Giáo dục giữa đại ngàn Trường Sơn

GD&TĐ - Quãng đường vào Dốc Mây khoảng 30 km tính từ trung tâm xã Trường Sơn, cảm giác Dốc Mây xa xôi thăm thẳm dần hiện rõ dọc đường đi. Hình ảnh thầy cô giáo ở các điểm lẻ của Trường Tiểu học Long Sơn đứng vẫy tay tiễn chúng tôi với lời động viên và chúc sức khỏe như núi bước chân người. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhọc nhằn đường lên bản...

Còn đối với người dân, khi gặp chúng tôi ai cũng hỏi: “Mấy thầy vào Dốc Mây à? Đi mạnh khỏe nhé!”. Những hình ảnh, những lời động viên ấy làm tôi khẳng định rằng con đường vào Dốc Mây sẽ cực kỳ khó khăn, đúng như các thầy cô ở trường đã “cảnh báo” trước.

Chúng tôi gửi lại xe máy ở nhà dân ở cuối làng và sau đó bắt đầu hành trình đi bộ vào Dốc Mây. Băng qua quả đồi chênh chếch với lối mòn nhỏ phủ đầy lau lách, những phiến đá xanh bị bào mòn bởi chân người và đất thấm đẫm nước làm bước đi của tôi khó hơn bởi rất dễ trượt ngã, vậy mà các thầy lại bước đi thoăn thoắt.

Thầy Bình đi cùng đã nhanh tay chặt một nhành cây đưa tôi để làm “chiếc gậy Trường Sơn” để chống trượt và rồi các thầy vừa đi vừa kể những câu chuyện cười, chuyện tiếu lâm đôi lúc cao hứng còn cất lên mấy câu hát yêu thương về bản làng, về học sinh...

Chặng đường gian nan gập ghềnh để đến với bản Dốc Mây cứ lùi dần về sau lưng, khi ánh nắng yếu ớt cuối cùng của buổi chiều mùa đông bắt đầu xuống núi thì chúng tôi đã đến với Dốc Mây. Trước mặt tôi, bản làng “biệt lập” giữa đại ngàn Trường Sơn hoàn toàn không cô đơn lạnh lẽo mà thay vào đó là sự ấm áp, ấm áp của tình người...

“Gieo chữ” ở rẻo cao

Xa xa cuối bản Dốc Mây, ngôi trường khang trang theo lối kiến trúc nhà sàn của dân bản được dựng lên là thành quả quá lớn được bà con dân bản rất quý. Họ quý bởi đó chính là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, quý bởi sức người bỏ ra quá nhiều và từ nay họ được các thầy giáo dạy chữ để bà con biết đọc, biết viết thoát cái cảnh mù chữ hàng bao thế hệ nay.

Thầy Thủy, người có thâm niên “cắm bản” tâm sự: Ngày đầu lên dạy các em, trong đầu cứ ngỡ nó thật khó khăn như bao nơi khác nhưng chặng đường không xa nhưng con đường gập ghềnh gian khó thì cứ tưởng rằng khó hơn lên trời. Khi đến đây nhưng tôi cũng hoàn toàn bất ngờ bởi ở đây học sinh ngoan, chăm học và biết nghe lời.

Mỗi giờ lên lớp là các em tập trung vào nghe giảng bài và đặc biệt các em rất hào hứng khi nghe chúng tôi kể về những câu chuyện tuổi thơ, những trò chơi và đồng quê làng mạc dưới xuôi... nó tưởng chừng bình thường, bình dị với mình nhưng đó là một thế giới đặc biệt trong mắt của những đứa trẻ.

Ước mơ, khát vọng về chân trời mới như thúc giục các em học tập tốt hơn nữa và càng chăm chú hơn qua mỗi bài giảng của các thầy.

Hạnh phúc của bà con dân bản đó chính là bản thân cũng như con cái họ được học cái chữ, điều tưởng chừng quá khó khăn bởi điều kiện sống của người dân bản Dốc Mây này. Già làng Hồ Lay tâm sự:

Cả bản này có ai mơ được ngày biết cái chữ đâu, giờ không những bà con được dạy chữ mà còn có cả trường lớp khang trang để các cháu ngồi học như dưới miền xuôi... Các thầy, cô đã phải vượt qua bao nhiêu khó khăn, vất vả để lên đây dạy chữ cho bà con là quý lắm, mừng lắm...

Mỗi chuyến “hành quân” lên với Dốc Mây chứa biết bao giọt mồ hôi, cuộc sống ở chốn “biệt lập” thiếu thốn đủ trăm bề, ngôn ngữ bất đồng... nhưng những người giáo viên họ vẫn khắc phục khó khăn đó để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Hơn ai hết, những người dân họ hiểu rằng mỗi con chữ thấm đẫm bao nhiêu giọt mồ hôi và nước mắt nên chính bản thân họ xem những người thầy như là người thân của mình...

Nặng tình với Dốc Mây...

Mấy ai có thể đếm được bao nhiêu chuyến đi, bao nhiêu bước chân kể từ ngày những cán bộ bộ đội Biên phòng đồn 597 BCH Biên phòng tỉnh Quảng Bình “gùi chữ” lên Dốc Mây? Những chuyến đi và những bước chân ấy đã in đậm trong tâm trí của từng người mà có lẽ cả cuộc đời họ sẽ không bao giờ quên.

Già làng Hồ Lay kể lại câu chuyện của cán bộ Trần Hữu Chung thuộc Đồn Biên phòng 597 - Đồn Biên phòng Làng Mô BCH bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình người đầu tiên mang con chữ lên bản.

Ngày đó, cán bộ Chung khó khăn lắm mới có thể vận động từng nhà cho con cái mình đến trường học chữ bởi dân bản còn e ngại với việc học hành. Tấm lòng và sự nhiệt huyết của cán bộ Chung đã làm thay đổi hoàn toàn ý thức từ việc học của bà con và từ đó trường lớp được dựng lên, lớp học được hình thành giữa đại ngàn Trường Sơn này.

Vui lắmcán bộ Chung dạy chữ cho con em mình trong lớp còn bên ngoài gần như người dân cả bản đứng xung quanh để nhìn xem cái chữ của Bác Hồ.

Dần dần bà con cũng biết đọc, biết viết, nhận thức đã thay đổi quá nhiều và bà con bắt đầu biết làm nương, rẫy có hiệu quả hơn để mang lại lương thực thực phẩm cho cuộc sống ấm no...

Anh đi, em tiếp bước và cũng ít người biết rằng đã có hai anh em ruột là cán bộ Chung và thầy giáo Thủy, họ đã gắn bó với việc “gieo chữ” giữa đại ngàn này hơn chục năm nay. Họ đã cùng ăn, cùng ở cùng dạy chữ, giúp đỡ bà con trong cuộc sống và từ đó tình cảm của họ đã in sâu trong tâm trí của bà con...

“Tôi còn sức, tôi sẽ tiếp tục lên Dốc Mây cùng bà con và học sinh nơi đây. Khó khăn, vất vả mấy chúng tôi cũng không hề e ngại bởi đó là tình cảm của mình cũng như tâm huyết của nghề.

Mong sao một ngày nào đó bà con dân bản Dốc Mây sẽ không còn phải khó khăn như bây giờ nữa và các em học sinh cũng trang bị đầy đủ kiến thức theo kịp học sinh miền xuôi...”, thầy Thủy tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ