Trung Quốc: Công nghệ giúp thu hẹp khoảng cách giáo dục

GD&TĐ - Nhờ công nghệ mới, học sinh nông thôn Trung Quốc có thể học truyền thống trên trường và học trực tuyến với giáo viên thành thị, từ đó thu hẹp khoảng cách học tập với học sinh thành thị.

Học sinh tham gia lớp học trực tuyến tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.
Học sinh tham gia lớp học trực tuyến tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.

Tại Hội nghị quốc tế năm 2020 về Trí tuệ nhân tạo (AI) và Dữ liệu lớn (Big Data) trong giáo dục, các chuyên gia công nghệ Trung Quốc cho biết, trường học và chính phủ phải thực hiện từng bước cụ thể nhằm giúp giáo viên biết cách sử dụng công nghệ. Qua đó, thầy cô sẽ là cầu nối mang lại chất lượng giáo dục cho học sinh các vùng nông thôn.

Hội nghị được tổ chức bởi Trung tâm Công nghệ giáo dục quốc gia Trung Quốc, Trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh và iFlytek, công ty AI hàng đầu có trụ sở tại Hợp Phì. Nội dung nhấn mạnh công nghệ tân tiến như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, đồng thời hiện thực hóa mô hình giáo dục cá nhân hóa.

Đại dịch Covid-19 đã chuyển môi trường học truyền thống sang trực tuyến và thúc đẩy nhu cầu sử dụng công nghệ hiện đại. Thay vì làm gia tăng bất bình đẳng, công nghệ có lợi cho tất cả mọi người.

Li Ping, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ giáo dục quốc gia nhận xét, công nghệ mới có tiềm năng to lớn để thúc đẩy cải cách giáo dục, nhằm mang lại chất lượng giảng dạy và học tập chất lượng cao, bình đẳng và hòa nhập.

“Khi công nghệ mới phát triển, sứ mệnh của giáo dục là giúp trang bị cho mọi người những kỹ năng và khả năng tận dụng các công nghệ mới, từ đó xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn”, cô Ping cho biết.

Liu Limin, Chủ tịch Hiệp hội giao lưu quốc tế về giáo dục Trung Quốc, cho biết, với công nghệ mới, học sinh các vùng nông thôn có thể học hai hình thức. Một là học truyền thống tại các trường nông thôn, hai là học trực tuyến với giáo viên từ các trường thành thị. Qua đó, học sinh nông thôn có thể tiếp cận các nguồn giáo dục chất lượng cao, tương đương với học sinh thành thị.

Ông Limin lấy ví dụ các công nghệ như tổng hợp giọng nói, nhận dạng giọng nói có thể giúp sửa lỗi phát âm của học sinh khi học ngôn ngữ, thậm chí khi ca hát.

Dong Qi, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Bắc Kinh, cho biết, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn có thể thu thập dữ liệu đa chiều trong cuộc sống hàng ngày của học sinh, từ đó tạo đánh giá về việc học tập của các em. Lấy ví dụ công nghệ nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng giọng nói có thể đo lường hiệu quả hành vi, cử chỉ khuôn mặt, giọng nói của học sinh trong lớp để phân tích quá trình học tập.

Công nghệ cũng phân tích phong cách học tập, sự khác biệt trong sở thích, khả năng tiếp thu của từng học sinh. Từ đó, những em có cá tính, sở thích, lợi thế và tiềm năng khác nhau sẽ được dạy theo chương trình tùy chỉnh phù hợp với từng cá nhân.

Tự động hóa có thể thay giáo viên làm một số công việc như chấm bài, để giáo viên có thể dành nhiều thời gian hơn cho học sinh.

Liu Qingfeng, Chủ tịch Công ty iFlytek cho biết: “Dữ liệu về kết quả bài tập về nhà, bài kiểm tra trên lớp sẽ được AI thu thập, phân tích. Từ đó, học sinh sẽ được giao bài tập về nhà theo hướng cá nhân hóa, tập trung vào những vấn đề mà các em gặp khó”.

Trong khi hầu hết học sinh Trung Quốc đều có thể truy cập Internet, vấn đề đặt ra là phải bảo đảm giáo viên nông thôn được tiếp cận và có kỹ năng sử dụng các công nghệ mới.

Ngoài ra, có nhiều lo ngại xung quanh vấn đề quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu khi sử dụng công nghệ trong giảng dạy. Vì vậy, các bên liên quan cần tạo ra quy tắc quản lý bảo mật, đạo đức sử dụng công nghệ số. Từ đó, ngăn chặn việc lạm dụng công nghệ làm tổn hại đến lợi ích của giáo viên, học sinh và cộng đồng.

Trước đó, vào năm 2018, Trường Trung học số 11 ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc đã đưa vào sử dụng hệ thống nhận diện gương mặt, gọi là “Hệ thống quản lý hành vi trong lớp học thông minh”. Qua camera lớp đặt trong lớp, hệ thống sẽ gửi thông tin cho một phần mềm trí tuệ nhân tạo để phân tích biểu cảm khuôn mặt, hành vi của học sinh và đánh giá mức độ tập trung của các em.

Hệ thống này có thể nhận diện bảy biểu cảm gồm bình thường, vui vẻ, buồn bã, thất vọng, giận dữ, sợ hãi và ngạc nhiên. Nó sẽ báo cho giáo viên nếu phát hiện học sinh xao nhãng để giáo viên tìm biện pháp giải quyết kịp thời.

Theo China Daily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.