Giáo dục đạo đức, tác phong, hình thành lối sống lành mạnh cho học sinh không thể chỉ qua các bài giảng mà phải bằng cả những hoạt động cụ thể, thiết thực.
Bài học đạo đức, lối sống qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo
Nhiều năm qua, Trường Phổ thông Liên cấp Tây Hà Nội (Nam Từ Liêm, Hà Nội) luôn chú trọng đặc biệt đến công tác giáo dục lối sống cho học sinh.
Theo cô Trần Diệu Thu, Trưởng ban kiểm soát chất lượng nhà trường, để giáo dục đạo đức học sinh, giáo viên thường lồng ghép một cách tự nhiên vào các bài học trên lớp. Cách thường làm là đưa tình huống, video để thầy trò cùng chia sẻ, phân tích, từ đó tự nhận thức được điều đúng - sai, nên làm - không nên làm, tự điều chỉnh suy nghĩ, hành vi, hình thành thói quen tốt”.
Một hình thức giáo dục đạo đức rất hiệu quả là qua các hoạt động ngoại khóa. Cô Trần Diệu Thu cho biết, nhà trường đã phối hợp với các tổ chức thực hiện nhiều hoạt động ngoại khoá về kỹ năng phòng chống cháy nổ, thoát nạn trong điều kiện cháy, an toàn khi sử dụng mạng, phòng chống bạo lực học đường… Qua đây, học sinh có thêm kiến thức thực tiễn và kỹ năng phòng ngừa tai nạn cho bản thân, gia đình.
Năm học 2022-2023, với chủ đề chính là “Bảo vệ môi trường”, nhà trường đã phối hợp với tổ chức Actions for Climate Change and Biodiversity (ACCB) tổ chức hoạt động “Environmental Science Day”.
Hoạt động này giúp học sinh có ý thức sâu sắc về trách nhiệm bảo vệ môi trường; đặc biệt là về phân loại và tái chế rác thải nhựa, rác thải quần áo, rác thải thực phẩm bằng những hành động thiết thực, chứ không chỉ còn là khẩu hiệu.
Học sinh Trường Phổ thông Liên cấp Tây Hà Nội thực hành dựng lều trại, làm việc nhóm. |
Trong khuôn khổ ngày hội, học sinh được thỏa sức sáng tạo, vận dụng kiến thức về khoa học, nghệ thuật vào các hoạt động trải nghiệm STEAM. Các em hào hứng tái chế quần áo cũ thành dây buộc tóc, tái chế thực phẩm thành phân bón, phân biệt các loại nhựa, nhuộm màu quần áo bằng các nguyên liệu tự nhiên...
Các hoạt động đều hướng đến thông điệp bảo vệ môi trường, khuyến khích học sinh tham gia tái chế rác thải và sử dụng các sản phẩm thay thế cho đồ nhựa dùng một lần.
Nguyễn Trần Bảo Anh, lớp 7MT, Trường Phổ thông Liên cấp Tây Hà Nội chia sẻ: Em rất thích tham gia vào các hoạt động trải nghiệm tại trường. Các trải nghiệm rất đa dạng và bổ ích. Hoạt động trải nghiệm “Environmental Science Day” giúp em biết thêm nhiều kiến thức mới, hiểu được lý do và cách bảo vệ môi trường. Không chỉ hạn chế vứt rác bừa bãi mà các rác thải nhựa, vải, thực phẩm đều có thể tái chế theo nhiều cách khác nhau.
Học sinh Trường Tiểu học Lý Thái Tổ dâng hương tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. |
Bài học sinh động qua trải nghiệm di tích lịch sử
Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện một cách bền vững, Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Hà Nội) luôn chú trọng đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Chia sẻ của cô Huỳnh Thị Hương, hiệu trưởng nhà trường, tham quan di tích lịch sử và các hoạt động thiện nguyện, chia sẻ với cộng đồng là một hình thức giáo dục đạo đức được nhà trường triển khai hiệu quả.
Hằng năm, trong tuần học đầu tiên của năm âm lịch, thầy và trò Trường Tiểu học Lý Thái Tổ đều có chuyến hành hương đến Đền Đô (Bắc Ninh) - nơi phát tích đế vương và thờ tự 8 vị vua nhà Lý, để thêm hiểu, thêm tự hào về lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh đó, các chuyến dâng hương, tham quan Văn Miếu-Quốc Tử Giám; trải nghiệm bảo tàng trên địa bàn Thủ đô… là dịp để học sinh hiểu và tự hào về văn hóa, lịch sử của dân tộc.
Ngoài trải nghiệm thực tế, học sinh Lý Thái Tổ còn thường xuyên được trực tiếp trực tiếp nghe các câu chuyện từ cựu chiến binh là các Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Từ đó, bồi đắp lòng tự hào dân tộc, sự biết ơn sâu sắc các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
“Mỗi cuối năm học, thầy và trò nhà trường đều chuẩn bị lẵng hoa tươi thắm đến Lăng Bác để dâng lên Người và báo công về những kết quả và thành tích rực rỡ trong công tác dạy-học sau một năm đầy nỗ lực. Chính những hoạt động trải nghiệm thực tế đã giúp học sinh cảm thấy hứng thú với học tập, đồng thời, nhận thức rõ ràng, chân thật về những bài học đạo đức, từ đó hình thành nhân cách sống của mỗi em học sinh.” - cô Huỳnh Thị Hương cho hay.