Giáo dục hướng nghiệp tại Quảng Ninh tăng cường gắn kết 3 nhà

GD&TĐ - Để nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp cho học sinh cần sự phối hợp, gắn kết giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

Ngày hội việc làm là cơ hội để học trò tìm hiểu về ngành nghề mình yêu thích.
Ngày hội việc làm là cơ hội để học trò tìm hiểu về ngành nghề mình yêu thích.

Băn khoăn chọn nghề

Đang theo học tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Bình Liêu, em Tằng Quang Sàu, lớp 11B có ý định học nghề điện dân dụng để về mở tiệm sửa chữa điện cho bà con ở thôn bản mình.

Sàu chia sẻ: Em hiện theo học tại trung tâm và học nghề điện cho Trường Cao đẳng than khoáng sản Việt Nam phân hiệu Móng Cái đào tạo. Ngày mới bước chân vào trung tâm em không biết sẽ học ngành nghề gì, chỉ mong học xong để đi làm nương đỡ đần bố mẹ. Nhưng sau đó được thầy cô động viên, định hướng em cũng thuyết phục gia đình cho theo học nghề điện.

Học cùng Sàu, bạn Phùng Tài Mún mong muốn được đi học đại học ngành du lịch, khách sạn. Nhưng vì điều kiện kinh tế gia đình và năng lực của bản thân Mún theo học tại trung tâm, theo học nghề và định hướng sau này sẽ học lên đại học.

Mún cho rằng, việc học là vô cùng quan trọng để có nghề nghiệp ổn định. Nhưng từ nhỏ không có sự định hướng rõ ràng từ gia đình nên em cũng không xác định được nghề cho bản thân. Hơn nữa, gia đình em làm nông nghiệp, thôn bản nơi em sống không có nhà máy, xí nghiệp, người dân chủ yếu làm nông lâm nên em chỉ nghĩ học hết lớp cho biết chữ rồi đi xuống huyện Hải Hà làm công nhân. Nhưng khi đã có hiểu biết rõ về nghề nghiệp tương lai và xác định được tầm quan trọng của việc học em quyết tâm theo học.

Học sinh học tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Bình Liêu.

Học sinh học tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Bình Liêu.

Cô Phan Thị Hằng, giáo viên chủ nhiệm lớp 11B, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Bình Liêu cho biết, với đặc thù của huyện miền núi nên các ngành nghề trước đây người dân hay lựa chọn là nông lâm. Để mở mang tầm hiểu biết cũng như thu hút học sinh học những ngành có thể phát triển kinh tế thì nhà trường cũng như cán bộ giáo viên phải tuyên truyền với phụ huynh và định hướng cho các em nhiều lần. Gần đây, nhiều học sinh đã có định hướng và chọn ngành nghề đa dạng hơn như: nghề điện, nấu ăn, lễ tân…Tuy nhiên, cũng còn không ít học sinh thụ động, băn khoăn không biết chọn ngành nghề gì cho phù hợp với bản thân và các em rất rụt rè, ngại chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ cá nhân.

Chị Trìu Thị Hiền, một phụ huynh tại thị trấn Bình Liên chia sẻ, nhiều năm gần đây các nhà trường quan tâm đến định hướng nghề cho học sinh nên gia đình cũng tiếp cận nhiều thông tin về nghề nghiệp, nguồn nhân lực các ngành đang thiếu hụt để định hướng cho con. Tuy nhiên, để con chọn ngành nghề đáp ứng nhu cầu xã hội ngoài sự định hướng của gia đình, nhà trường thì rất cần sự vào cuộc của xã hội, mà cụ thể là các cấp ngành liên quan, đặc biệt là các nhà tuyển dụng, các doanh nghiệp.

Chú trọng nâng chất lượng

Thầy Vi Hồng Quân- Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Bình Liêu cho hay: Trung tâm có 165 học sinh trong đó có 79 em đang theo học ngành Quản trị Khách sạn theo chương trình của Trường Cao đẳng Xây dựng Uông Bí và Khoa nấu ăn Trường Cao đẳng Than khoáng sản Việt Nam.

Nhiều năm trước, tâm lý người dân chỉ cho con học hết phổ thông để biết chữ và về lên nương, rẫy cùng gia đình. Nhưng được sự vận động, tuyên truyền của nhà trường các cấp cùng chính quyền địa phương, nhận thức của phụ huynh có sự thay đổi rõ rệt.

Nhiều học sinh ở Bình Liêu mong muốn được tham gia ngày hội hướng nghiệp.

Nhiều học sinh ở Bình Liêu mong muốn được tham gia ngày hội hướng nghiệp.

Nhiều năm gần đây Bình Liêu được sự quan tâm của các cấp, ngành nên du lịch đang khởi sắc. Đó là tín hiệu vui để thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương, tạo điều kiện công ăn việc làm cho bà con và là cơ hội phát triển ngành nghề du lịch trong tương lai gần cho con em địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ