Giáo dục học sinh miền núi ở Quảng Nam bảo vệ môi trường rừng

Nhiều trường học ở Nam Trà My (Quảng Nam) dạy học sinh cách trồng rừng, chăm sóc cây dược liệu, tuyên truyền giáo dục bảo vệ môi trường.

Giáo dục học sinh miền núi ở Quảng Nam bảo vệ môi trường rừng

Hướng đến ngày hội xanh

Học sinh Trường Tiểu học – THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) vừa có một ngày hoạt động đầy sôi nổi và thú vị với Hội thi “Đường đến Ngọc Linh”. Đây là hoạt động ngoại khóa bảo vệ môi trường và truyền thông về bảo vệ trẻ em của nhà trường.

Với chủ đề Thiên nhiên Nam Trà My, 5 đội chơi được chia ghép giữa các khối lớp cấp THCS và Tiểu học sẽ tham gia các hoạt động như thi vẽ tranh, giải ô chữ, thi Rung chuông vàng, biểu diễn các tiết mục văn nghệ, tiểu phẩm. Thông qua các trò chơi, học sinh được củng cố kiến thức trong chương trình học thuộc các môn khoa học tự nhiên, xã hội. Ngoài ra, học sinh còn có cơ hội tìm hiểu thêm về kiến thức về thiên nhiên, về vị trí địa lí, các điểm đặc trưng và một số loài động vật, thực vật quý hiếm có ở Khu Dự trữ sinh quyển Ngọc Linh…

Giáo dục học sinh miền núi ở Quảng Nam bảo vệ môi trường rừng ảnh 1

Em Nguyễn Thị Hồng Diệu, HS Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam thuyết trình về thông điệp bảo vệ môi trường trong phần thi vẽ tranh.

Em Nguyễn Thị Hồng Diệu, học sinh lớp 5/2, đại diện cho nhóm HS khối 5 thuyết trình phần thi vẽ tranh chia sẻ: “Lớp em chọn thông điệp 'Giảm rác thải nhựa – Tăng màu sống xanh' để làm chủ đề của tranh vẽ. Chúng em muốn nhắn nhủ với các anh chị và các bạn hạn chế xả rác thải ra môi trường, giảm thiểu sử dụng túi ni lông, hộp nhựa, hộp xốp đựng thức ăn. Ngoài ra, những khi rảnh rỗi, có thể tham gia chăm sóc, tưới cây, nhổ cỏ cho những cây cảnh, bồn hoa lớp học, cây cối tại vườn trường để làm xanh thêm trường học”.

Mỗi đội dự thi được chuẩn bị trước tranh vẽ trên giấy A0 và thuyết trình trong thời gian từ 3-5 phút để truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên hoang dã. Sau phần thuyết trình, đại diện các đội thi trả lời câu hỏi do Ban giám khảo đặt ra nội dung liên quan đến chủ đề tranh vẽ của đội đã chọn. Ở nội dung này, nhiều học sinh làm khán giả có cơ hội nhận nhiều quà tặng dễ thương ở phần trả lời câu hỏi giao lưu.

Giáo dục học sinh miền núi ở Quảng Nam bảo vệ môi trường rừng ảnh 2

Một số sản phẩm tái chế của học sinh Trường Tiểu học - THCS Trà Nam trong Hội thi Đường đến Ngọc Linh.

Ở một góc khác của sân trường, các em học sinh đang chăm chút cho sản phẩm tái chế để dự thi. Bằng sự khéo léo, các em sử dụng giấy loại, vỏ chai nhựa, vỏ lon bia, bao ni lông… thành những sản phẩm tái chế có thể sử dụng được. Nhiều mô hình, sản phẩm tái chế mới lạ từ các vật liệu gần như bị bỏ đi để cách điệu thành bảng nội quy lớp học, bản đồ Việt Nam, thùng rác,…

Một nhóm học sinh khác đang chuẩn bị lên sân khấu trình diễn trang phục thời trang về mỗi trường. Các em có thể sáng tạo trang phục từ các loại hoa, lá trong tự nhiên hoặc các chất liệu khác, có cả phần thi nội dung giới thiệu về sản phẩm…

Điểm nhấn của Hội thi “Đường đến Ngọc Linh” phải kể đến phần thi tiểu phẩm của các đội. Mỗi đội trình bày một tiểu phẩm, có thể lựa chọn các nội dung như Bảo vệ môi trường, giáo dục giảm rác thải nhựa ra môi trường; Truyền thông về kĩ năng phòng chống xâm hại ở trẻ em, như xâm hại thân thể, xâm hại tinh thần, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em…

Hướng dẫn học sinh trồng cây dược liệu

Từ năm học 2016 - 2017, phòng GD-ĐT Nam Trà My (Quảng Nam) đã đưa chương trình giáo dục kỹ năng trồng dược liệu dưới tán rừng vào dạy cho học sinh từ bậc mầm non đến phổ thông trên địa bàn huyện. Các trường học như trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Don, trường Tiểu học – THCS Trà Nam là một trong những đơn vị triển khai đầu tiên.

Tại vườn thực nghiệm của trường, học sinh được hướng dẫn kỹ thuật trồng, nuôi dưỡng, khai thác và bảo vệ nguồn giống các loại cây dược liệu đặc hữu của địa phương, như sâm Ngọc Linh, quế, giảo cổ lam, đương quy…

Sau Tết Nguyên đán năm 2023, thầy cô giáo và học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập trồng 110 cây cau giống dọc theo khuôn viên và lối đi dẫn vào trường trong chương trình Tết trồng cây.

Giáo dục học sinh miền núi ở Quảng Nam bảo vệ môi trường rừng ảnh 3

Học sinh được hướng dẫn các công đoạn trồng cây cau giống. (Ảnh: Thu Trà).

Theo Ban giám hiệu nhà trường, vài năm trở lại đây, cây cau đưa lại giá trị kinh tế khá cao cho người dân địa phương. Vì vậy, ngoài tạo cảnh quan môi trường, nhà trường kỳ vọng có thêm nguồn thu từ cây cau để bổ sung vào quỹ hỗ trợ cho học sinh.

Giáo dục học sinh miền núi ở Quảng Nam bảo vệ môi trường rừng ảnh 4

Việc tự trải nghiệm trồng và chăm sóc cây sẽ giúp học sinh hiểu thêm ý nghĩa của việc trồng, bảo vệ rừng. (Ảnh: Trà Thu).

Thầy Lê Huy Phương – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thông qua chương trình này, nhà trường mong muốn giáo dục và truyền cảm hứng cho học sinh trong việc bảo vệ môi trường, góp sức trồng cây gây rừng, mang lại nguồn lợi sinh kế chính đáng cho bản thân và cộng đồng. Bằng việc tự tay trồng cây xanh, học sinh sẽ làm quen dần với việc trồng rừng, tạo thêm niềm vui trong học tập và lao động”.

"Với Hội thi Đường đến Ngọc Linh, học sinh được cung cấp những kiến thức cơ bản, phù hợp với lứa tuổi về bảo vệ môi trường, từ các vấn đề về biến đổi khí hậu đến các phương pháp bảo vệ đa dạng sinh học. Ngoài ra, các em còn có thêm hiểu biết về đa dạng sinh học ở rừng, có cơ hội trải nghiệm thực tế và hình thành thái độ trân trọng tài nguyên rừng, đồng thời suy nghĩ và hành động nhằm bảo tồn tài nguyên rừng. Những hoạt động mang tính giải trí, giúp giúp học sinh trau dồi kỹ năng trong một môi trường học tập năng động, thoải mái và vui vẻ..." - thầy Võ Đăng Chín, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam).

Theo giaoducthoidai.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.