Nhật Bản: Giáo viên quá tải vì phải làm thêm giờ

GD&TĐ - Dạy học từng là nghề nghiệp hấp dẫn và được tôn vinh tại Nhật Bản nhưng hiện nay, rất ít thanh thiếu niên tại xứ sở hoa anh đào mơ ước trở thành giáo viên.

Giáo viên Nhật Bản mệt mỏi vì áp lực công việc.
Giáo viên Nhật Bản mệt mỏi vì áp lực công việc.

Bộ Giáo dục đang thúc đẩy nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng này.

Năm 2020, số người nộp đơn ứng tuyển nghề giáo giảm, đạt khoảng 2,7% trên cả nước. Để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này, tháng 3 vừa qua, Bộ Giáo dục đã xây dựng dự án “Kyoshi no Baton” (Gậy chỉ huy của giáo viên).

Tham gia chương trình, giáo viên sẽ bày tỏ niềm vui, ấn tượng hay kỷ niệm liên quan đến nghề giáo trên mạng xã hội. Từ đó, tiếp nối ngọn lửa đam mê với nghề cho thế hệ trẻ.

Bên cạnh những lời ca ngợi như “Giáo viên uốn nắn tâm hồn trẻ. Giáo viên thắp những ngọn lửa ấm áp trong tim trẻ thơ”, không ít người chia sẻ bất bình và mệt mỏi trước công việc này. Tháng 6 vừa qua, tạp chí Shukan Diamond đã tổng hợp những ý kiến trái chiều của giáo viên về nghề nghiệp của họ. Trong đó bao gồm nhiều lý do như mức lương thấp, thời gian làm việc dài, áp lực ngày càng tăng, chất lượng ngày càng giảm.

Đặc biệt, vì thiếu hụt nhân lực, giáo viên phải đảm nhận những công việc hành chính ngoài nhiệm vụ trên lớp. Điều này cũng khiến tiêu chuẩn tuyển dụng giáo viên được nới lỏng, dẫn đến chất lượng giáo viên giảm sút.

Thời gian gần đây, tại Nhật Bản xuất hiện không ít vụ giáo viên lạm dụng tình dục học sinh hoặc đánh đập học sinh. Những hành động này khiến phụ huynh, học sinh và xã hội bất bình; đồng thời, đặt câu hỏi về chất lượng đào tạo và tuyển dụng giáo viên trong thời đại hiện nay.

Với nhiều giáo viên, khối lượng công việc lớn dẫn đến những căn bệnh về sức khoẻ tinh thần. Theo thống kê của Bộ Giáo dục Nhật Bản năm 2019, gần 5.500 giáo viên xin nghỉ làm vì mắc bệnh trầm cảm, con số cao kỷ lục.

Một giáo viên giấu tên từng chia sẻ: “Tôi phải làm thêm ngoài giờ 80 tiếng một tháng. Điều này thậm chí đã trở nên bình thường. Vậy mà tôi vẫn bị xúc phạm, không được trả lương. Những điều này khiến tinh thần tôi kiệt quệ”.

Cựu quan chức tại Bộ Giáo dục nhận xét dự án “Gậy chỉ huy của giáo viên” không chỉ để tôn vinh nghề giáo mà cũng là công cụ để giáo viên giải tỏa tâm sự hoặc những bất bình kìm nén từ lâu. Khi bất mãn được công khai, nó sẽ giúp giải quyết vấn đề từ gốc rễ.

Bộ Giáo dục sẽ nhìn nhận lại những vấn đề mà giáo viên đang gặp phải, những khó khăn mà ngành đang đối mặt để có biện pháp hỗ trợ. Cùng với đó, Bộ Tài chính sẽ phân bổ nguồn tài trợ hợp lý cho lĩnh vực giáo dục để cải thiện mức lương, chất lượng việc làm của giáo viên. Từ đó, nâng cao mức độ hài lòng của thầy cô giáo với nghề nuôi dạy trẻ.

Tháng 5 vừa qua, Bộ Giáo dục đã tiến hành khảo sát tình trạng thiếu giáo viên ở các trường công lập trên toàn quốc. Cuộc khảo sát quy mô lớn, tìm hiểu số lượng giáo viên còn thiếu tại các trường TH, THCS, THPT cũng như trường chuyên. Đồng thời, khảo sát cũng nhằm tìm hiểu nguyên nhân thiếu giáo viên để giải quyết vấn đề này.

Trước đó, cuộc khảo sát năm 2017 do Bộ Giáo dục thực hiện trên tám quận và ba thành phố lớn do Chính phủ chỉ định cho thấy thiếu gần 600 giáo viên tại các trường tiểu học, THCS.

Trong vòng 5 năm tới, các trường tiểu học sẽ giảm sĩ số lớp học xuống còn 35 học sinh nên cần thêm khoảng 13.000 giáo viên. Vì vậy, vấn đề giải quyết tình trạng thiếu giáo viên càng trở nên cấp bách. Hội đồng Giáo dục Trung ương và Bộ Giáo dục đang thảo luận tìm cách gỡ rối vướng mắc này.

Theo Japan Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.