Ông Đặng Xuân Phong – UV BCH TW Đảng – Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai dự và phát biểu tại hội nghị.
Cùng dự có lãnh đạo tỉnh, các Sở, ban ngành; 2816 cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học của ngành giáo dục Lào Cai tại 217 điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố.
“Trái ngọt” từ khó khăn, thách thức
Năm học 2020-2021, vượt lên khó khăn thách thức, ngành GD&ĐT Lào Cai đã hoàn thành các nhiệm vụ năm học với kết quả toàn diện.
Có thể thấy, trong công tác tham mưu, chỉ đạo, quản lý ngành đã thực hiện đồng bộ hơn, sâu sát, cụ thể, sáng tạo, hiệu quả và hướng về cơ sở; hội nhập, hợp tác quốc tế và tiếp cận đổi mới, dân chủ hóa được chú trọng; kỉ cương tăng cường.
Về mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được rà soát, quy hoạch lại đã phát huy hiệu quả rõ rệt; trong điều kiện quy mô tăng, giảm trường/lớp và đưa HS ở điểm trường lẻ về trường chính, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của nhân dân và nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.
Đặc biệt, chất lượng giáo dục toàn diện của giáo dục Lào Cai tiến bộ vững chắc, dần khẳng định và rõ nét cả ở vùng thấp và vùng cao. Chú trọng giáo dục toàn diện, rèn kỹ năng sống, lý tưởng, hoài bão cho HS, gắn giáo dục hội nhập với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc.
Năm học qua, dù tác động không nhỏ của dịch Covid-19 nhưng giáo dục mầm non có nhiểu chuyển biến tích cực; chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ cả ở công lập và tư thục được quan tâm.
Giáo dục Tiểu học quản lý có nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả; chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên rõ rệt. Chất lượng giáo dục THCS, THPT vững chắc hơn; tỷ lệ HS chưa đạt chuẩn về kiến thức giảm, HS khá, giỏi tăng. Chất lượng thi HS giỏi, thi nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, quốc tế được nâng lên.
Công tác giáo dục dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là công tác quản lý nội trú, bán trú đã đi vào nền nếp do thực hiện tốt mô hình “bán trú tự quản” và hoạt động “một ngày bán trú”. Công tác phổ cập giáo dục xóa mù chữ đã duy trì và nâng cao chất lượng, tỷ lệ người biết chữ tăng...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng, ngành GD&ĐT Lào Cai vẫn còn tồn tại cần khắc phục trong những năm tới. Có thể chỉ ra như: còn cơ sở giáo dục hiệu quả giáo dục đào tạo chưa cao; một số xã, trường vùng cao thiếu biện pháp căn bản để giải quyết vấn đề duy trì số lượng, HS bỏ học, tảo hôn ở cấp THCS, THPT còn nhiều.
Trong công tác chỉ đạo, quản lý ở một số lĩnh vực, một số cơ sở giáo dục còn chậm đổi mới; chưa có nhiều biện pháp hiệu quả tạo động lực cho đội ngũ. Thiếu GV so với định mức ở tất cả các cấp học, bậc học; thiếu nhân viên y tế, bảo vệ, cấp dưỡng, thư viện, thiết bị...
Năm học mới, thành tựu mới
Ông Đặng Xuân Phong –Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai ghi nhận và đánh giá cao kết quả toàn ngành GD&ĐT Lào Cai đã quyết tâm phấn đấu đạt được trong năm học 2020 – 2021. Đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp ngành GD&ĐT Lào Cai cần thực hiện trong năm học mới, thời gian tới.
Ngành GD&ĐT cần tập trung tạo chuyển biến rõ rệt về chất lượng và hiệu quả giáo dục, nâng cao phẩm chất và phát triển năng lực...; Thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nâng cao năng lực đội ngũ CBQL, GV, đặc biệt người đứng đầu. Nâng cao năng lực ứng xử, giải trình, giải quyết các vấn đề xã hội tác động đến giáo dục và năng lực dự báo phát triển GD&ĐT đáp ứng yêu cầu mới của phát triển KT-XH, khoa học-công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai cũng nhấn mạnh ngành GD&ĐT cần thực hiện hiệu quả CTGDPT 2018; đổi mới mạnh mẽ đồng bộ về nội dung, hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học.
Cần đánh giá, tổng kết và nhân rộng các mô hình trường học, mô hình tổ chức các hoạt động giáo dục, đổi mới phương pháp giáo dục, mô hình quản lý giáo dục hiệu quả.
Thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 4 tuổi; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục MN 5 tuổi, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện phổ cập mầm non 4 tuổi; chú trọng phát triển giáo dục vùng dân tộc, vùng khó khăn...
Việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, dạy-học; Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục…
Đổi mới công tác quản lý giáo dục; Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; Đẩy mạnh công tác truyền thông về GD&ĐT, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động, sự đồng thuận của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục...
Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai bày tỏ tin tưởng: Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai; sự nỗ lực, tâm huyết, trách nhiệm và sáng tạo của đội ngũ CBQL, nhà giáo - năm học 2021 -2022, tỉnh Lào Cai tiếp tục có nhiều thành công mới.