Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: N.N |
Những nỗ lực sau nửa thập kỷ
Ngay trong phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã khẳng định, Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo 2001-2010 xác định các mục tiêu chung và chỉ rõ những chỉ tiêu mà các tiểu hệ thống phải đạt được, trong đó có các mục tiêu của các nhóm đối tượng GDCMN, đặc biệt chú trọng đến các lĩnh vực: nâng cao chất lượng giáo dục; phổ cập giáo dục trung học cơ sở; đổi mới chương trình, sách giáo khoa; nâng cao chất lượng và số lượng đội ngũ giáo viên; đổi mới phương pháp dạy học; đổi mới quản lý giáo dục; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực cho giáo dục.
Theo ông Phạm Ngọc Định, Phó Vụ trưởng Vụ GDTH, Phó trưởng Ban điều phối GDCMN thì các chỉ tiêu Kế hoạch hành động quốc gia GDCMN đặt ra cho giai đoạn 2003 – 2008 về cơ bản đã đạt được; đã quan tâm đầy đủ và tạo cơ hội cho các nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội được tiếp cận với giáo dục.
Quy mô của Giáo dục mầm non tăng đều đặn trong suốt 5 năm từ 2003 – 2008. Đặc biệt, số trẻ đến nhà trẻ ổn định từ 450.000-500.000 cháu, trẻ mẫu giáo ra lớp tăng 100.000 cháu/năm, số trẻ 5 tuổi ra lớp tăng nhanh. Năm học 2008-2009, tổng số trẻ đến trường, lớp là 3.628.114 cháu, tăng 201.534 trẻ so với năm học trước, trong đó số trẻ đến nhà trẻ và trường mầm non đạt 20%, trẻ mẫu giáo đạt 79%, riêng trẻ 5 tuổi ra lớp là 1.319.000 trẻ, đạt 98,6% số trẻ trong độ tuổi.
Đối với giáo dục tiểu học, về cơ bản đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục vào năm 2000. Trong giai đoạn 203 – 2008, việc đảm bảo tiếp cận cấp học này đã chuyển sang thực hiện nhiệm vụ phổ cập đúng độ tuổi. Đến nay đã có 48/63 tỉnh thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Năm học 2008 – 2009, tỷ lệ nhập học tinh cấp tiểu học đạt 96,95%. Mạng lưới trường lớp về tận thôn bản tạo điều kiện cho học sinh đến trường. Số học sinh được học 2 buổi/ ngày khoảng 36%. Đó là kết quả những nỗ lực của Việt Nam trong tạo cơ hội cho trẻ em đi học đúng độ tuổi ở cấp tiểu học.
Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Hướng tới đạt mục tiêu này, mạng lưới các trường THCS đã phủ kín các phường xã trong cả nước, tạo điều kiện cho 88% thanh thiếu niên trong độ tuổi THCS được nhập học ở cấp học này.
Giáo dục thường xuyên là một bộ phận quan trọng trong việc tạo cơ hội học tập cho tất cả những người có nhu cầu nâng cao kiến thức và kỹ năng sống, nâng cao năng lực nghề nghiệp. Số lượng các trung tâm học tập cộng đồng tăng mạnh, đạt con số 9.010 trên 10.732 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 83,9% vào tháng 8 năm 2008). Số TTGDTX cấp huyện đã tăng lên 583 trong tổng số 659 quận huyện trong cả nước (chiếm tỷ lệ 88,4% quận huyện).
Mầm non cần có nỗ lực và sự quan tâm đặc biệt
Cấp học mầm non là đối tượng được các đại biểu trong Hội nghị quan tâm đặc biệt bởi đây là ngành học trong quá trình thực hiện kế hoạch hành động quốc gia GDCMN còn có nhiều khó khăn, hạn chế.
Thách thức đối với cấp học mầm non là việc chưa có đủ trường lớp, tỷ lệ trẻ đến trường chênh lệch giữa các vùng; chưa đảm bảo chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở vùng nông thôn và vùng khó khăn. Vùng đồng bằng sông Hồng đạt tỷ lệ trẻ ra lớp đạt mức cao nhất với 27% (nhà trẻ) và 79% (mẫu giáo), trong khi đó, tỷ lệ này ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ là 3% - 45%. Năm học 2008 – 2009, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chỉ có 141.330 trên tổng số 221.780 trẻ trong độ tuổi 5 tuổi ra lớp, chiếm 63%. Năm học 2008 – 2009, vẫn còn khoảng 15% số xã mới chỉ có 1 -2 lớp mẫu giáo gắn với trường tiểu học hoặc lớp mẫu giáo độc lập đặt ở trung tâm xã còn những thôn bản xa chưa có phòng học để mở lớp mẫu giáo. Hiện chỉ có 13.900 trên tổng số 28.500 phonhg học của lớp mẫu giáo 5 tuổi được xây kiên cố. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên mầm non còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới đang gặp khó khăn vì các điều kiện để thực hiện như đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị đồ chơi đồng bộ phục vụ thực hiện chương trình diện đại trà ở phần lớn nông thôn và vùng khó khăn nhiều nơi còn chưa theo kịp. Thêm nữa, chưa có chương trình, dự án cấp quốc gia để hỗ trợ phát triển GDMN, các chính sách mang tính từ thiện hỗ trợ trẻ em thiệt thòi độ tuổi nhỏ chưa có.
Chính vì vậy, một số mục tiêu đặt ra cho GDMN vào năm 2010- 2011 và năm 2015 sẽ khó đạt được. Như việc xây dựng và nâng cấp các trường mầm non lệ đạt chuẩn quốc gia. Năm học 2008 – 2009, tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia đạt 13,2% (1644/12190), chỉ tiêu đặt ra cho năm học 2010 – 2011 là 1.800 trường thực sự sẽ khó đạt được. Nếu không có nỗ lực vượt bậc, chỉ tiêu 75% trường chuẩn sẽ không đạt.
Tiếp theo là chỉ tiêu về tỷ lệ trẻ học tại các trường ngoài công lập. Do thực hiện Luật 2005, theo đó không có trường mầm non bán công, chỉ tiêu đặt ra trong kế hoạch hành động năm 2010-2011 là: tỷ lệ trẻ 0 – 2 tuổi công lập là 15% (ngoài công lập là 85%); 3-4 tuổi là 28% và trẻ 5 tuổi tiền học đường 37% (ngoài công lập 63%) sẽ không đạt do Việt Nam đã chuyển phần lớn các trường bán công sang công lập tự chủ tài chính, làm cho tỷ lệ công lập cao…
Đại diện Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho rằng, nhà nước cần có chính sách thích hợp để tăng thu nhập cho giáo viên mầm non ngoài biên chế, giúp họ cải thiện chất lượng cuộc sống từ đó nâng cao năng lực chuyên môn. Cần tăng cường công tác bồi dưỡng đội ngũ để nâng cao năng lực cho giáo viên mầm non bằng nhiều hình thức khác nhau. Phải từng bước bố trí, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên mầm non, tuyển chọn những giáo viên có năng lực chuyên môn tốt, có sức khỏe và tâm huyết với nghề đồng thời sàng lọc những giáo viên không đảm bảo yêu cầu về năng lực chuyên môn, sức khỏe, phẩm chất đạo đức làm nhiệm vụ khác. Điều tiếp theo không kém quan trọng là sắp xếp lại mạng lưới trường lớp một cách phù hợp, tránh hiện tượng manh mún, đồng thời có chính sách thu hút các nguồn ngân sách để tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị cho các trường mầm non, cải thiện dần điều kiện dạy học cho nhà trường.
Ông Hoàng Văn Đoạt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương thì cho rằng, việc giải quyết khó khăn của cấp học mầm non không có nghĩa là công lập hóa bậc học này mà phải dựa vào cộng đồng, phải trở thành chiến lược quốc gia để các bộ ngành và toàn xã hội cùng tham gia.
Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp, ông Nguyễn Hoàng Nhi từ thực tế địa phương đưa ra đề xuất tương đối mới mẻ: Chi từ nguồn thu của xổ số kiến thiết mà theo ông là một nguồn thu không nhỏ cho phát triển giáo dục mầm non.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: N.N |
Làm gì cho đích đến 2015
Tuy nhiên, không chỉ có cấp học mầm non mà những cấp học khác như tiểu học, THCS, giáo dục không chính quy cũng gặp những khó khăn nhất định để đi đến đích GDCMN vào năm 2015.
Đối với bậc tiểu học, năm học 2008 – 2009 vẫn còn 3% (205.578 em) trong độ tuổi 6 – 10 tuổi ở ngoài nhà trường; còn 216515 học sinh tiểu học không đúng độ tuổi; việc phấn đấu giáo viên đủ số lượng dạy 2 buổi/ ngày còn khó khăn. Ngoài ra, việc thay thế phòng học tạm, học nhờ, phòng học cấp 4 xuống cấp bằng phòng học kiên cố cũng là thách thức không nhỏ.
Với THCS, ngoài những khó khăn về học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất còn có khó khăn trong việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Với một bộ sách giáo khoa không thể phù hợp được với các vùng miền trong cả nước, một số nội dung còn nặng đối với giáo viên…
Thách thức với giáo dục không chính quy là nhận thức còn hạn chế của các cấp lãnh đạo một số địa phương; tỷ lệ tái mù chữ cao do môi trường giao tiếp, môi trường sử dụng ngôn ngữ và môi trường sách báo còn nghèo nàn; chương trình, tài liệu xóa mù chữ mới thay thế chương trình tài liệu xóa mù chữ năm 1990 còn chậm ban hành; ngân sách nhà nước đầu tư cho XMC còn hạn chế…
Xuất phát từ thực tế thực hiện kế hoạch hành động quốc gia GDCMN, Ban điều phối GDCMN đã đề nghị điều chỉnh một số chỉ tiêu đến năm 2015. Giáo dục mầm non điều chỉnh tỷ lệ nhập học nhà trẻ năm 2010 – 2011 (18%), năm 2015-2016 (22%) tương ứng thành 20 và 25%; tỷ lệ mẫu giáo nhập học năm 2010 – 2011 (53%), năm 2015-2016 (75%) tương ứng thành 67 và 75%. Với giáo dục tiểu học, điều chỉnh học sinh học 2 buổi trên ngày từ 100% xuống còn 50-60% vào 2015; chưa cấp sách giáo khoa miễn phí cho 100% học sinh tiểu học vào 2015 mà chỉ cấp miễn phí cho học sinh diện chính sách, vùng khó khăn; đề nghị phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi vào năm 2012.
Đối với giáo dục trung học, điều chỉnh từ 100% học sinh học 2 buổi/ ngày vào năm 2015 xuống còn 50%. Chưa cấp sách giáo khoa miễn phí cho 30% học sinh THCS vào 2015 mà chỉ cấp sách giáo khoa miễn phí cho 100% học sinh diện chính sách, vùng khó khăn; đề nghị Chính phủ giao cho Bộ GD&ĐT ban hành tiêu chuẩn PCGDTHCS mức 2.
Với giáo dục thường xuyên, phê duyệt đề án xóa mù chữ, PCGDTHĐĐT, PCGDTHCS giai đoạn 2011-2020; bổ sung dự án “Củng cố và phát huy xết quả xóa mù chữ” vào chương trình mục tiêu quốc gia GD&ĐT giai đoạn 2011-2015…
Ban điều phối GDCMN cũng đưa ra kiến nghị bố trí kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án cho các mục tiêu của giáo dục cho mọi người, nhất là phổ cập mẫu giáo 5 tuổi, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS. Xin quỹ hỗ trợ từ Quỹ xúc tác – Sáng kiến giải ngân nhanh – giáo dục cho mọi người. Có thể lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên là giáo dục mầm non, đặc biệt là phổ cập mẫu giáo 5 tuổi cho các đối tượng khó khăn; các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số; giáo dục cơ bản cho các vùng khó khăn, nhiều hộ nghèo, các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, khí hậu biến đổi; xóa mù chữ ở các vùng khó khăn.
Hiếu Nguyễn