TS chuyên ngành tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh, Giám đốc Học viên Thành công (Hà Nội) cho rằng cha mẹ cần tránh thốt ra những lời nói gây tổn thương, dù là nóng giận. Cần kiềm chế, nếu không sẽ vô tình làm ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lý của con sau này.
Theo TS Vũ Việt Anh, một số lời nói bố mẹ đặc biệt khuyên cha mẹ nên tránh nói ra lời.
Trước hết đó là: “Im ngay! Tại sao con cứ không chịu nghe lời”. Những đứa trẻ “nghe lời”, rốt cuộc có tốt hay không? Khi trẻ muốn giải thích một điều gì đó, cha mẹ thường có xu hướng quát trẻ “im ngay”. Như thế sẽ khiến trẻ sẽ cảm thấy bị tổn thương vì nghĩ rằng cha mẹ không tôn trọng mình.
Mặt khác, ai cũng có quyền bào chữa và nói lên quan điểm của mình. Do đó, cha mẹ nên kiên nhẫn nghe trẻ nói thay vì cấm trẻ được phát ngôn.
“Mày không phải con tao, con tao không có đứa nào ngu dốt như mày” đây là điều không bao giờ được nói tới từ lời bố mẹ.
Cha mẹ nhọc công đi làm nuôi con ăn học, chỉ mong con sau này có công ăn việc làm đàng hoàng nhưng nhiều khi cha mẹ lại mang gánh nặng đó đặt lên vai những đứa trẻ bằng một yêu cầu khắt khe về kết quả học tập hay những đòi hỏi vượt quá sự tiếp thu của chúng.
Chính vì vậy khi con chỉ cần “chẳng may” đứng thứ 25/30 trong lớp hoặc có môn điểm thấp, cha mẹ đã thốt lên với con trẻ những câu chửi cay độc cùng những mức phạt cũng theo đó mà áp dụng suốt mấy tuần lễ là điều tố kỵ.
Khi cha mẹ mắng nhiếc con nặng lời thì chính điều này đã dần dần làm thui chột mong muốn cố gắng của con, thay vào đó chúng sẽ nghĩ: “Mình cố gắng cũng đâu thay đổi được điều gì, mình là một đứa ngu dốt!”. Và chính vì chúng nghĩ như vậy nên kết quả học tập vẫn giậm chân tại chỗ cũng là điều bình thường thôi bố mẹ ạ.
Loại như mày thì làm nên trò trống gì?- Với những câu chửi mắng kiểu này, vô tình cha mẹ đã định hình cho con luôn trở thành kẻ yếu ớt, thiếu tự tin, và đó là lý do mà làm việc gì chúng cũng rụt rè e sợ thay vì nghĩ là mình sẽ làm được.
“Mày đi cho khuất mắt tao đi”- Câu nói này sẽ nuôi dưỡng trong trẻ suy nghĩ: “Bố mẹ không thích mình. Có lẽ mình nên đi khỏi nhà thì hơn”. Phải chăng vì câu nói này mà tình trạng thiếu niên bỏ nhà đi bụi hiện nay đang tăng lên nhanh chóng?
Rất nhiều bố mẹ khi mọi việc chưa rõ ràng đã quy hết mọi tỗi lỗi cho con. Cũng có trường hợp đứa con đó là anh chị trong nhà, và bố mẹ mặc định rằng làm anh chị thì phải nhường em. Hay nhà có một đứa con trai nên đứa con gái thường phải lãnh hết phần tội lỗi gây ra trong nhà hoặc ngược lại.
Những đứa con như vậy rất đáng thương, không có ai hiểu, không ai thông cảm, không thể tâm sự hay trút nỗi niềm với ai. Lớn lên trong môi trường này chúng sẽ luôn cảm thấy thiếu vắng một người biết lắng nghe chúng, thiếu vắng sự công bình, dễ dẫn đến phản ứng “nổi đóa” vô lý với bất kể bất công nào đến với chúng khi chúng lớn lên.
“Người lớn nói gì cũng không được cãi, có nói sai thì cũng là người đẻ ra mày”. Chúng ta luôn tự cho rằng chúng ta có tất cả mọi quyền trên đời này, mà quên rằng trẻ con cũng là người, mà đã là người thì phải có quyền nói lên tiếng nói của mình, có quyền giãi bày nỗi oan ức.
Cha mẹ chỉ nên dạy con cách thức để giãi bày nỗi oan ức đó, còn giải bày như thế nào thì có lẽ chúng ta không nên quản. Nếu chúng biết giữ thái độ kiềm chế, biết mình là ai và cư xử đúng phận thì cha mẹ vừa có dịp được hiểu con hơn, mà con thì lại không bị mang theo nỗi uất hận, oan ức suốt đời.
“Trời ơi, nhìn con người ta kìa, mày đã được bằng một góc của nó chưa, sao tao lại đẻ ra một đứa vô dụng như mày nhỉ?”
So sánh không bao giờ là một giải pháp tốt để giáo dục trẻ, một cuộc đời suốt đời ganh đua, đố kỵ sẽ không bao giờ làm người ta hạnh phúc, bởi làm sao có thể giỏi nhất được, người giỏi có người giỏi hơn, núi cao lại có núi cao hơn. Nên đừng bao giờ so sánh trẻ với người khác.
“Rồi mày cũng hư hỏng như cha/mẹ mày thôi” - Cha mẹ lấy con cái mình ra để công kích, miệt thị chồng/vợ mình, chỉ nói cho sướng miệng nhưng họ đâu nghĩ đến việc con cái mình sẽ bị tổn thương thế nào? con cái họ phải chịu đựng những điều gì sau câu nói đó. Rồi lớn lên nếu thực sự chúng “hư hỏng” như thế thật thì bố/mẹ cũng đừng trách con trẻ…