Giáo dục kỹ năng sống: Giáo viên phải hiểu sâu bản chất môn mình dạy

GD&TĐ - Giáo dục kỹ năng sống giúp học sinh hình thành và phát triển thói quen, hành vi, thái độ tích cực, lành mạnh trong ứng xử các tình huống...

Học sinh Trường THCS Thanh Xuân trong hoạt động ngoại khóa. Ảnh: TG
Học sinh Trường THCS Thanh Xuân trong hoạt động ngoại khóa. Ảnh: TG

Hình thành phẩm chất, kỹ năng

Những năm qua, Trường THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) thành lập nhiều câu lạc bộ như STEM, bóng đá, bóng rổ, bơi, mỹ thuật, nhạc cụ tổng hợp, khởi nghiệp, hướng nghiệp... Tham gia câu lạc bộ, học sinh được củng cố kiến thức đã học, nâng cao kỹ năng thực hành, vận dụng, trải nghiệm thực tế. Các em cùng thầy cô giáo đổi thêm kiến thức chuyên môn, phát triển ý tưởng sáng tạo.

Song song với câu lạc bộ, nhà trường đẩy mạnh chương trình ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, giáo dục kỹ năng sống (KNS), rèn luyện thể chất nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trong đó, tập trung việc dạy học theo chủ đề, dự án, tích hợp liên môn; liên kết với bảo tàng, nhà hát, không gian trải nghiệm học tập.

Ngoài mô hình câu lạc bộ, Trường THCS Thanh Xuân còn đưa giáo dục KNS vào chương trình học như hợp tác với Trung tâm Công tác xã hội và phát triển cộng đồng (thuộc Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) triển khai dạy chương trình KNS thời lượng 1 tiết/tuần với nhiều chuyên đề thiết thực: Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực học đường; Sử dụng mạng xã hội an toàn; Kỹ năng tự bảo vệ bản thân; Học sinh ứng xử văn minh, thanh lịch...

Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân - cô Nguyễn Thanh Huyền chia sẻ: Chương trình giáo dục kỹ năng sống (KNS) góp phần hình thành phẩm chất, năng lực, kỹ năng cho học sinh theo yêu cầu Chương trình GDPT 2018. Các em biết cách giao tiếp, ứng xử phù hợp với từng tình huống xảy ra trong lớp, trường và ngoài xã hội.

Đánh giá về hoạt động giáo dục KNS tại trường học trên địa bàn Hà Nội, ông Kiều Cao Trinh - Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Khoa học công nghệ (Sở GD&ĐT Hà Nội) nhìn nhận: Hoạt động dần đi vào nền nếp, giúp học sinh hình thành và phát triển thói quen, hành vi, thái độ tích cực, lành mạnh trong ứng xử tình huống.

Học sinh hứng thú khi được tham gia hoạt động giáo dục KNS, ngoài giờ chính khóa, câu lạc bộ thể dục thể thao, giáo dục nghệ thuật. Các em được thư giãn sau tiết học chính khóa, bước đầu nắm kiến thức cơ bản về KNS và vận dụng vào thực tiễn.

Giáo dục kỹ năng sống là thành phần quan trọng của Chương trình GDPT 2018. Ảnh: TG

Giáo dục kỹ năng sống là thành phần quan trọng của Chương trình GDPT 2018. Ảnh: TG

Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho người dạy

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa - giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Để nội dung giáo dục KNS trở thành kỹ năng của học sinh thì cách thực hiện rất quan trọng. Giáo viên cần được tập huấn về nội dung và cách tích hợp giáo dục KNS, phải hiểu sâu bản chất môn mình dạy để liên hệ với cuộc sống.

Về phương pháp dạy học, giáo viên cần sử dụng đúng và thực hiện kỹ càng kỹ thuật triển khai mới có ý nghĩa. Ví dụ, phương pháp làm việc nhóm sẽ không thể phát triển kỹ năng hợp tác nếu giáo viên không thực hiện đúng kỹ thuật và có cách quản lý diễn biến hoạt động.

Tuy nhiên, giáo dục KNS chỉ thực hiện tích hợp trong môn học thì tính giáo dục chưa hiệu quả. Rất cần những giờ giáo dục KNS độc lập. Trong giờ học này, học sinh hiểu rõ hơn bản chất, cấu trúc KNS được học và quy trình rèn luyện để có kỹ năng đó. Như vậy, giáo viên cần được bồi dưỡng cách thực hiện những giờ giáo dục KNS độc lập.

Nêu quan điểm về vai trò quan trọng của KNS với sự tồn tại và phát triển của cá nhân trong môi trường xã hội, PGS.TS Nguyễn Hồng Thuận - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học và Giáo dục học (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) nhấn mạnh: Chương trình GDPT 2018 đưa nội dung giáo dục KNS vào chương trình môn học và hoạt động giáo dục chính khóa.

Song, với thời lượng và điều kiện của nhiều trường, việc triển khai công tác này chưa đạt như mong đợi. Do vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước cần đưa ra quy định, hướng dẫn cụ thể và giám sát hiệu quả hơn; trong đó, khuyến khích sự phối hợp giữa nhà trường với cá nhân/tổ chức và cộng đồng, nhằm nâng cao chất lượng quá trình giáo dục KNS cho học sinh.

“Trong Chương trình GDPT 2018, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp là chương trình bắt buộc thực hiện từ lớp 1 - 12, cung cấp cho học sinh nhiều KNS khác nhau. Tuy nhiên, chương trình dù đầy đủ bao nhiêu cũng không thể đủ so với sự phát triển của thực tế xã hội. Chính vì thế, chương trình giáo dục KNS luôn cần được bổ sung thông qua các hoạt động giáo dục KNS ngoài giờ lên lớp…”, PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa - giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ