Phát triển thể thao điện tử cho học sinh có nhu cầu đặc biệt

GD&TĐ - Hồng Kông (Trung Quốc) đang xem xét phát triển thể thao điện tử  cho học sinh có nhu cầu đặc biệt.

Tam Kwong-kit (đứng thứ 2 từ trái sang) chơi eSport cùng thầy Li và các bạn.
Tam Kwong-kit (đứng thứ 2 từ trái sang) chơi eSport cùng thầy Li và các bạn.

Mắc khuyết tật học tập, Tam Kwong-kit, 15 tuổi, sống tại Hồng Kông, thường mất tập trung trong lớp, không chịu làm bài tập hoặc đến trường. Nếu tâm trạng xấu, em sẽ nổi cơn thịnh nộ với mọi người xung quanh.

Tuy nhiên, từ khi chơi eSport (thể thao điện tử), Tam đã thay đổi theo chiều hướng tích cực. Em là một trong 20 học sinh có nhu cầu giáo dục đặc biệt (SEN) tham gia huấn luyện eSport tại Trường Caritas Lok Jun. Dù rất thích các trò chơi trên iPad, Tam mới làm quen với eSport từ tháng 9/2019.

Thời gian đầu, nhiều phụ huynh không ủng hộ hoạt động này. Song thầy Ken Li Siu-ting, giáo viên môn Thể dục Trường Caritas Lok Jun, đã thuyết phục bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý thời gian, không để học sinh bị nghiện game. 

Thầy Li tin rằng trò chơi điện tử giúp tăng cường khả năng phối hợp tay và mắt. Trong các buổi tập eSports, học sinh có thể thực hiện các động tác thể dục đơn giản để duỗi cơ, không mỏi mắt.

“Tam có thể nói chuyện thoải mái, cười đùa cùng bạn bè khi chơi điện tử. Hành vi của em đã thay đổi rõ rệt trong một năm qua như tập trung hơn trong giờ học. Mẹ của Tam còn khuyến khích em chơi nhiều trò hơn”, thầy Li cho biết.

Xu hướng đưa eSport vào trường học hiện đang được phát triển tại Hồng Kông. Trong đó, Caritas Lok Jun là một trong những trường tiên phong đưa eSport vào giảng dạy cho học sinh SEN.

ESport (thể thao điện tử) là thuật ngữ chỉ những trò chơi trực tuyến có tính chất đối kháng. Người chơi có thể tham gia cá nhân hoặc theo nhóm. Tại châu Á, nơi chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của eSport, một số trường đại học tại Singapore, Trung Quốc đang tổ chức khóa học nhằm đào tạo chuyên gia trong ngành này.

Đội eSport nhà trường được tập huấn theo tuần cùng huấn luyện viên thuê ngoài. Địa điểm luyện tập là một trung tâm eSport tại khách sạn Sha Tin với khoản tài trợ từ chính quyền là 47.500 đôla Hồng Kông (khoảng 140 triệu đồng).

Khi Covid-19 bùng phát, nhà trường đã mua thiết bị gồm màn hình, ghế chuyên dụng, bàn phím và lập kế hoạch huấn luyện tại chỗ. Trong trường hợp trường học đóng cửa, học sinh vẫn có thể chơi game tại nhà qua iPad và được hướng dẫn qua video.

Victor Cheng, Giám đốc điều hành Hồng Kông Education City, công ty thúc đẩy công nghệ trong học tập, nhận xét học sinh SEN có thể vượt trội hơn so với các bạn về khả năng sáng tạo. “Tháng 12, công ty sẽ tổ chức hội chợ giới thiệu các chiến lược giáo dục hậu Covid-19, trong đó bao gồm tập huấn eSport cho học sinh SEN” - ông Cheng cho biết.

Tiến sĩ Victor Ching, nhà tâm lý học giáo dục làm việc tại Trung tâm phát triển Nhi khoa Hồng Kông, cho biết trò chơi điện tử có thể kích thích sự sáng tạo của học sinh SEN và tăng cường khả năng hợp tác với mọi người. “Tùy thuộc vào trò chơi được chọn và cách giáo viên theo dõi học sinh SEN sau trò chơi, hoạt động này có thể là khởi đầu tốt”, ông Ching nói.

Tuy nhiên, áp dụng trò chơi điện tử trong giáo dục chưa thực sự phổ biến tại Hồng Kông vì nó có thể dẫn đến các ảnh hưởng tiêu cực như nghiện game.

Tiến sĩ Fanny Lam, chuyên gia trong lĩnh vực Phát triển hành vi Nhi khoa, khuyến cáo: “Trẻ em có nhu cầu học tập đặc biệt dễ mắc chứng nghiện chơi game trên Internet. Nếu chúng ta cân bằng ưu, nhược điểm và giới hạn thời gian sử dụng công nghệ thì không sao. Nhưng chúng ta cần nghĩ tới hậu quả nếu những hoạt động này không được người lớn kiểm soát”.

Theo SCMP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...