Giám đốc khu vực châu Âu Hans Kluge của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm qua cho biết, đã kêu gọi các nhà chức trách quốc gia ưu tiên tìm hiểu hậu quả lâu dài của việc nhiễm Covid-19 khi một số người có các triệu chứng đáng lo ngại sau đó như mệt mỏi, sương mù não, rối loạn tim và thần kinh: “Gánh nặng là có thật và rất lớn. Khoảng 1/10 người bị Covid-19 vẫn không khỏe sau 12 tuần và nhiều người còn chịu thời gian này lâu hơn”.
Sau khi các nhà lãnh đạo EU thảo luận về các chống biến chủng virus mới, đẩy mạnh tiêm chủng và cứu ngành du lịch châu Âu khỏi một mùa hè tàn khốc nữa, Pháp và Đức cho biết Covid-19 sẽ tồn tại lâu dài. Trong một cuộc họp video, 27 quốc gia thành viên EU đã nhất trí duy trì “những hạn chế chặt chẽ” đối với đời sống cộng đồng và tự do đi lại khi khối này chạy đua chống lại các biến chủng mới đang kìm hãm sự khôi phục kinh tế.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết: “Chúng ta cần chuẩn bị cho tình huống phải tiêm chủng liên tục trong thời gian dài hơn, có thể là nhiều năm, do các biến chủng mới, tương tự như tình huống mà chúng ta đã biết từ bệnh cúm”.
Trong khi đó, Thủ tướng Italy Mario Draghi kêu gọi EU có lập trường cứng rắn hơn đối với các công ty dược phẩm sản xuất vaccine sau một thời gian bị đình trệ trong việc cung cấp thuốc tiêm.
Tại Cộng hòa Séc, chính phủ sẽ có cuộc họp để quyết định đưa ra những giới hạn phong tỏa nghiêm ngặt hơn để kìm hãm tốc độ lây lan Covid-19 đang tăng mạnh.
Thủ tướng Andrej Babis cho biết các bệnh viện sẽ đối mặt với “thảm họa” nếu không có hành động nào được thực hiện. Quốc gia 10,7 triệu dân này đang đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 mới khiến các bệnh viện căng thẳng vì số bệnh nhân nặng lập kỷ lục mới. Hiện Séc có 1,198 triệu ca mắc và 19.835 ca tử vong liên quan đến Covid-19, nằm trong số có các nước có tỷ lệ nhiễm virus trên đầu người cao nhất thế giới.
Tại Brazil, số ca tử vong liên quan đến Covid-19 đã vượt 250.000 ca (đứng thứ 2 thế giới), một năm sau khi ca đầu tiên xuất hiện tại quốc gia này. Hiện Brazil đang phải vật lộn với vấn đề thiếu vaccine và làn sóng lây nhiễm thứ 2 khá mạnh mẽ. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu “ổ chuột” nghèo nàn của thành phố Brazil và ở thành phố Manaus trong rừng nhiệt đới Amazon – nơi có những cảnh tượng đầy ám ảnh về những ngôi mộ tập thể và bệnh nhân chết ngạt vì không có oxy. TT Jair Bolsonaro ban đầu coi nhẹ dịch bệnh và bây giờ chính quyền của ông bị chỉ trích là triển khai vaccine chậm.
Tại Philippines, quân đội sẽ được yêu cầu tiêm vaccine chống lại virus corona khi nước này chuẩn bị nhận vaccine và bắt đầu chiến dịch tiêm chủng. Áp lực đang gia tăng đối với chính phủ của TT Rodrigo Duterte vì việc triển khai vaccine bị trì hoãn trong bối cảnh xuất hiện các cáo buộc quan chức chính phủ đã làm hỏng việc thu mua vaccine và giao hàng.
Trong khi đó Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila cho biết viếc Bắc Kinh tài trợ 600.000 liều vaccine Sinovac sẽ diễn ra vào chủ nhật. Quân đội sẽ được nhận 100.000 liều trong số đó.