Nhà lãnh đạo mẫu mực, đức độ
Những ngày này, người dân Việt Nam ở trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài đều bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một nhà lãnh đạo tài ba, có tâm, có tầm, suốt đời cống hiến vì hạnh phúc cho nhân dân.
Chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại, cô Văn Thùy Dương - Phó Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh cơ sở Cầu Giấy (Hà Nội) khẳng định, trên cương vị là người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với sự nghiệp Giáo dục đào tạo của nước nhà.
Ngày 4/11/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, Giáo dục nước nhà đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước...
Theo cô Dương, để đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay thì không thể không kể đến vai trò lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông đã cùng với tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương Đảng đưa ra nhiều quyết sách quan trọng đưa đất nước ngày càng đi lên, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân.
"Khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, lòng tôi như thắt lại vì tiếc thương một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo đức độ, giản dị, gần gũi với nhân dân. Dù chưa từng có vinh dự được gặp mặt, nói chuyện với Tổng Bí thư nhưng chúng tôi - những người làm giáo dục luôn cảm nhận được sự quan tâm, trăn trở của ông với ngành Giáo dục", cô Dương xúc động nói.
Trách nhiệm của thế hệ trẻ
Liên hệ thực tế tại đơn vị, cô Văn Thùy Dương cho hay, học sinh Trường Lương Thế Vinh không chỉ được thầy cô dạy các môn văn hóa trên lớp mà cao hơn, các em phải nhận thức được những vấn đề xã hội xung quanh mình. Để được đất nước yên bình như ngày nay là nhờ công lao của các thế hệ đi trước, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong sáng thứ 2 (ngày 22/7), nhà trường đã tổ chức lễ chào cờ đặc biệt tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Dù có mưa nhỏ, buổi lễ vẫn được diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính. Lá cờ Tổ quốc được quấn băng tang màu đen để tưởng nhớ tới vị lãnh đạo đáng kính vừa về với thế giới người hiền.
Mọi người cùng hướng lên lá cờ Tổ quốc thực hiện nghi thức chào cờ với lòng biết ơn vô hạn tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng anh linh của các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Giáo dục lòng biết ơn cho học sinh đâu cần quá cao xa, mà nên bắt đầu từ những điều bình dị nhất.
"Là những người dân Việt Nam yêu nước, chúng ta phải dạy cho học sinh biết cúi đầu và kính cẩn nghiêng mình trước sự ra đi của những người con ưu tú của đất nước trọn đời vì nước, vì dân. Đây là văn hóa mà học sinh cần hiểu để làm tròn trách nhiệm trong học tập, rèn luyện của bản thân xứng đáng với sự cống hiến, hi sinh của các bậc cha anh đi trước", cô Văn Thùy Dương nhấn mạnh.
Theo thông báo từ BCH Trung ương Đảng, tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang, diễn ra trong hai ngày 25 và 26/7. Lễ viếng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội, bắt đầu từ 7h - 22h ngày 25/7 và từ 7h - 13h ngày 26/7. Lễ truy điệu tổ chức lúc 13h ngày 26/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; lễ an táng lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.