Tăng cường nghiên cứu khoa học trong các nhà trường là điều kiện tiên quyết nhằm nâng cao chất lượng đầu ra |
(GD&TĐ) - Xã hội hoá giáo dục là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã đáp ứng đáng kể nhu cầu học tập ngày càng cao trong nhân dân. Việc mở rộng quy mô tuyển sinh vào các nhà trường là sự cần thiết, cũng khiến các nhà trường đi vào thế cạnh tranh mạnh mẽ.
Để tồn tại và phát triển, không có cách gì khác là các trường này phải từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, tạo dựng uy tín với người học và xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua, ở không ít các trường đại học đã bộc lộ nhiều hạn chế cần sớm được khắc phục.
Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học qua việc xem xét báo cáo của 351 trường và khảo sát trực tiếp tại 51 trường trên cả nước, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra hồi đầu năm 2013, cho biết: Ở nhiều trường đại học, các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và đội ngũ giảng viên còn thiếu thốn, chất lượng đào tạo thấp, nhất là các trường ngoài công lập, trường địa phương.
Từ năm 1987 - 2009, số sinh viên cả nước tăng 13 lần nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần. Trong số 61.000 giảng viên mới có hơn 6.200 tiến sĩ, gần 23.000 thạc sĩ và gần 2.300 PGS, GS, còn lại là trình độ cử nhân.
Quy mô mở rộng
Đối thoại trên giảng đường, xu hướng của GDĐH hiện đại |
Theo các nội dung được Thanh tra Bộ GD&ĐT công bố thời gian qua, các vi phạm trong giáo dục đại học chủ yếu là: Hoạt động đào tạo liên thông từ trung cấp lên ĐH, tổ chức đào tạo liên thông chính quy ngoài cơ sở đào tạo không đúng với quy định hiện hành; xác định chỉ tiêu tuyển sinh và thực hiện tuyển sinh vượt quá năng lực của trường, mở ngành nghề mới không theo quy hoạch chung.
Cùng với đó là việc chậm đổi mới nội dung chương trình đào tạo ở các trường, chưa theo kịp nhu cầu thực tiễn, phương pháp giảng dạy ở các trường còn nặng truyền đạt một chiều, thụ động.
Loại hình Giáo dục thường xuyên gồm 3 hình thức vừa học vừa làm, đào tạo từ xa và tự học có hướng dẫn, nhưng quy mô đào tạo chủ yếu tập trung vào hình thức vừa học vừa làm, chiếm trên 65% tổng quy mô đào tạo không chính quy.
Nhiều lớp học mở tại địa phương tổ chức không chặt chẽ, nhiều lớp cắt xén giờ giảng, coi thi kiểm tra không nghiêm túc…
Đây đều là những nguyên nhân khiến cho các địa phương và người sử dụng lao động từ chối tuyển dụng, dẫn đến sự mất cân đối về ngành nghề và trình độ đào tạo.
Có thể thấy ở nhiều trường hiện nay đang xảy ra tình trạng, quá chú trọng vào mở rộng tuyển sinh, thu hút người học, nhưng lại xem nhẹ các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.
Chất lượng chưa theo kịp
Đào tạo gắn với NCKH vẫn chưa tương xứng yêu cầu thực tế |
Rõ ràng khi mở rộng quy mô tuyển sinh khi các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo không theo kịp sẽ dẫn đến mâu thuẫn là chất lượng đào tạo sẽ không được đạt yêu cầu. Mâu thuẫn này không phải tự thân các trường không biết, nhưng vì để tăng nguồn thu từ học phí nên các trường đều muốn thu hút đông người học, bất chấp chất lượng có đảm bảo hay không.
Theo số liệu điều tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đưa ra cho thấy, từ năm 1987 - 2009, số sinh viên cả nước tăng 13 lần nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần.
Trong số 61.000 giảng viên mới có hơn 6.200 tiến sĩ, gần 23.000 thạc sĩ và gần 2.300 PGS, GS, còn lại là trình độ cử nhân.
Một trong nhiều nguyên nhân của việc chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu chính là việc thiếu hụt giảng viên. Trong khi chuẩn quy định là 260 tiết một năm, nhiều giảng viên phải lên lớp tới 1.000 tiết một năm.
GS. TS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Uỷ ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội cho rằng, một trong nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo chính là do quy mô đào tạo tăng nhanh trong khi học phí thấp nên ngân sách nhà nước và nguồn thu học phí chưa bảo đảm được các yêu cầu đảm bảo chất lượng đào tạo.
Theo GS Đào Trọng Thi, dù nhà nước cấp kinh phí định mức để duy trì hoạt động của các trường công lập là 6 triệu đồng cho một sinh viên trong một năm nhưng do số lượng sinh viên tuyển vào trường vượt gấp nhiều lần chỉ tiêu được cấp nên suất đầu tư thực tế từ ngân sách cho mỗi sinh viên chỉ đạt 2,5 - 3 triệu đồng.
Để kiểm soát việc mở rộng quy mô đào tạo của các trường, nhiều chế tài đã được cơ quan quản lý giáo dục đưa ra.
Đó là yêu cầu về “3 công khai” mà theo đó yêu cầu các trường phải: Công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; Công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; Công khai tài chính, cùng với những quy định về tỷ lệ giảng viên, thực hiện cam kết mở trường, đưa UBND các tỉnh, thành phố cùng có trách nhiệm tham gia quản lý nhà nước ở địa bàn nơi trường đóng.
Những yêu cầu này không nằm ngoài mục đích đảm bảo chất lượng đào tạo, vì chỉ có công khai, để xã hội và người dân cùng tham gia giám sát hoạt động đào tạo của các trường.
Nhưng tiếc rằng những chế tài, quy định này dường như chỉ dừng lại ở mong muốn vì thực tế cho thấy những mất ổn định ở nhiều trường, việc thực hiện “3 công khai” chỉ là hình thức, nhiều trường thuê mượn tên giảng viên, khai vống lên giá trị đất, vốn... nhằm mục đích mở trường.
Xem ra, để thay đổi được điều này, nếu chỉ riêng cơ quan quản lý nhà nước thì không đủ, cần phải có sự quyết tâm vào cuộc của chính các nhà trường.
TS Hoàng Ngọc Trí – Phó Chủ tịch Hiệp hội CĐ, TC KTKT: Cần phải thấy rằng mở rộng quy mô đào tạo sẽ tạo thêm nhiều cơ hội học tập, nâng cao kiến thức cho người dân. Nhưng cũng đẩy các trường vào thế cạnh tranh quyết liệt để có người học. Trong xu thế cạnh tranh, sẽ buộc phải chấp nhận có những trường rất khó khăn trong tuyển sinh, kể cả việc đóng cửa trường. Phải xem việc đóng cửa trường là chuyện bình thường, cũng như doanh nghiệp mở ra, được lời, thua chịu chứ nhà nước nào cứu được khi anh đầu tư sai. |
TS Lê Đắc Sơn – Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Đại Nam: Tôi không tin nếu ai nói đó nói rằng bỏ tiền đầu tư mở trường là vì sự nghiệp giáo dục. Tôi là nhà đầu tư tôi kinh doanh tôi mong thu lãi. Tuy nhiên giáo dục là dịch vụ đặc biệt, cần phải có thời gian, Đại học Đại Nam cũng đang gặp khó khăn trong nguồn tuyển, nhưng chúng tôi kiên trì gây dựng lòng tin trong xã hội và người học bằng chính sản phẩm đào tạo của mình. |
Hiên Kiều