Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh qua Tủ sách Bác Hồ

GD&TĐ - Những năm học gần đây, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phát động thư viện các nhà trường xây dựng Tủ sách Bác Hồ với nhiều đầu sách phục vụ thiết thực công tác chuyên môn của giáo viên, học sinh.

Học sinh Trường Tiểu học Giang Biên chăm chú đọc những cuốn sách về Bác Hồ.
Học sinh Trường Tiểu học Giang Biên chăm chú đọc những cuốn sách về Bác Hồ.

Cảm hóa học sinh qua các câu chuyện có thật về Bác

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Tùng, chủ biên bộ sách “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh”, tập hợp được gần 100 câu chuyện về Bác Hồ vĩ đại, bộ sách dựa trên ý tưởng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thông qua những câu chuyện đặc sắc từ cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điểm đặc sắc, độc đáo là bộ sách này hướng đến mục tiêu giáo dục đạo đức, lối sống, phát triển năng lực và phẩm chất học sinh thông qua việc tổ chức các hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm với các hình thức đa dạng, như thảo luận, trò chơi, vẽ tranh, diễn kịch...

Không chỉ là những bài học về đạo đức, lối sống chung chung, bộ sách đã gắn những bài học với những câu chuyện sinh động về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, với cuộc sống, với công việc, sinh hoạt, vui chơi gần gũi, quen thuộc của mỗi học sinh ở trường, ở nhà hằng ngày.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tùng cho biết: Chúng tôi xác định mục tiêu là giáo dục đạo đức lối sống, tư tưởng Bác Hồ bằng cách đi vào lòng người, cảm hóa qua các câu chuyện có thật về Bác, tránh lối dạy giáo điều. Và một mục tiêu cần thiết là học sinh không chỉ nắm được vẻ đẹp trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, mà còn làm theo, vận dụng vào trong thực tiễn cuộc sống.

Những buổi sinh hoạt dưới cờ ý nghĩa của Trường Tiểu học Trần Quốc Toản.
Những buổi sinh hoạt dưới cờ ý nghĩa của Trường Tiểu học Trần Quốc Toản.

Sáng tạo trong vận dụng

Cô Bạch Thị Thanh Huyền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản nhận định: Bộ sách có giá trị giáo dục đạo đức, lối sống thiết thực và sâu sắc với không chỉ học sinh mà cả giáo viên trong quá trình tìm kiếm thêm tư liệu và lồng ghép dạy cho học sinh. Tuy nhiên, nhà trường cũng phải linh hoạt vận dụng để đưa bộ tài liệu giảng dạy cho phù hợp với hoạt động dạy và học, khi mà hiện nay chương trình học của học sinh đã bố trí kín lịch.

Theo cô Nguyễn Thị Hoàn, giáo viên Tổng phụ trách Tường Tiểu học Trưng Vương, giáo viên nhà trường chủ động, sáng tạo sử dụng tích hợp Bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” ở bộ môn Đạo đức và Hoạt động ngoài giờ lên lớp… Với những câu chuyện nhỏ về Bác Hồ, học sinh tiếp nhận được những bài học về đạo đức, lối sống một cách dễ hiểu, dễ nhớ và có thể vận dụng vào thực tế cuộc sống.

Không chỉ học theo Bác từ những trang sách, năm học 2020 - 2021, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản còn sáng tạo tổ chức giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh qua các chuyên đề chào cờ đầu tuần, như: Thiếu nhi Trần Quốc Toản “Học tập đức tính tiết kiệm của Bác Hồ, tuyên truyền về ý thức tiết kiệm điện nước”; Thực hiện điều dạy của Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng “Học tập tốt, lao động tốt”; “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào”…

Em Nguyễn Thu Hằng - Lớp 5C, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản bộc bạch: Qua buổi sinh hoạt dưới cờ, chúng em hiểu rằng lời dạy của Bác Hồ “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào” không phải là những gì cao xa mà đơn giản là những việc làm hàng ngày như yêu gia đình, yêu bố mẹ. Học sinh biết yêu thương, giúp đỡ những người xung quanh; quyên góp sách vở, đồ dùng, quần áo và để dành một bữa ăn sáng giúp các bạn miền Trung bị lũ lụt, hay như thực hiện nghiêm túc khẩu hiệu “Ai ở chỗ nào, ở yên chỗ đó!” trong những ngày cả nước chung tay phòng chống dịch bệch Covid - 19…

Cô Hứa Thu Huyền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giang Biên, quận Long Biên nhận định: Có nhiều nội dung giáo dục học sinh qua văn hóa đọc. Trong đó, giáo dục đạo đức, lối sống, phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh qua chủ đề “Bác Hồ với thiếu nhi” hết sức quan trọng. Với những bài học quý giá về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh nhằm góp phần xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam giàu lòng yêu nước, có đạo đức trong sáng, ý thức tuân thủ pháp luật; có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng lao động, trở thành những công dân tốt, tích cực tham gia vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức trưng bày tủ sách Bác Hồ; kể chuyện Bác Hồ; thực hiện dạy bộ sách “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống” với học sinh lớp 2 - 5... Từ những nhận thức về các giá trị đạo đức, các em có thể áp dụng, thực hành, tu dưỡng và rèn luyện hàng ngày; thiết thực học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác kính yêu.

Để đưa việc học tập và làm theo lời Bác triển khai sâu rộng trong trường học, học sinh, ngành GD-ĐT quận Long Biên (Hà Nội) đã chỉ đạo 100% nhà trường đầu tư xây dựng “Tủ sách Bác Hồ” tại thư viện nhà trường; tổ chức thi cán bộ thư viện giỏi giới thiệu sách về Bác cho học sinh trong thư viện trường học; 100% lớp học đều treo ảnh Bác ở vị trí trang trọng…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.