Giáo dục giới tính như thế nào?

GD&TĐ - Giáo dục giới tính là một trong những nội dung quan trọng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Môn học này được đưa vào chương trình phổ thông từ rất sớm với nhiều phương pháp giảng dạy linh hoạt.

Hình mẫu

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên tại các nước châu Âu vào loại thấp nhất thế giới. Đơn cử, ở Italy, Đức và Thụy Sĩ, trong số 1.000 trẻ được sinh ra, dưới 4 em có mẹ ở tuổi vị thành niên. Con số này tại các nước như Thụy Điển, Pháp, Đan Mạch hay Bỉ là khoảng 5 - 6.

Lý giải điều này, chuyên gia Ngân hàng Thế giới cho rằng, các nước châu Âu, đặc biệt bán đảo Scandinavia, sở hữu chương trình giáo dục giới tính tiến bộ. Giáo viên giảng dạy giới tính ở các quốc gia này không nhấn mạnh sự nguy hiểm của tình dục. Thay vào đó, họ hướng dẫn học sinh phương pháp tình dục an toàn, cách chăm sóc bản thân ở tuổi mới lớn.

Nổi tiếng với tính cách phóng khoáng, người Hà Lan cho rằng, giáo dục giới tính cần sự linh hoạt, cởi mở. Do đó, giáo dục giới tính tại Hà Lan được đưa vào từ chương trình mẫu giáo, dành cho trẻ 4 tuổi.

Ở lứa tuổi này, các bé sẽ học cách hình thành mối quan hệ, thảo luận về quyền tự do cá nhân, quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Một trong những nội dung thường xuyên và xuyên suốt trong giáo dục mầm non là sự đồng ý.

Sau khoảng 15 năm triển khai chương trình giáo dục giới tính trong các trường phổ thông, số lượng trẻ vị thành niên mang thai ở Hà Lan là thấp nhất trong Liên minh châu Âu (EU). Tỷ lệ là 3,2 trên 1.000 trẻ em gái và đang tiếp tục giảm xuống. Thanh thiếu niên Hà Lan thường bắt đầu quan hệ tình dục muộn hơn so với Mỹ hoặc các nước châu Âu khác.

Ở Na Uy, khi đến trường, học sinh từ 8 đến 12 tuổi được xem “Puberteten”, các video hài về tình dục và giới tính. Ở Thụy Điển, trẻ tiểu học sẽ tìm hiểu về các bộ phận riêng tư trên cơ thể trước khi đi đến những nội dung giáo dục giới tính sâu hơn. Thụy Điển là nước tiên phong trong giáo dục giới tính khi đưa môn học này vào chương trình bắt buộc từ năm 1956.

Tại Vương quốc Anh, giáo dục giới tính và tình dục được triển khai với học sinh từ 11 tuổi. Vào tháng 9/2020, nước này đưa vào bậc phổ thông chương trình giáo dục giới tính mới, được cải cách sau gần 20 năm.

Theo đó, học sinh tiểu học phải được dạy về các mối quan hệ lành mạnh, về dậy thì và giữ an toàn trên Internet. Học sinh trung học tìm hiểu về chăm sóc cơ thể, lạm dụng tình dục, bạo lực gia đình cũng như các bệnh lây truyền qua đường tình dục và tác động của việc xem nội dung xấu, bẩn trên Internet.

Trong khi tại Mỹ, giáo dục giới tính có xu hướng nghiêng về giáo lý khiến nhiều học sinh chưa thực sự hiểu rõ về vấn đề này. Ước tính, chỉ khoảng 22 bang ở Mỹ yêu cầu giáo dục giới tính trong các trường công lập. Nhiều bang khác đang đấu tranh để đưa giáo dục giới tính trở thành môn học bắt buộc.

Do đó, giáo dục giới tính tại Mỹ chưa thực sự thống nhất và đồng đều. Nhiều học sinh không được dạy về phòng tránh mang thai hoặc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Theo khảo sát của tổ chức truyền thông ATTN, 41% thanh niên 18, 19 tuổi tại Mỹ biết ít hoặc không biết gì về bao cao su. 45% không biết các biện pháp phòng tránh thai.

Giáo viên thảo luận về cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh.
Giáo viên thảo luận về cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh.

Dè dặt, thiếu tự nhiên

Giáo dục Hà Lan khuyến khích sự tôn trọng đối với tất cả xu hướng tình dục, đồng thời giúp học sinh phát triển kỹ năng bảo vệ bản thân khỏi bị ép buộc, đe dọa hay lạm dụng tình dục. Khảo sát của các chuyên gia giáo dục chỉ ra những học sinh được giáo dục giới tính có tính cách quyết đoán, khả năng giao tiếp tốt hơn bạn bè đồng trang lứa.

Giáo dục giới tính tại các quốc gia châu Á có phần dè dặt hơn. Tại Trung Quốc, giáo dục giới tính trong trường học ít được tổ chức hoặc gần như không có, từ đó dẫn đến lỗ hổng lớn trong kiến thức xã hội của trẻ em khi bước vào tuổi trưởng thành.

Để thay đổi điều này, nhiều trường đại học tại Trung Quốc đã lắp đặt máy bán hàng tự động bán dụng cụ xét nghiệm HIV tại nhà cho sinh viên. Một số trường sử dụng sách giáo khoa giáo dục giới tính nhưng vấp phải phản đối từ phụ huynh, cộng đồng nên bị loại bỏ.

Cũng giống như Trung Quốc, ở Ấn Độ giáo dục giới tính từ lâu đã là vấn đề gây tranh cãi. Số liệu thống kê cho thấy, khoảng 53% trẻ em 5 - 12 tuổi bị lạm dụng tình dục. Hơn 50% trẻ em gái ở nông thôn không biết về kinh nguyệt hoặc ý nghĩa của nó.

Hội đồng Giáo dục, Nghiên cứu và Đào tạo quốc gia Ấn Độ từng đề xuất đưa giáo dục giới tính vào giảng dạy nhưng vấp phải sự phản đối nên phải loại bỏ. Nhiều giáo viên, phụ huynh lo ngại chương trình này làm tăng sự tò mò của học sinh.

Tại Singapore, giáo dục giới tính được dạy từ cấp tiểu học. Học sinh được học từ cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh đến hành vi tình dục, biện pháp phòng tránh bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Giáo viên cũng kêu gọi phụ huynh cởi mở và chia sẻ cùng các con về vấn đề giới tính và tình dục để việc giáo dục đạt hiệu quả tốt hơn.

Tại châu Phi, giáo dục giới tính được triển khai tập trung vào việc đẩy lùi dịch AIDS. Tuy nhiên, việc thảo luận về các biện pháp tránh thai vẫn bị coi là điều cấm kỵ trong và ngoài giáo dục. Việc giảng dạy bộ môn này còn ít và nhỏ lẻ.

Đơn cử tại Uganda, một số trường lồng ghép chương trình giáo dục giới tính trong môn Thể dục. Số khác không tổ chức do phụ huynh phản đối. Khi chơi bóng đá, học sinh được học về sức khỏe tình dục nhằm bình thường hóa ngôn ngữ giới tính, cho phép học sinh đặt câu hỏi mà không cảm thấy khó xử.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...