Chi ngân sách thấp
Theo báo cáo của ĐHQG Hà Nội gửi đến Hội thảo Giáo dục 2023, dù chủ trương của Đảng và Nhà nước là ưu tiên đầu tư cho giáo dục, nhưng ngân sách cho giáo dục ĐH chỉ chiếm 0,27% của GDP, thấp hơn nhiều lần so với khu vực và thế giới. Việc cắt giảm theo lộ trình chi thường xuyên làm các trường ĐH chưa tự chủ gặp khó khăn. Các trường tự chủ thì lấy học phí của người học để bù đắp vào hoạt động.
Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc ĐHQG Hà Nội Lê Quân cho biết, dù được đầu tư ưu tiên, trọng điểm nhưng để đáp ứng được sứ mệnh, nhiệm vụ thì còn khó khăn với ĐHQG Hà Nội. Lương cơ sở tăng lên, ngân sách cấp có xu hướng giảm, trông chờ vào học phí chỉ có giới hạn.
Lấy ví dụ khó khăn với hoạt động khoa học công nghệ, ông Lê Quân thông tin: ĐHQG Hà Nội một năm được ngân sách cấp khoảng 75 tỷ cho hoạt động khoa học công nghệ; trong khi đó có gần 3 nghìn tiến sĩ, 6 viện nghiên cứu. Mỗi viện được ngân sách cấp hằng năm khoảng 1,5 - 2 tỷ đồng hỗ trợ thì rất khó để triển khai.
Báo cáo của ĐHQG TP Hồ Chí Minh cũng nhận định hệ thống giáo dục ĐH đang phải đối mặt với khó khăn cơ bản, đó là nguồn chi từ ngân sách Nhà nước giới hạn. Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT tại Hội nghị Tự chủ ĐH năm 2022, ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục ĐH chỉ từ 0,25 - 0,27% GDP trong giai đoạn 2018 - 2020.
Khi đối sánh với các quốc gia ở trình độ tương đương, tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục ĐH nói riêng của Việt Nam đến nay thuộc nhóm thấp nhất. Tại ĐHQG TP Hồ Chí Minh, ngân sách Nhà nước cho chi thường xuyên cũng giảm dần từ 21% năm 2019 còn 19% năm 2020, và đến năm 2021, tỷ lệ này còn 15%.
“Năm 2023 chúng tôi dự kiến trả lại ngân sách hoặc hủy dự toán 671,4 tỷ. Đồng thời phải chuyển nguồn từ năm 2022 sang năm 2023 là 545 tỷ; phải hủy dự toán, tức là cấp năm 2021 nhưng đến 2022 vẫn không giải ngân được khoảng 340 tỷ. Như vậy, ngân sách cấp có thể lớn, nhưng tiêu được hay không là câu hỏi đặt ra”, ông Vũ Hải Quân cho hay.
Khó khăn tài chính cũng được Giám đốc ĐHQG TP Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân chia sẻ khi phát biểu tại Hội nghị Giáo dục 2023. Ông cho biết, từ năm 2020 - 2023, ĐHQG TP Hồ Chí Minh không khởi công được công trình mới nào.
Dưới góc nhìn chuyên gia giáo dục, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, một trong những thách thức của giáo dục ĐH Việt Nam hiện nay liên quan đến tài chính. Theo đó, một mặt, tỷ lệ chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục ĐH trong tổng chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục thấp, thậm chí là thấp nhất thế giới.
Mặt khác, các cơ sở giáo dục ĐH đứng trước yêu cầu phải chuyển dần sang cơ chế tự bảo đảm mọi khoản chi, bao gồm chi thường xuyên, quản lý và đầu tư. Do đó, cần bảo đảm ngân sách giáo dục được phân bổ thỏa đáng, hợp lý và hiệu quả cho lĩnh vực giáo dục ĐH.
Nâng cao hiệu quả đầu tư
Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, Chính phủ có những giới hạn về ngân sách nên khó có thể kỳ vọng một mức tăng nhảy vọt cho giáo dục ĐH. Tuy nhiên, có ba phương pháp chính giúp nâng cao hiệu quả đầu tư ngân sách Nhà nước cho giáo dục ĐH:
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng trong giờ thực hành. Ảnh: NTCC |
Một là, tái cơ cấu chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục để tăng tỷ trọng chi cho giáo dục ĐH.
Hai là, tái cơ cấu kinh phí khoa học công nghệ thông qua tái cấu trúc hệ thống viện nghiên cứu để gắn với quy hoạch phát triển các cơ sở giáo dục ĐH. Xét về chức năng nghiên cứu và thực hiện hoạt động khoa học công nghệ, các cơ sở giáo dục ĐH và viện nghiên cứu không nên quản lý riêng rẽ.
Các yếu tố đầu vào và ra của hai loại hình tổ chức cần được tổng hợp một cách hệ thống và thực hiện tái cơ cấu nguồn chi: Đầu tư trọng tâm vào các đơn vị có năng lực nghiên cứu tốt, tài trợ cho chương trình nghiên cứu lớn, chương trình cấp Nhà nước do một trường hoặc nhóm trường, đơn vị có uy tín đề xuất.
Ba là, thu hút đầu tư tư nhân vào giáo dục ĐH. Như đã nêu tại phần trước, đầu tư tư nhân giúp giảm gánh nặng chi ngân sách Nhà nước và mở rộng quy mô. Để làm được điều này, cần hành lang pháp lý rõ ràng, cơ chế có tính mở để các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đào tạo, nghiên cứu tại giáo dục ĐH.
Ví dụ thông qua đầu tư phòng thí nghiệm, sử dụng quỹ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp tài trợ các đề tài nghiên cứu tại cơ sở giáo dục ĐH... Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tự chủ ĐH, tạo điều kiện về cơ chế chính sách để các ĐH, trường ĐH chủ động đa dạng hóa nguồn thu, tự do nhưng không tự lo.
“Tuy nhiên, dù là phương pháp nào, để phát triển dài hạn, cần xây dựng lộ trình tăng tỷ lệ đầu tư cho giáo dục nói chung hoặc ít nhất phải đảm bảo thực chi ở mức 20% chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục. Chi cho giáo dục ĐH phải được coi là chi đầu tư cho phát triển. Tăng đầu tư cho giáo dục ĐH hoặc tái cơ cấu nguồn chi để có thể tăng chi cho giáo dục ĐH theo GDP lên ít nhất 1% vào năm 2030 để đạt mức khuyến nghị từ kinh nghiệm quốc tế”, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho hay.
Trong tham luận gửi tới Hội thảo Giáo dục 2023, GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng: Cải cách tài chính cho hệ thống các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam cần tập trung vào ba lĩnh vực ưu tiên.
Đó là tăng đầu tư toàn xã hội vào hệ thống ĐH, bao gồm cả tài trợ từ ngân sách lẫn đóng góp của xã hội. Thực hiện tự chủ tài chính cho các trường ĐH. Đồng thời thay đổi cách phân bổ ngân sách cho từng trường và chia thành ba kênh: Hỗ trợ trực tiếp cho từng trường; thông qua học bổng và tín dụng sinh viên; qua tài trợ nghiên cứu khoa học.
Có ba vấn đề lớn về tài chính mà hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam đang đối mặt là: Thiếu kinh phí; bất bình đẳng; thiếu tự chủ tài chính. Ba thách thức lớn về tài chính trong giáo dục ĐH Việt Nam hiện nay là: Các trường ĐH thiếu kinh phí trầm trọng; mức học phí cho các trường công thấp; nguồn thu khác như từ dịch vụ, dịch vụ khoa học, công nghệ, từ viện trợ, tài trợ, hiến tặng cũng quá thấp. (Trích tham luận gửi tới Hội thảo Giáo dục 2023 của GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam)