Giáo dục ĐBSCL sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị

Giáo dục ĐBSCL sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị

(GD&TĐ) - Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết21-NQ/TW của Bộ Chính trị  về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001-2010, kinh tế các tỉnh, thành vùng ĐBSCL phát triển nhanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, hiệu quả sản xuất được nâng cao, tổ chức huy động tốt các nguồn lực đầu tư; môi trường đầu tư được cải thiện. Trong đó, sự nghiệp giáo dục và công tác dạy nghề đã đạt được nhiều thành tựu cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của khu vực.

Về giáo dục-đào tạo và dạy nghề là lĩnh vực có sự quan tâm đầu tư góp phần đưa trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực của vùng có bước phát triển nhanh. Đã thành lập mới và mở rộng, nâng cấp nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề, Trường Đại học Cần Thơ trở thành trường trọng điểm quốc gia cấp vùng. Mạng lưới trường, lớp mầm non, phổ thông phát triển rộng khắp các địa bàn dân cư, phân bố ngày càng hợp lý hơn. Cơ sở vật chất trường, lớp được tập trung đầu tư, đội ngũ giáo viên, học sinh tăng nhanh. Giáo dục mầm non tăng 685 trường (tăng 73%), tiểu học tăng 179 trường (5,6%), trung học cơ sở tăng 230 trường, trung học phổ thông tăng 68 trường.
Đến cuối năm 2010, 98,9% số xã, phường đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở; xây dựng mới trên 20.000 phòng học và trên 2.000 phòng công vụ giáo viên, hoàn thành việc xoá lớp học 3 ca đúng tiến độ. Các tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer đều có trường dân tộc nội trú. Hiện có 26 trường, tăng 9 trường so trước 2003, có trên 7.500 học sinh theo học, chiếm 10,27% học sinh dân tộc trung học. 
Công tác dạy nghề có nhiều tiến bộ, gắn với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, xoá đói giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu lao động xã hội. Mạng lưới cơ sở dạy nghề có bước phát triển, nhất là trung tâm dạy nghề cấp huyện; đến năm 2010 có 336 cơ sở dạy nghề, trong đó có 95 trung tâm dạy nghề cấp huyện, tăng gấp 3 lần so năm 2001. Các Trung tâm dạy nghề của Quân khu 9 phát huy tốt hiệu quả. Đội ngũ giáo viên dạy nghề tăng từ 1.971 giáo viên năm 2001 lên 3.975 giáo viên năm 2010, chất lượng giáo viên và giảng dạy từng bước được nâng lên.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng đã chỉ ra những hạn chế của giáo dục, dạy nghề khu vực ĐBSCL trong 10 năm qua. Đó là, chất lượng nguồn nhân lực chưa đạt yêu cầu, các chỉ số giáo dục-đào tạo và dạy nghề trong vùng còn thấp so với các vùng khác. Tỷ lệ đầu tư cho giáo dục đào tạo và dạy nghề còn thấp, chiếm 18% cuối năm 2010 so chỉ tiêu 20%, mới có 135 sinh viên/1 vạn dân, chỉ đạt 90% chỉ tiêu Quyết định số 20 của Thủ tướng Chính phủ. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia thấp 11%; tỷ lệ huy động học sinh trung học phổ thông mới đạt 44,3%; học sinh phổ thông bỏ học trong năm học 2009-2010 là 0,1% so bình quân chung cả nước là 0,56%, bình quân mới có 85 sinh viên/1 vạn dân; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 23,5%. Trang thiết bị giảng dạy thiếu, lạc hậu, giáo viên dạy nghề thiếu về số lượng, chất lượng chưa cao, chủ yếu là dạy nghề ngắn hạn. Xuất khẩu lao động chưa đạt kế hoạch cả về số lượng và thu nhập.  
Từ những đánh giá về thành tích và hạn chế trên, báo cáo cũng nêu ra định hướng giai đoạn 2011-2020 như sau: Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực theo các mô hình phù hợp như  theo đơn đặt hàng, địa chỉ sử dụng, hợp đồng hợp tác... nhằm xây dựng nguồn nhân lực trẻ, năng động, hiện đại có trình độ cao; gắn phát triển kinh tế với xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, tạo việc làm, giảm chênh lệch về phát triển xã hội giữa các khu vực và giữa dân tộc Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
Chủ
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị của vùng Tây Nam Bộ
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 21, vùng Tây Nam Bộ có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân toàn vùng đạt 11,7%/năm.
Theo Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Nguyễn Phong Quang, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 21, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân toàn vùng đạt 11,7%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực và mạnh mẽ. Năm 2000, tỉ trọng nông – lâm nghiệp và thủy sản chiếm 53,5%, công nghiệp – xây dựng 18% và dịch vụ 28%, nhưng đến năm 2010, tỷ lệ các khu vực tương ứng là 39%, 26%, 35%.

 Kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 6,83 tỉ USD, chiếm khoảng 9,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người/năm gấp 2,5 lần so với năm 2001, bằng 95% thu nhập bình quân đầu người/năm của cả nước.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đánh giá, một trong những thành tựu quan trọng nhất vùng Tây Nam Bộ đạt được trong thời gian qua là nông, lâm, ngư nghiệp phát triển khá toàn diện, hình thành được các vùng chuyên canh.

Cụ thể, trong 10 năm, giá trị sản xuất toàn ngành tăng từ 56.292 tỉ đồng lên 101.000 tỉ đồng, năng suất lúa tăng từ 4,3 tấn/ha lên 6,3 tấn/ha, nâng sản lượng từ 16 triệu tấn lên 21,6 triệu tấn.

 Bên cạnh đó, công nghiệp cũng đi dần vào khai thác thế mạnh chế biến nông sản, bước đầu tập trung đầu tư phát huy lợi thế về công nghiệp dầu khí, năng lượng, cơ khí... Giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng tăng bình quân 18,8%/năm, đến năm 2010 đạt 156 nghìn tỷ đồng.
 Thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trong vùng được củng cố và tăng cường, nhất là trên địa bàn chiến lược, biên giới, vùng biển, đảo, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.

Các địa phương đã hỗ trợ hơn 88.000 căn nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hỗ trợ đất ở cho 2.580 hộ, đất sản xuất cho 2.756 hộ, đào tạo nghề cho gần 6.000 lao động, giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động…
Xuân Lương-Thái Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ