Giáo dục cảm xúc trường học: Không thể chậm trễ

GD&TĐ - Giáo dục cảm xúc có vai trò quan trọng trong giáo dục nhà trường nhằm mục tiêu phát triển toàn diện nhân cách học sinh (HS).

Học sinh Trường THCS-THPT Ban Mai - Hà Đông, Hà Nội được giáo viên tư vấn tại Phòng Tham vấn học đường.
Học sinh Trường THCS-THPT Ban Mai - Hà Đông, Hà Nội được giáo viên tư vấn tại Phòng Tham vấn học đường.

Việc chưa chú ý đúng mức tới nội dung này cần được nhìn nhận hết sức nghiêm túc, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều vấn đề đặt ra đối với sức khỏe tâm thần của HS hiện nay.

Chưa được chú trọng đúng mức

Trước khi về Trường Olympia (Hà Nội) công tác, cô Trần Thị Hội có hơn 10 năm giảng dạy và trực tiếp chủ nhiệm học trò THPT tại trường công lập. Điều cô nhận thấy rõ nhất ở lứa tuổi này là luôn muốn khẳng định mình vì cái tôi rất cao; nhưng lại chưa đủ bản lĩnh để làm theo ý mình; mối quan hệ cảm xúc bị môi trường chi phối rất lớn, đặc biệt là bạn bè, gia đình và thầy cô. Nếu không có người hiểu, chia sẻ các khó khăn, các em dễ đi theo hai hướng: Hoặc làm theo ý mình, không cân nhắc; hoặc thu mình, tự chôn vùi trong những suy nghĩ tiêu cực không lối thoát. Do đó, cùng với kiến thức, với các em, việc được giáo dục và rèn luyện kỹ năng mềm với những định hướng cảm xúc tích cực là vô cùng quan trọng.

“Tôi đã nhiều lần gặp các tình huống mà HS rất cần sự đồng hành, thấu hiểu của thầy cô. Đơn cử, một học trò lớp 10 tôi chủ nhiệm năm đó mâu thuẫn và đánh nhau với bạn nên bị kỷ luật. Tôi đã ngồi hàng giờ, nói chuyện, tâm sự với em; đồng thời mời phụ huynh của em đến trường trao đổi. Tôi nhớ như in hình ảnh người mẹ dắt chiếc xe đạp, mặc bộ quần áo làm đồng, quần còn chưa kịp thả ống. Tôi đã khóc và gọi học trò của mình lại, cho em nhìn mẹ qua cửa sổ phòng học.

Con hãy nhìn mẹ, hãy quan sát thật kỹ dáng mẹ khoảnh khắc này và tự hỏi lại xem hành động vừa qua của mình có xứng đáng với mẹ không. Cô hy vọng đây là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng gặp mẹ con trong tình huống này!. Tôi nói vậy và em ấy khóc, tôi cũng khóc. Và thật tuyệt vời, học trò ấy đã có những biểu hiện học tập, đạo đức vô cùng tích cực trong những năm học sau đó” - cô Hội nhớ lại.

Tuy nhiên, nhiều năm gắn bó với môi trường giáo dục, cô Hội cũng thừa nhận việc giáo dục cảm xúc chưa được chú trọng và đầu tư đúng mức trong các trường học. Phần lớn các trường chưa có bộ phận chuyên trách về giáo dục tâm lý cho HS, thậm chí là phụ huynh, thầy cô và nhân viên nhà trường đúng nghĩa. Vai trò này đang được đặt lên vai bộ phận kiêm nhiệm là giáo viên (GV) chủ nhiệm và ban giám hiệu nhà trường khi cần.

Cũng khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của giáo dục cảm xúc, thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THPT Lômônôxốp cho biết: Đây là nội dung được nhà trường quan tâm đặc biệt. Trường tổ chức tập huấn cho GV về hỗ trợ, tư vấn tâm lý HS hằng năm, nhất là thời gian dịch bệnh vừa qua và giai đoạn chuẩn bị đón HS trở lại sau dịch bệnh.  Với HS, công tác giáo dục cảm xúc được thực hiện trong chuyên đề sinh hoạt lớp, tích hợp ở các môn học xã hội và phối kết hợp với cha mẹ HS. “Cùng với phòng Tư vấn tâm lý gồm các chuyên gia giỏi hỗ trợ và giúp đỡ những trường hợp chưa ổn định về cảm xúc, nhà trường còn có Nhóm hỗ trợ đồng đẳng của HS, Nhóm Lomo L.S.T, chuyên hỗ trợ các em có vấn đề về cảm xúc, tâm lý chưa tốt” - thầy Nguyễn Quang Tùng chia sẻ.

Phòng tư vấn tâm lý tại Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội).
Phòng tư vấn tâm lý tại Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội).

Cần cụ thể hóa mục tiêu giáo dục cảm xúc như một năng lực chung

Dưới góc nhìn chuyên gia giáo dục, TS Nguyễn Văn Cường, ĐH Potsdam (CHLB Đức) khẳng định: Giáo dục cảm xúc có vai trò quan trọng trong giáo dục nhà trường, nhằm mục tiêu phát triển toàn diện nhân cách của HS. Trẻ em cần được phát triển hài hòa không chỉ về thể chất, trí tuệ mà cả về cảm xúc, tâm hồn. Cảm xúc là năng lực cần được phát triển bên cạnh các năng lực chung khác và năng lực đặc thù chuyên môn. Năng lực cảm xúc được hiểu là khả năng ứng xử phù hợp với cảm xúc riêng của cá nhân cũng như cảm xúc của người khác. Những kỹ năng nền tảng của năng lực cảm xúc bao gồm: Khả năng biểu đạt cảm xúc; khả năng nhận biết và thấu hiểu cảm xúc của mình và của người khác; khả năng đồng cảm và tự điều chỉnh cảm xúc. Năng lực cảm xúc do đó liên quan trực tiếp với khả năng tự chủ, giao tiếp. Phát triển năng lực cảm xúc gắn liền với phát triển năng lực xã hội, đặc biệt là giao tiếp.

Lấy ví dụ tại CHLB Đức, TS Nguyễn Văn Cường cho biết: Ngay từ những lớp đầu của bậc tiểu học, trọng tâm nhiệm vụ giáo dục cảm xúc cho HS là phát triển hình ảnh bản thân khác biệt; phát triển các trải nghiệm có tác động đến bản thân; khả năng điều chỉnh cảm xúc (giải quyết vấn đề, quản trị căng thẳng); hình thành cá tính; hình thành và duy trì các mối quan hệ tích cực; hình thành sự can đảm và đạo đức. HS được hiểu về nguyên nhân của cảm xúc, các dấu hiệu của cảm xúc, trải nghiệm nhiều cảm xúc xảy ra đồng thời, cách biểu lộ cảm xúc theo các quy tắc được xã hội chấp nhận chung; khả năng sử dụng cụ thể các biểu hiện cảm xúc trong giao tiếp với người khác, việc áp dụng các chiến lược điều chỉnh cảm xúc.

Trong thực tiễn giáo dục Việt Nam hiện nay, TS Nguyễn Văn Cường nhận định: Nhà trường phổ thông và các GV bộ môn tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ truyền thụ kiến thức chuyên môn của môn học, chưa chú ý đầy đủ đến giáo dục cảm xúc; cũng như còn thiếu các hoạt động chẩn đoán, tư vấn, hỗ trợ tâm lý, cảm xúc cho HS. Áp lực học tập của HS ở nhà trường, gia đình nhìn chung là cao, một phần do quan điểm giáo dục chạy theo thành tích. Áp lực học tập cũng như sự mất kết nối, thiếu sự đồng cảm giữa GV và HS, cha mẹ và con trong gia đình là một phần nguyên nhân dẫn đến những vấn đề tâm lý của một số HS. Đã có những phản ứng tiêu cực và trường hợp đau lòng.

“Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mục tiêu giáo dục năng lực cảm xúc cho HS phần nào được xác định trong nhóm năng lực tự chủ và tự học. Trong đó bao gồm năng lực tự điều chỉnh tình cảm, thái độ, hành vi của mình, cũng như trong giao tiếp và hợp tác, bao gồm năng lực thiết lập, phát triển các quan hệ xã hội, điều chỉnh và hoá giải các mâu thuẫn. Nhà trường cần cụ thể hóa mục tiêu giáo dục cảm xúc như một năng lực chung, được thực hiện thông qua các môn học và hoạt động, chủ đề giáo dục phù hợp. Bên cạnh đó, cần có các hoạt động chẩn đoán, tư vấn tâm lý để có thể phát hiện sớm và hỗ trợ kịp thời những HS có vấn đề về cảm xúc, tâm lý cần sự giúp đỡ” - TS Nguyễn Văn Cường cho hay.

“GV không chỉ hướng dẫn, tổ chức học trò lĩnh hội tri thức, mà còn là người cha - mẹ, người đi trước, qua trải nghiệm của mình để định hướng các em những điều tích cực, tốt đẹp; đồng thời cũng là người bạn của học trò. Nhưng có lẽ, các em vẫn cần một đội ngũ chuyên trách, có chuyên môn để giúp đỡ, hướng dẫn cảm xúc khi gặp vấn đề khó khăn; cùng với đó, kết nối và hướng dẫn GV, nhà trường và cha mẹ HS khéo léo, toàn diện nhất” - cô Trần Thị Hội nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.