Châu Á: Ưu tiên cho nghiên cứu y tế và khoa học công nghệ

GD&TĐ - Đại dịch Covid-19 khiến trường đại học tại nhiều quốc gia, khu vực tại châu Á chú trọng đầu tư nghiên cứu cho lĩnh vực y tế, khoa học công nghệ, chuyển sang mô hình đào tạo và nghiên cứu trực tuyến.

Các trường đại học châu Á chú trọng nghiên cứu y tế.
Các trường đại học châu Á chú trọng nghiên cứu y tế.

Hàn Quốc

Tháng 1/2021, Chính phủ Hàn Quốc thông báo chi 41,9 tỷ won (37 triệu USD) để phát triển phương pháp điều trị và vắc-xin chống lại các bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, quốc gia này sẽ tăng ngân sách Khoa học và Công nghệ Thông tin - Truyền thông thêm 5,8 nghìn tỷ won (5,2 tỷ USD) để thúc đẩy nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi sang nền kinh tế sáng tạo.

Từ sau dịch SARS vào năm 2003, Hàn Quốc đã chú trọng công tác đối phó với bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, quốc gia này kiểm soát tương đối tốt vào giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19. Nhưng sau Covid-19, nhu cầu, mối quan tâm dành cho lĩnh vực nghiên cứu, chẩn đoán, điều trị và phòng chống dịch bệnh càng sâu sắc, dẫn đến kinh phí nghiên cứu cho các lĩnh vực này tăng nhanh.

Ông Park Hyun-Wook, Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu tại Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) cho biết: “Chúng tôi chú trọng một số lĩnh vực nghiên cứu như trí tuệ nhân tạo, y sinh học. Nhưng tôi cũng lo ngại rằng việc tập trung đầu tư vào lĩnh vực bệnh truyền nhiễm sẽ ảnh hưởng đến các kế hoạch nghiên cứu và phát triển khác”.

Đài Loan

Tháng 4/2020, chính quyền Đài Loan công bố kế hoạch trị giá 4 tỷ TWD (144 triệu USD) cho một trung tâm phòng chống dịch bệnh. Trung tâm này tập trung vào nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm vắc-xin.

Chen Ming-Syan, Phó Giám đốc điều hành tại Trường Đại học Quốc gia Đài Loan (NTU) cho biết, bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên cuộc sống, phòng thí nghiệm tại các trường đại học Đài Loan chưa từng phải đóng cửa.

Gần một năm qua, NTU đã thành lập một số trung tâm nghiên cứu mới do Cơ quan Giáo dục và Khoa học - Công nghệ tài trợ như trung tâm về Gen và Y học, Khoa học sức khỏe dân số, Trí tuệ nhân tạo và Robot, Khoa học và Công nghệ vật liệu xanh.

Chen đánh giá: “Đại dịch đã thúc đẩy tiến trình số hóa các hoạt động của con người. Các lĩnh vực nghiên cứu mới nổi tập trung vào việc tự động hóa như trí tuệ nhân tạo, thị giác máy tính cũng như nghiên cứu và công nghệ liên quan đến y tế”.

Singapore

Tháng 12/2020, Singapore tăng chi tiêu vào kế hoạch 5 năm tiếp theo cho lĩnh vực Nghiên cứu, Đổi mới và Kinh doanh (gọi tắt là RIE2025) lên 25 tỷ SGD. Một trong những mối quan tâm của RIE2025 là đối phó với các dịch bệnh mới có thể xuất hiện trong tương lai, đồng thời tài trợ cho nghiên cứu cơ bản để thúc đẩy nền kinh tế tri thức.

Ngoài ra, RIE2025 cũng chú trọng khả năng phục hồi và chuyển đổi chuỗi cung ứng vì nền kinh tế Singapore chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch.

Tan Eng Chye, Chủ tịch Trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nhận xét khoản tài trợ trên giúp các trường đại học có nhiều kinh phí đầu tư cho nghiên cứu. Đây là dấu hiệu tốt cho thấy Chính phủ dành sự quan tâm, đầu tư bền vững vào nghiên cứu và đổi mới.

Do ảnh hưởng của Covid-19, một số phòng nghiên cứu tại NUS phải đóng cửa vào năm 2020 nhưng hiện đã tái hoạt động, bắt kịp với xu hướng đầu tư nghiên cứu cho công nghệ và y học. Một số chuyên gia đã chuyển từ nghiên cứu cá nhân sang nghiên cứu chung về Covid-19 như dự án tối ưu hóa xét nghiệm Covid-19.

Theo University World News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ