Hoà Bình là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc, là cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, cửa ngõ của vùng Tây Bắc nhưng công tác phát triển Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) được quan tâm.
Tháng 10 năm 1998 trung tâm nghiên cứu xóa mù chữ và giáo dục thường xuyên thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã giúp tỉnh Hoà Bình xây dựng TTHTCĐ thí điểm tại xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc. Đây là một trong hai TTHTCĐ (cùng với TTHTCĐ Phú Nhung, Lai Châu) được xây dựng thí điểm đầu tiên trong cả nước. Đến tháng 12/2006, toàn tỉnh Hòa Bình có 100% xã, phường, thị trấn có TTHTCĐ. Các TTHTCĐ đã đi vào hoạt động nền nếp và đã đạt được những kết quả thiết thực.
Ảnh minh họa/nguồn internet |
Tính đến tháng 6/2019, toàn tỉnh Hòa Bình có 135/210 TTHTCĐ có trụ sở hoạt động riêng (bình quân mối TTHTCĐ xây dựng 3 đến 5 tỷ đồng); 210/210 TTHTCĐ đã khắc dấu; 107/210 TTHTCĐ đã mở tài khoản hoạt động; 210/210 TTHTCĐ có máy vi tính, trong đó có 100% TTHTCĐ có nối mạng internet phục vụ khai thác tài liệu hoạt động chuyên đề; 210 trung tâm kết nối với nhà văn hóa xã; 210/210 TTHTCĐ có tủ sách cộng đồng; 140/210 TTHTCĐ được trang bị loa, đài, tivi, các thiết bị nghe nhìn.
TTHTCĐ đã góp phần củng cố kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Ngoài việc tổ chức các lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ theo nội dung, chương trình Quy định của Bộ GD&ĐT, các lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ đã phát triển học thông qua học chuyên đề tại các TTHTCĐ theo hình thức không cấp lớp phù hợp với đối tượng và thu hút nhiều người theo học, góp phần quan trọng chống tái mù chữ cho học viên mới biết chữ.
Tại thời điểm tháng 12/2018, tỉnh Hòa Bình có tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp và hoàn thành chương trình mầm non cho trẻ em 5 tuổi đạt 100%; trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99.99%; trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 97.67%; số thanh thiếu niên 15 – 18 tuổi tốt nghiệp THCS đạt 96.57%, và vào THPT đạt 85.9%; số người trong độ tuổi 15 – 60 biết chữ đạt 99.65%. T
Toàn tỉnh có 11/11 huyện, thành phố đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi, PCGD tiểu học mức độ 3, PCGD trung học cơ sở mức độ 2 (trong đó có 3 huyện, thành phố đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3) và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
TTHTCĐ góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về hiến pháp và pháp luật. TTHTCĐ đã chú trọng mở các lớp phổ biến kiến thức về pháp luật: Pháp luật bảo vệ rừng, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Giáo dục ... Thông qua học tập, người dân có thêm kiến thức, hiểu biết về pháp luật và làm theo pháp luật, đã góp phần giảm các vụ khiếu kiện vượt cấp, giảm tai nạn giao thông, giảm tỷ lệ phát triển dân số, giảm các vụ việc đốt phá rừng, giảm các tranh chấp về đất đai ...
Tuy nhiên, một số hoạt động của TTHTCĐ chưa hấp dẫn người dân, chưa đem lại hiệu quả thiết thực. Nguyên nhân là do trình độ cán bộ quản lý có hạn, các GV, hướng dẫn viên...chưa đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của cộng đồng cả về số lượng lẫn chất lượng do thiếu kiến thức chuyên ngành, tài liệu tham khảo, phương pháp giảng dạy... Vì vậy, cần tăng cường tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý và tổ chức hoạt động của TTHTCĐ. TTHTCĐ giờ đây không chỉ là một cơ sở giáo dục mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống thường nhật của người dân.
TTHTCĐ góp phần bảo vệ môi trường nơi sinh sống, thông qua các chuyên đề như hướng dẫn làm nhà tiêu hợp vệ sinh, làm truồng trại cho gia súc, gia cầm, thu gom rác thải sinh hoạt, sử dụng thuốc trừ sâu hợp lý ... nhờ đó mà ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng cao, môi trường sống của cộng đồng được cải thiện.