Giáo dục đại học Iran:Phát triển tầm ảnh hưởng sang nước ngoài

GD&TĐ - Từ việc mở rộng các chương trình tài trợ học bổng để đưa các sinh viên trong nước học tập ở nước ngoài cho đến việc xây dựng các trung tâm giáo dục đại học, các trung tâm phức hợp giáo dục để thu hút sinh viên nước ngoài, một số quốc gia Ả Rập còn xúc tiến kế hoạch xây dựng các cơ sở đại học tại những quốc gia lân cận, qua đó thực hiện song song hai công đoạn thu hút du học sinh và đưa sinh viên trong nước học tập trong môi trường quốc tế. 

Giáo dục đại học Iran:Phát triển tầm ảnh hưởng sang nước ngoài

Trong khi các quốc gia khác xây dựng các chiến dịch quảng bá và thu hút sinh viên rầm rộ thì Iran dù không đánh tiếng nhưng đang âm thầm phát triển tầm ảnh hưởng của giáo dục nước nhà sang các quốc gia láng giềng.

Mở rộng cơ sở giáo dục đại học sang các nước láng giềng

Trong quá trình phát triển giáo dục của mình, Iran đã gặp không ít khó khăn trong việc xây dựng một cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực tổ chức giảng dạy ổn định. Tình hình này kéo dài trong nhiều thập kỷ khiến cho giáo dục Iran, đặc biệt ở các cấp học cao như đại học và sau đại học, không thể phát triển một cách bền vững. Tuy nhiên, quá trình quốc tế hóa giáo dục đang giúp tạo ra những con đường phát triển mới cho giáo dục ở quốc gia Ả Rập này.

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng nền giáo dục đại học ổn định trong nước, chính phủ Iran đã rót một nguồn ngân sách khổng lồ để xây dựng các cơ sở giảng dạy đại học tại các quốc gia Ả Rập khác như Iraq, Syria, Lebanon, Oman, Qatar, Kuwait…

Xuất phát của các trường đại học này đóng vai trò như một phương án đầu tư dự phòng để đảm bảo nền giáo dục đại học nội địa trong giai đoạn tình hình chính trị khó lường tại quốc gia này. Các cơ sở đào tạo đại học ở nước ngoài, vốn là một bộ phận trực thuộc của các trường đại học lớn trong nước, sẽ thường xuyên thực hiện các chương trình trao đổi sinh viên để giúp các sinh viên trong nước có thể được đào tạo giáo dục một cách đầy đủ, chất lượng. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động và mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong việc thu hút du học sinh tại những quốc gia, nơi mà giáo dục đại học cũng không thật sự phát triển và sinh viên tại những nơi đây không có nhiều lựa chọn một môi trường đào tạo chất lượng, các cơ sở đại học trực thuộc các trường đại học Iran này đã thay đổi cách thức hoạt động mang hướng quốc tế hơn. Vì vậy, bên cạnh việc phục vụ cho học sinh Iran du học nước ngoài, các cơ sở này còn đóng vai trò là cầu nối giữa giáo dục Iran và thị trường sinh viên các quốc gia Ả Rập, qua đó tăng tầm ảnh hưởng của “quyền lực mềm” Iran sang các nước khu vực.

Hiện tại có 9 cơ sở của các trường đại học Iran tại 8 quốc gia trong khu vực Ả Rập và trong thời gian tới sẽ có khoảng 8 trung tâm được cân nhắc đầu tư xây dựng tại những quốc gia Ả Rập, Trung Đông và Bắc Phi. Các cơ sở phân nhánh đại học này sẽ hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau. Tại Dubai, 2 cơ sở hoạt động như một trường đại học thật sự khi cung cấp các chương trình đào tạo theo hệ chính quy 3-4 năm. Ở Beirut, để có thể cạnh tranh với các trường tại bản địa, cơ sở đại học Iran chỉ cung cấp những khóa học ngắn hạn với các chứng chỉ theo từng bộ môn nhất định. Trong khi tại Qatar, trường đại học Iran chỉ hướng đến việc cung cấp chương trình đào tạo trực tuyến để phù hợp với sự cạnh tranh tại thị trường quốc gia đang có nhiều trường đại học như Qatar. Với sự đa dạng trong cách thức tổ chức và giảng dạy, Iran đang nỗ lực khẳng định tầm ảnh hưởng lớn nhất của mình tại các quốc gia tại khu vực Ả Rập.

Theo các nhà phân tích, Iran với chiến dịch đầu tư mạnh mẽ ở thị trường giáo dục quốc tế thể hiện vai trò là cầu nối về kinh tế, văn hóa và giáo dục cho khu vực Trung Đông, châu Á và Bắc Phi. “Việc xây dựng các trung tâm, cơ sở đào tạo đại học tại những quốc gia láng giềng không chỉ là vì lợi ích kinh tế mà trên hết đó là khẳng định những bước tiến cho chiến lược dài hạn của Iran trong việc khẳng định sức mạnh cũng như tiềm lực của quốc gia ở tầm vóc khu vực”, David Rahni, giáo sư người Iran tại Đại học Pace, New York, Mỹ, nhận định về sự mở rộng cơ sở giáo dục đại học Iran tại những quốc gia Ả Rập.

Sự phát triển âm thầm

Sự phát triển các cơ sở đào tạo đại học Iran ở các quốc gia Ả Rập là một sự thật không thể chối bỏ. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là các chiến dịch bành trướng này dường như được diễn ra rất âm thầm. Không hề có những chương trình quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng không tổ chức các chương trình tuyển sinh khi đặt chân lên các quốc gia khác, Iran được đánh giá là quốc gia có tham vọng quốc tế hóa giáo dục một cách thầm lặng nhất.

Cho đến thời điểm hiện tại, dù có gần 10 trung tâm giảng dạy với ngân sách đầu tư và quy mô mang tầm vóc quốc tế nhưng đại diện các ngôi trường này, ở trụ sở chính ở Iran hay tại quốc gia bản xứ, đều không có bất kỳ hoạt động tương tác với truyền thông để thông báo về sự thành lập của các cơ sở đào tạo đại học quốc tế này. Điều này trái ngược với cách thức quảng bá truyền thống, khi các chiến dịch chiêu sinh du học sinh với các cơ sở đại học mới thành lập sẽ được diễn ra trong một thời gian dài để tạo lượng học sinh ổn định cho cơ sở mới. Đứng trước sự phát triển âm thầm có phần khó hiểu này, một số nhà phân tích cho rằng nó xuất phát từ việc các trường đại học tại Iran chưa có giấy phép để những cơ sở này hoạt động một cách chính thức tại quốc gia đặt trụ sở. Thay vào đó, những cơ sở này chỉ đang đóng vai trò như một ngôi trường đào tạo cho người Iran tại nước ngoài, chứ không có chức năng như một trường quốc tế thật sự, dù rằng điều này không thật sự chính xác trong một vài năm trở lại đây.

Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự của sự phát triển âm thầm này, theo phân tích của những trung tâm đào tạo đại học tại Iran là do sự bành trướng và mở rộng quy mô này không thật sự hoàn toàn mới. Theo đại diện của Payame Noor, trường đại học công lập lớn nhất Iran, thì các trung tâm học thuật, nghiên cứu tại nước ngoài của Iran đã được thành lập từ rất lâu và hoạt động mạnh mẽ trong các trường ở những quốc gia Ả Rập. Điểm khác biệt duy nhất là giờ đây các cơ sở đã được tách ra để hoạt động một cách độc lập với chương trình được cung cấp bởi Bộ Khoa học, Nghiên cứu và Công nghệ Iran. Ngôn ngữ giảng dạy giờ đây đa phần là tiếng Anh, thay vì tiếng Ba Tư và Ả Rập như trước đây. “Vì thế, danh tiếng và tầm ảnh hưởng của các trường đại học Iran đã xuất hiện tại các quốc gia Ả Rập từ rất lâu và bản thân những cơ sở này cũng đã có danh tiếng và lượng sinh viên nhất định”, Giáo sư Aliasghar Rostamey, đại diện Đại học Payame Noor, cho biết.

Hiện tượng của khu vực

Việc nền giáo dục đại học của một quốc gia bành trướng tầm ảnh hưởng của mình sang các quốc gia khác thông qua các cơ sở giáo dục đại học không phải là một cách thức làm mới mẻ hay đột phá. Thực tế đây là một hoạt động quốc tế hóa giáo dục cơ bản của những cường quốc giáo dục quốc tế như Anh, Mỹ, Úc hay mới đây là Trung Quốc. Tuy nhiên, sự thành công của việc áp dụng mô hình này tại giáo dục đại học Iran, một quốc gia vốn không được đánh giá cao về chất lượng và tốc độ phát triển giáo dục đại học, lại cho cộng đồng học thuật trên thế giới một góc nhìn khác của quá trình và bản chất của sự bành trướng này.

Như vậy, rõ ràng mô hình giáo dục xuyên quốc gia thông qua thành lập các cơ sở con tại các quốc gia lân cận, không chỉ là mô hình áp dụng cho các quốc gia có nền giáo dục đại học phát triển và sở hữu các thương hiệu trường đại học danh tiếng. Sự thành công trong việc áp dụng mô hình này của Iran cho thấy đây sẽ là một mô hình toàn cầu, có thể áp dụng cho tất cả các nền giáo dục, dù chỉ là một quốc gia đang phát triển. Nó cho thấy rằng, nếu như trước đây quan điểm cơ sở của trường đại học tại nước ngoài chỉ hướng đến các nhóm học sinh khá giả ở các thị trường có nhiều tầng lớp trung lưu và siêu giàu, thì giờ đây, bản thân các sinh viên tại những quốc gia đang phát triển cũng là một đối tượng tiềm năng. “Sự phát triển mô hình quốc tế hóa giáo dục của một quốc gia không được đánh giá cao về tiềm lực kinh tế lẫn giáo dục như Iran đã cho chúng ta rất nhiều câu hỏi xoay quanh mô hình quốc tế hóa giáo dục ở các quốc gia đang phát triển, nhóm thường được bỏ quên trong các chương trình toàn cầu hóa giáo dục của những cường quốc”, Muhammad Sahimi, giáo sư hóa học người Iran tại Đại học Nam California, Mỹ, nhận xét.

Đứng trước sự bành trướng được xem là mạnh mẽ nhưng âm thầm của các cơ sở giáo dục đại học quốc tế của Iran, nhiều chuyên gia phân tích giáo dục lẫn chính trị đang đặt câu hỏi, liệu rằng Iran đang muốn mở rộng mạng lưới giáo dục vì lợi ích kinh tế, chính trị hay đơn thuần chỉ là một tham vọng quốc tế hóa giáo dục trong thời đại mới. Đó là một câu hỏi lớn cần nhiều thời gian để trả lời nhưng trong thời điểm hiện tại, sự thành công của giáo dục Iran trong mô hình xây dựng các cơ sở giáo dục đại học tại các quốc gia đang phát triển ở Ả Rập là một hiện tượng mang lại sự kỳ vọng cho nền giáo dục tại khu vực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ