Giáo dục Đại học tổng kết năm học 2021-2022

GD&TĐ - Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 khối giáo dục đại học được tổ chức chiều 12/9.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì tại điểm cầu Bộ GD&ĐT.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì tại điểm cầu Bộ GD&ĐT.

Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Chủ trì tại điểm cầu Bộ GD&ĐT là Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn.

Ngoài điểm cầu tại Bộ GD&ĐT còn có những điểm cầu tại các cơ sở giáo dục đại học, các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đại học trên cả nước.

Triển khai tự chủ đại học mạnh mẽ mang lại hiệu quả tích cực

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Ngày 12/8/2022, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị toàn ngành tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023. Ngành Giáo dục đã xác định chủ đề năm học mới là “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, với 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được xác định cụ thể tại Chỉ thị số 1112/CT-BGDĐT về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023.

Trước đó, ngày 4/8/2022, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị tự chủ đại học năm 2022 với nhiều vấn đề quan trọng đã được đưa ra thảo luận, thống nhất.

Thực hiện Chương trình công tác năm 2022, hôm nay, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 khối giáo dục đại học. Hội nghị tập trung trao đổi, bàn thảo liên quan đến 6 lĩnh vực chuyên sâu, gồm: Tuyển sinh; đào tạo; tổ chức bộ máy, đội ngũ; nghiên cứu khoa học; hợp tác quốc tế; bảo đảm chất lượng.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị Hội nghị trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm, đánh giá và nhìn nhận khách quan, thực chất về những kết quả đạt được, cũng như hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; từ đó thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học mới.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị.

Báo cáo kết quả năm học 2021-2022, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Việc triển khai tự chủ đại học mạnh mẽ đã mang lại hiệu quả tích cực trong toàn hệ thống.

Theo đó, công tác tuyển sinh được thực hiện đảm bảo an toàn, công khai minh bạch, đúng quy chế; xác định và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh đảm bảo năng lực đào tạo. Công nghệ thông tin được tăng cường ứng dụng trong nhiều khâu của quá trình tuyển sinh.

Số liệu tuyển sinh đại học chính quy năm 2021, 2022.

Số liệu tuyển sinh đại học chính quy năm 2021, 2022.

Đội ngũ giảng viên gia tăng về số lượng và chất lượng. Đội ngũ giảng viên toàn thời gian, tính đến 31/12/2021 có 0,89% là giáo sư; 6,21% là phó giáo sư, 25,19% trình độ tiến sĩ, 60,35% trình độ thạc sĩ và 7,36% trình độ đại học.

Số cơ sở đào tạo và chương trình đào tạo được công nhận kiểm định được tăng cường; đáng lưu ý là số lượng chương trình đào tạo được kiểm định theo chuẩn kiểm định nước ngoài.

Quy mô đào tạo đại học.

Quy mô đào tạo đại học.

Quy mô đào tạo thạc sỹ.

Quy mô đào tạo thạc sỹ.

Quy mô đào tạo tiến sỹ.

Quy mô đào tạo tiến sỹ.

Phát triển khoa học công nghệ bắt đầu chú trọng chất lượng, thực chất. Năm học vừa qua, hoạt động nghiên cứu khoa học đã dần gắn với đào tạo; đề tài, dự án nghiên cứu khoa học góp phần đào tạo, tăng cường tỷ lệ giảng viên có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ. Số lượng công trình công bố trong nước và quốc tế, số sáng chế, tài sản trí tuệ tăng dần qua các năm.

Đội ngũ giảng viên toàn thời gian, tính đến 31/12/2021.

Đội ngũ giảng viên toàn thời gian, tính đến 31/12/2021.

Năm học 2021-2022, giáo dục đại học cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học về đào tạo. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong dạy và học; tổ chức dạy và học trực tuyến… giúp các cơ sở đào tạo duy trì chất lượng đào tạo trong điều kiện khó khăn của đại dịch.

Cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật tạo điều kiện cho các cơ sở thực hiện tự chủ về tuyển sinh và đào tạo thuận lợi. Chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên và được ghi nhận. Các cơ sở đào tạo nhận thức rõ vai trò của chất lượng đào tạo trong phát triển bền vững…

Đáng chú ý, cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục duy trì và giữ vị trí tốt trong các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Theo đó, 5 cơ sở giáo dục đại học nằm trong top 1000+ theo xếp hạng thế giới 2022 của THE; 11 cơ sở giáo dục đại học nằm trong bảng xếp hạng đại học châu Á (QS Asian University Rankings 2022)…

Kết quả công bố khoa học quốc tế.

Kết quả công bố khoa học quốc tế.

Bên cạnh kết quả đạt được, bà Nguyễn Thu Thủy cũng cho biết: Việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện tự chủ đại học còn có hạn chế. Nhận thức và năng lực thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý cũng còn hạn chế. Cơ cấu tổ chức bộ máy, đội ngũ lãnh đạo một số cơ sở đào tạo chưa được kiện toàn. Công tác tuyển sinh, phương thức xét tuyển ngày càng phức tạp, chỉ tiêu phân bổ chưa hợp lý.

Kết quả hoàn thành đánh giá ngoài, được kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước.

Kết quả hoàn thành đánh giá ngoài, được kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước.

Kết quả kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài.
Kết quả kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài.

Một số cơ sở đào tạo còn chậm trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp dạy và học. Về các điều kiện đảm bảo chất lượng, một số nơi chưa đảm bảo duy trì ngành đào tạo, đáp ứng gia tăng số lượng, duy trì và nâng cao chất lượng. Còn hạn chế trong thu hút nguồn lực cho phát triển khoa học công nghệ, gắn với đào tạo sau đại học, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu… Thanh tra nội bộ chưa thực sự là lực lượng hữu hiệu trong quản trị nhà trường.

Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nói trên, trước hết là do hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, hoàn chỉnh. Nhận thức về tự chủ đại học chưa đầy đủ; năng lực quản trị đại học nhìn chung chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Còn các mâu thuẫn, xung đột trong nội tại chưa giải quyết. Nguồn lực cho giáo dục đại học còn rất hạn chế.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) báo cáo tại Hội nghị.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) báo cáo tại Hội nghị.

Dự kiến 9 nhiệm vụ trọng tâm

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy chia sẻ 9 nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 được đề xuất.

Nhiệm vụ đầu tiên là nâng cao năng lực thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, quán triệt, phổ biến, tập huấn kỹ về nội dung các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành. Xây dựng, ban hành các quy chế, văn bản của đơn vị theo đúng thẩm quyền, phù hợp với các quy định hiện hành. Kiện toàn công tác thanh tra, pháp chế và tăng cường năng lực cho cán bộ thanh tra, pháp chế tại cơ sở.

Có cơ chế giám sát việc tuân thủ pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học và trách nhiệm giải trình. Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản trị hiện đại cho các thành viên hội đồng trường, các cán bộ chủ chốt.

Thứ hai: Hoàn thiện bộ máy tổ chức, tăng cường năng lực quản trị đại học theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, tăng cường rà soát, hoàn thiện cơ cấu tổ chức của nhà trường (đúng về thành phần, đủ về số lượng) bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Chủ động xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế hoạt động của hội đồng trường và các quy định nội bộ khác của nhà trường. Trong đó, quy định rõ vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp giữa hội đồng trường và ban giám hiệu đúng quy định; phân công trách nhiệm rõ vị trí, vai trò, chức năng của mỗi thiết chế, mỗi thành viên hội đồng trường.

Thứ ba: Hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2023 và xác định phương hướng, định hướng tuyển sinh từ năm 2025.

Thứ tư: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hệ thống quản lý, trong dạy và học.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Thứ năm: Tăng cường các điều kiện bảo đảm và quản lý chất lượng. Cụ thể, các cơ sở đào tạo tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong; khắc phục những tồn tại trong thực hiện công tác tuyển sinh, liên kết đào tạo. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thư viện và dữ liệu điện tử, phòng thí nghiệm, thực hành… Phát triển đội ngũ giảng viên, tuân thủ quy định về các chuẩn đối với giáo dục đại học. Đẩy mạnh kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, kiểm định cơ sở giáo dục đại học.

Cơ sở đào tạo thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định. Bộ GD&ĐT xây dựng phần mềm quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm định chất lượng giáo dục đại học để quản lý việc thực hiện tại các cơ sở giáo dục đại học và tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.

Thứ sáu: Tăng cường phát triển các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, một trong những nội dung quan trọng là thúc đẩy hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh của giảng viên và người học. Đảm bảo liêm chính học thuật, khách quan, trung thực, thực chất trong hoạt động khoa học công nghệ. Chủ động xây dựng cơ chế phù hợp nhằm thu hút các nguồn lực bên ngoài đầu tư cho khoa học và công nghệ…

Thứ bảy: Đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Cụ thể, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; phát triển các chương trình, dự án hợp tác có chất lượng với đối tác nước ngoài, rà soát các chương trình liên kết đào tạo đảm bảo thực hiện đúng quy định, chú trọng lựa chọn các đối tác có uy tín tốt. Thu hút sinh viên, nhà khoa học có uy tín ở nước ngoài đến học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học; cử giảng viên đi đào tạo ở nước ngoài theo các chương trình học bổng, hợp tác song phương…

Thứ tám: Đổi mới và tăng cường công tác thanh tra. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ, tránh phức tạp, khiếu kiện vượt cấp; là công cụ hữu hiệu trong quản trị nhà trường của hội đồng trường, ban giám hiệu. Thanh tra nội bộ tập trung: Việc ban hành văn bản nội bộ; công tác tổ chức cán bộ; công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo, quản lý văn bằng chứng chỉ; mở ngành đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng; các trình độ, phương thức đào tạo; hoạt động khoa học công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế; thu chi tài chính, học phí, đầu tư mua sắm cơ sở vật chất, xây dựng cơ bản; việc thực hiện trách nhiệm giải trình với xã hội…

Cuối cùng: Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục đại học.

Sau báo cáo của Vụ Giáo dục Đại học, Hội nghị thảo luận các nội dung nhiệm vụ trọng tâm cần thống nhất triển khai trong năm học 2022-2023. Đại diện các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT giải đáp ý kiến thảo luận, hướng dẫn thực hiện. Sau đó, các lãnh đạo Bộ GD&ĐT phát biểu chỉ đạo. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận và bế mạc Hội nghị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.