Giáo dục hướng nghiệp: Cần thực tế hơn trong tiếp cận và thực hiện

GD&TĐ - TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, tuy đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng hiệu quả giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh vẫn còn rất khiêm tốn.

Hiệu quả giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh vẫn còn rất khiêm tốn. Ảnh minh họa.
Hiệu quả giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh vẫn còn rất khiêm tốn. Ảnh minh họa.

Đặc biệt là kết quả của hoạt động phân luồng học sinh vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) chưa đạt mục tiêu đặt ra. 

Theo đó, TS Phạm Như Nghệ đã đưa ra những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng phân luồng học sinh vào GDNN. Mục đích nhằm làm tốt công tác phân luồng học sinh vào GDNN, đào tạo nguồn nhân lực xây dựng và phát triển đất nước đủ về số lượng, cao về chất lượng, hài hòa về cơ cấu ngành nghề.

Nhà trường phổ thông làm tốt hơn nữa nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp

Giáo dục hướng nghiệp đã được vào chương trình giáo dục phổ thông từ những năm tám mươi của thế kỷ XX. Tuy nhiên, chưa được coi là môn học bắt buộc chính thức và với thời lượng nhỏ nên hiệu quả chưa cao. Khắc phục hạn chế này, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã có nội dung Giáo dục Trải nghiệm (cấp tiểu học) và Trải nghiệm, hướng nghiệp. Chương trình với thời lượng 21 tiết ở cấp THCS và 32 tiết ở cấp THPT, có sách giáo khoa, có kế hoạch dạy học cụ thể. Như thế sẽ tạo sự đột phá về chất lượng và hiệu quả giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo mà trực tiếp là Vụ Giáo dục Trung học đã có những chỉ đạo Hoạt động Trải nghiệm, hướng nghiệp như là các môn học, hoạt động giáo dục khác trong chương trình. Mục tiêu của Hoạt động Trải nghiệm, hướng nghiệp không chỉ là thực hiện mục tiêu của Đề án 522 mà về lâu dài, sẽ góp phần làm tốt chức năng hướng nghiệp và phân luồng học sinh của giáo dục phổ thông.

Tất nhiên, năm học 2021 - 2022 mới bắt đầu triển khai ở lớp 6, theo kế hoạch của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì phải đến năm học 2024 - 2025 mới triển khai chương trình mới ở toàn bộ 12 lớp. Vì thế, hiện tại chưa thể có ngay kết quả của hoạt động Trải nghiệm, hướng nghiệp.

Bảo đảm liên thông giáo dục phổ thông, GDNN và giáo dục đại học

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định về việc phê duyệt Khung cơ cấu Hệ thống Giáo dục quốc dân. Trong đó quy định các luồng học tiếp theo mà học sinh tốt nghiệp THCS, THPT có thể lựa chọn theo học ở các trình độ cao hơn.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể để học sinh hiểu rõ và thuận tiện trong việc lựa chọn con đường học tập cho phù hợp. Cũng vì vậy, sự phối kết hợp giữa hai bộ chủ quản giáo dục phổ thông, GDNN và giáo dục đại học cũng chưa được tốt nên sự liên thông giữa ba mảng giáo dục này còn nhiều vướng mắc.

Vì vậy, cần phải có sự bàn bạc, thống nhất giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xây dựng các quy định cụ thể hóa việc phân luồng và liên thông trong toàn bộ Hệ thống Giáo dục quốc dân.

Chỉ khi hai Bộ, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cùng thống nhất được các quy định, quy trình cụ thể thì sự liên thông, liên kết giữa ba hệ thống giáo dục mới có thể thực hiện được.

Khi đó, học sinh có đủ niềm tin để lựa chọn lộ trình học tập phù hợp với điều kiện và nguyện vọng của mình. Và khi đó, hoạt động phân luồng học sinh mới có chất lượng và hiệu quả như mong muốn.

Thực hiện “Kế hoạch hóa” trong Hệ thống giáo dục quốc dân

Một thực trạng trong những năm qua cho thấy các cơ sở giáo dục đại học cố gắng nâng cao chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo theo năng lực của nhà trường mà chưa quan tâm nhiều đến việc sinh viên tốt nghiệp có xin được việc làm hay không. Các cơ sở GDNN cũng cố gắng tuyển sinh cho đủ, thừa hơn thiếu và cũng theo hướng đào tạo theo năng lực của nhà trường là chính.

Thực tiễn mấy năm qua cho thấy không ít nhà trường thuộc hai hệ thống giáo dục này dành sự quan tâm nhiều cho công tác tuyển sinh. Và đôi khi, tuyển sinh thành công là một thành công lớn của cơ sở đào tạo.

Tình trạng này, cộng với tư tưởng “sính bằng cấp” và tư tưởng tyển sinh “cho bằng được” đã khiến cho lượng học sinh dự tuyển vào giáo dục đại học ngày càng nhiều, lượng học sinh dự tuyển vào GDNN ngày càng giảm (tính theo tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT). Điều đó dẫn tới tình trạng ngành thừa, ngành thiếu, gây lãng phí cho xã hội và khó khăn cho người học tốt nghiệp mà không xin được việc làm.

Ví dụ, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý giáo viên. Nhiều đại biểu đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo giải trình về tình trạng thừa, thiếu giáo viên. Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) dẫn số liệu báo cáo thừa cục bộ gần 10.200 giáo viên và thiếu trên 94.700 giáo viên. Ông nêu giả sử, nếu có thể sắp xếp được số giáo viên thừa thì vẫn còn thiếu khoảng 84.000.

Để khắc phục thực trạng này, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực một cách khoa học và giao chỉ tiêu hợp lý cho các cơ sở đào tạo. Với dự báo nguồn nhân lực, Chính phủ có thể chỉ đạo, giám sát Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phân bổ chỉ tiêu đào tạo cho các cơ sở đào tạo hợp lý về năng lực, đặc điểm vùng miền…

Riêng với đào tạo đội ngũ giáo viên thì hoàn toàn có thể làm được. Với các ngành nghề trong sản xuất, dịch vụ cũng có thể tương ứng với nhu cầu của sản xuất và đời sống, phù hợp với sự phát triển của sản xuất. 

Làm tốt xuất khẩu lao động có tay nghề

Một trong những hướng có thể làm tốt phân luồng học sinh vào GDNN chính là hoạt động xuất khẩu lao động.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có thể chỉ đạo bộ phận chức năng lập kế hoạch các khu vực, các ngành nghề, yêu cầu về năng lực hành nghề, phẩm chất nghề của các nước tuyển lao động. Điều này nhằm phân bổ chỉ tiêu cho các cơ sở GDNN phù hợp.

Nếu thực hiện tốt việc tạo việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp, có lẽ sẽ thu hút không nhỏ lượng học sinh thi tuyển vào các cơ sở GDNN.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ