Giáo dục miền núi phía Bắc: Nan giải bài toán cơ sở vật chất

Giáo dục miền núi phía Bắc: Nan giải bài toán cơ sở vật chất

(GD&TĐ) - Chất lượng đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất trường, lớp được coi là những yếu tố cơ bản để làm nên chất lượng GD&ĐT. Tuy nhiên, với nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, do hoàn cảnh kinh tế xã hội chưa phát triển, hạn chế giao thông, ngân sách có hạn nên việc đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp còn đầy bộn bề, chông gai. Một số lãnh đạo các Sở GD&ĐT nói về vấn đề này.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang Lương Văn Soòng: Những năm gần đây, kinh phí đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là miền núi và vùng kinh tế khó khăn, trong đó có Hà Giang. Tuy nhận được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp giáo dục. Hà Giang là tỉnh miền núi nghèo, nguồn kinh phí cho giáo dục chủ yếu trông chờ từ ngân sách nhà nước, chính vì thế, nguồn từ xã hội hóa không đáng kể. Kinh phí giao cho giáo dục sau khi chi cho con người, phần còn lại chỉ đủ chi cho các hoạt động thiết yếu như thi cử, không có nhiều kinh phí để tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện khác phục vụ nâng cao chất lượng. 

Vì vậy, điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp học còn nhiều khó khăn. Toàn tỉnh có gần 11.000 phòng học. Song, Hà Giang có khoảng 6000 phòng học kiên cố, phòng học cấp IV là 3.524 phòng. Như vậy, ngành GD&ĐT Hà Giang vẫn còn gần 700 phòng học tạm. Tại một số huyện do còn thiếu phòng học nên một số trường vẫn phải học 2 ca. 

Để có đủ điều kiện cơ sở vật chất trường lớp, Sở GD&ĐT Hà Giang đã và đang tham mưu cho UBND tỉnh, các cấp, các ngành quan tâm đầu tư xây dựng để từng bước giải quyết những khó khăn giúp các nhà trường nâng cao chất lượng dạy và học.

Giờ tiếng Anh của thầy và trò Trường THCS Nậm Kè- Điện Biên. Ảnh V.H
Giờ tiếng Anh của thầy và trò Trường THCS Nậm Kè- Điện Biên.  Ảnh V.H

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang Nguyễn Thị Ngọc Thu: Nhằm tăng cường cơ sở vật chất trường lớp cho năm học, tỉnh Bắc Giang đã tập trung mọi nguồn lực. So với các tỉnh trong vùng, Bắc Giang cũng là số ít địa phương có điều kiện kinh tế xã hội tốt hơn, ngân sách đầu tư cho giáo dục tốt hơn, hiệu quả hơn. Vì vậy, Bắc Giang đã sửa chữa, bảo dưỡng: 1.321 phòng học, 62 nhà công vụ cho giáo viên, 210 phòng chức năng, 8.761 bộ bàn ghế, 896 bộ máy tính, 1.021 trang thiết bị đồ dùng dạy học, 1.013 sân chơi, bãi tập cho học sinh. Xây dựng mới 274 phòng học, 15 nhà công vụ 113 phòng chức năng; mua mới 7.154 bộ bàn ghế, 684 bộ máy tính, 660 trang thiết bị đồ dùng dạy học; 1.066 sân chơi, bãi tập. 

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên Nguyễn Sỹ Quân: Nói đến giáo dục Điện Biên là nghĩ ngay đến khó khăn chồng chất khó khăn. Trong đó, đặc biệt nhất chính là cơ sở vật chất trường lớp. Chỉ tính đơn giản, so với các trường dưới xuôi, các trường vùng sâu của Điện Biên nếu xây dựng kiên cố, kinh phí xây dựng sẽ đắt gấp 3 lần. Bởi chuyên chở nguyên vật liệu đến được điểm trường là vô cùng nan giải; thậm chí đường đi là đường đất, đường mòn, ô tô không vào được đến nơi. Đến nay, nhiều huyện nghèo của tỉnh vẫn còn tình trạng trường, lớp “tranh tre nứa lá”. Thầy cô và học sinh dạy, học trong những lớp học tuyềnh toàng, ghép từ thân cây nứa. Điển hình như huyện Mường Nhé, các xã vùng cao, vùng sâu trường lớp chưa được kiên cố hóa. Điều kiện dạy và học chưa đáp ứng yêu cầu. Nếu không có lòng yêu nghề, chắc chắn nhiều thầy cô giáo dưới xuôi lên sẽ không trụ lại với đất này.

 Năm học 2012-2013, Điện Biên có 491 trường, 7.057 lớp và 150.195 học sinh. Thế nhưng hiện cả tỉnh chỉ có 3.940 phòng kiên cố, chiếm 55,6%, và cũng có tới 1.654 phòng tạm, ước chiếm gần 24%) dù đã giảm 164 phòng học tạm so với năm học trước. 

Số phòng công vụ mới đáp ứng 60% nhu cầu nội trú của giáo viên nhưng Điện Biên vẫn còn 506 phòng tạm. Các điểm trường lẻ, đời sống giáo viên rất khó khăn, cả vật chất lẫn tinh thần. Có nơi chưa có điện, thiếu nước và thầy cô sống trong các căn nhà ghép tre nứa.

Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn Phạm Lê Ngà: Chuẩn bị cho năm học này, tỉnh Bắc Kạn chỉ duy nhất xây dựng mới 1 trường học. Số phòng học được xây mới và sửa chữa cũng ở con số hết sức khiêm tốn với tổng số 42 phòng học. Nếu so với qui mô học sinh, toàn tỉnh số phòng học còn thiếu là 535 phòng. Tuy nhiên, cấp học còn thiếu phòng học nhất đó là Mầm non thiếu 482 phòng. Hiện tại, các nhóm, lớp của các trường mầm non còn thiếu phòng học, được sắp xếp học nhờ tại phòng học của trường tiểu học và các nhà họp thôn.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai Vũ Thị Bích Nguyệt: Lào Cai hiện có 669 trường với 7.970 lớp; trong đó: mầm non 196 trường, 1.988 lớp. Cấp học mầm non đã được bổ sung, tu sửa phòng học nhiều hơn so với năm học trước, nhưng hiện nay vẫn thiếu phòng học, do những năm học trước tỉnh tập trung đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phổ cập GDTH, GDTrH. Hiện tại, Sở GD&ĐT đang tích cực tham mưu với UBND tỉnh để khắc phục khó khăn này.

Nhiệm vụ và giải pháp của ngành đặt ra trong thời gian tới là: Tập trung nguồn lực để củng cố và tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục, tiếp tục đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nhằm tạo điều kiện chuyển biến mạnh chất lượng giáo dục toàn diện, tăng hiệu quả giáo dục. Đặc biệt chú trọng đầu tư cho các trường học vùng dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, Lào Cai sẽ tập trung đầu tư xây dựng phòng học, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở cho học sinh nội trú, bán trú, đầu tư thiết bị dạy học hiện đại, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn ở vùng phát triển….vv.

Rõ ràng, giải quyết tốt bài toán cơ sở vật chất cho các tỉnh miền núi phía Bắc là rất cần thiết, vì sẽ góp phần nâng cao chất lượng cho giáo dục vùng “trũng”. 

Vũ Kiệt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ