Theo dự thảo, một trong những công việc trong lộ trình thực hiện kế hoạch từ năm 2018 đến năm 2020 là triển khai các cơ chế chính sách đúng, kịp thời cho học sinh học liên thông giữa các trình độ đào tạo, lên các cấp học cao hơn; cơ chế chính sách khuyến khích học sinh đi học nghề;
Hỗ trợ kinh phí cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo, học sinh thuộc diện chính sách và những cơ sở đào tạo học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông...
Cũng theo dự thảo kế hoạch, mục tiêu đến năm 2020, Lai Châu có khoảng 40% trường THCS và 50% trường THPT: có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ;
Phấn đấu 12% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; 26% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục đào tạo trình độ cao đẳng.
Các giải pháp dự thảo kế hoạch đưa ra là nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông;
Phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác;
Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông; triển khai văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông;
Huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông; tăng cường quản lý đối với giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông.