêng cho học sinh và sinh viên. Học sinh được học về sự nguy hiểm của khối lượng rác ngày càng tăng, về các phương pháp xử lý và phân loại rác thải. Việc dạy học được tiến hành trong khuôn khổ các môn học cơ bản về nghệ thuật, toán học, khoa học tự nhiên và nhân văn, hướng nghiệp...
Canada cũng không quên giáo dục môi trường cho các cư dân lớn tuổi với sự trợ giúp của các loại băng video và tài liệu tuyên truyền.
Thu gom rác thải nhựa để đưa đi xử lý. |
Đức
Trọng tâm giáo dục môi trường ở Đức là giúp học sinh hình thành nhận thức của mình về môi trường dựa trên trải nghiệm cá nhân. Ở Đức, không có một quan niệm duy nhất về giáo dục môi trường, các quan điểm và hình thức ở đây rất đa dạng. Mỗi bang có một quy định riêng về tính liên tục của giáo dục môi trường, bắt đầu từ tuổi mầm non. Quy định này cũng được áp dụng cho học sinh, sinh viên và các nhóm dân cư khác.
Từ những năm 1980, nước Đức đã thông qua chương trình “Sinh thái và dạy học”, chương trình này đã trở thành một phần của quá trình giáo dục của tất cả các trường phổ thông. Ví dụ, quan niệm dạy học và giáo dục học sinh trong lĩnh vực môi trường dựa trên việc truyền thụ kiến thức về thiên nhiên và các mối quan hệ sinh thái trên cơ sở kinh nghiệm thực tế.
Dưới sự hướng dẫn của các giáo viên, học sinh tự khám phá, quan sát các đối tượng và hiện tượng thiên nhiên trong môi trường đô thị. Trọng tâm là mối quan hệ qua lại giữa con người và thiên nhiên, hậu quả của tác động tới môi trường xung quanh (cả tiêu cực và tích cực). Từ đó hình thành nên các tiêu chuẩn và quy tắc hành vi có trách nhiệm đối với thiên nhiên và tương lai của mình. Việc thu gom và phân loại rác thải sinh hoạt trước khi đem đi tái chế rất được chú trọng.
Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất
Giáo dục môi trường và các chương trình (sáng kiến) đặc biệt của chính phủ UAE được bắt đầu hơn 20 năm nay. Năm 1998, Cơ quan Môi trường Abu Dhabi đã xây dựng các chương trình giáo dục môi trường cho học sinh ở tiểu vương quốc. Tuy cũng giúp nâng cao nhận thức của học sinh và giáo viên, các chương trình này không góp phần thay đổi đáng kể hoạt động môi trường. Đồng thời, các cơ sở giáo dục cũng muốn xây dựng một chiến lược giáo dục môi trường mới.
Năm 2009, xuất hiện sáng kiến mới “Nhà trường bền vững” với sự tham gia của 26 trường phổ thông. Nhờ sự hợp tác với các cơ quan hữu quan trong và ngoài nước, chương trình đã bao quát hơn 150 trường phổ thông. 11 trường phổ thông UAE đã cố gắng giảm mức tiêu thụ nước trung bình 41,6%, còn tiêu thụ năng lượng - trung bình 17% trong 11 năm tồn tại của sáng kiến “Nhà trường bền vững”.
Bằng việc tham gia chương trình này, học sinh đã thực hiện các dự án giúp giảm tiêu thụ năng lượng và nước, giảm phát sinh chất thải, hiểu được tầm quan trọng của việc bảo tồn đa dạng sinh học và cải thiện hành vi môi trường.