Giáo dục Ba Vì tích cực đổi mới sáng tạo trong triển khai Chương trình mới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngành Giáo dục Ba Vì (Hà Nội) có giải pháp đa dạng, linh hoạt để tăng cường trao đổi, giao lưu nhằm thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018 môn Ngữ Văn chia sẻ ý kiến tại buổi sinh hoạt chuyên đề
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018 môn Ngữ Văn chia sẻ ý kiến tại buổi sinh hoạt chuyên đề

Nỗ lực qua từng tiết dạy

Bà Đặng Thị Kim Tuyến - Phó Trưởng phòng GD&ĐT Ba Vì cho hay, dù địa phương còn nhiều khó khăn nhưng lãnh đạo huyện luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Trong bối cảnh toàn ngành triển khai Chương trình GDPT 2018, việc tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề đóng vai trò quan trọng để giáo viên có thêm nhiều kỹ năng giảng dạy hiệu quả.

Tại buổi sinh hoạt chuyên đề bộ môn Ngữ văn và Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp lớp 7 mới đây, huyện Ba Vì đã mời chuyên gia là chủ biên cùng giáo viên cốt cán của quận/huyện tham dự để đóng góp ý kiến.

Các đại biểu và cán bộ quản lý, giáo viên được dự giờ các tiết học minh họa của hai chuyên đề. Đó là chuyên đề Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp lớp 7 với chủ đề: Tiếp nối truyền thống quê hương do cô Quách Thị Thanh Nhàn, Trường THCS Trung tâm nghiên cứu Bò & Đồng cỏ Ba Vì thực hiện.

Học sinh được tìm hiểu về kiến thức văn hóa của quê hương mình trong bài giảng.

Học sinh được tìm hiểu về kiến thức văn hóa của quê hương mình trong bài giảng.

Qua bài giảng, học sinh hình thành năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Cùng với đó, các em cũng hiểu hơn truyền thống văn hoá và một số nghề truyền thống tiêu biểu của quê hương Ba Vì; xác định được việc làm phù hợp để góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống quê hương.

Ngoài ra, lớp học còn tổ chức hoạt động giao lưu ngoại khoá như đánh cồng chiêng và múa sạp. Điều này giúp học sinh và đại biểu dự chuyên đề hiểu hơn về nét đẹp văn hoá của huyện Ba Vì, đặc biệt là văn hoá người Mường.

Đối với chuyên đề Ngữ Văn lớp 7 với bài giảng: “Người ngồi đợi trước hiên nhà” của tác giả Huỳnh Như Phương, cô Lê Thị Bích Hường đến từ Trường THCS Trung tâm nghiên cứu Bò & Đồng cỏ Ba Vì thực hiện.

Qua đây, học sinh nhận diện được một số yếu tố hình thức của tác phẩm; nhận biết và phân tích được ý nghĩa của các sự việc. Từ đó nắm rõ chủ đề, thông điệp của văn bản, bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, lòng biết ơn đối với những người đã có công với đất nước. Các tiết dạy đã thể hiện rõ phương pháp và hình thức tổ chức nhằm phát huy năng lực của người học.

Những chia sẻ hữu ích

Các giáo viên trao đổi ý kiến, góp ý nhằm thực hiện tốt hơn chương trình mới.

Các giáo viên trao đổi ý kiến, góp ý nhằm thực hiện tốt hơn chương trình mới.

Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, cán bộ quản lý, giáo viên các trường đã trao đổi sôi nổi, thẳng thắn để triển khai Chương trình GDPT 2018 tốt hơn.

"Các ý kiến tập trung phân tích kỹ thuật dạy học tích cực, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, liên hệ vận dụng bài học vào thực tế; tổ chức các hoạt động học tập cá nhân, cặp đôi và toàn lớp nhằm quán triệt quan điểm của Chương trình mới là chú trọng việc hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất học sinh" - bà Đặng Thị Kim Tuyến cho hay.

Các đại biểu về dự đều ghi nhận và đánh giá cao năng lực sư phạm và sáng tạo trong thiết kế bài dạy; kỹ thuật dạy học, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học phù hợp, phong phú.

Ở cả hai chuyên đề, giáo viên đã thực hiện đúng quan điểm đổi mới chương trình, sách giáo khoa; bám sát yêu cầu cần đạt của từng bài, chủ đề trong tổ chức các hoạt động dạy học; tổ chức mạch lạc các hoạt động Khởi động, kết nối - Hình thành kiến thức mới - Luyện tập, thực hành - Vận dụng.

Học sinh cùng trải nghiệm văn hóa địa phương bằng điệu múa sạp truyền thống của đồng bào dân tộc Mường.

Học sinh cùng trải nghiệm văn hóa địa phương bằng điệu múa sạp truyền thống của đồng bào dân tộc Mường.

Chia sẻ tại đây, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Tổng Chủ biên Chương trình GDPT 2018 môn Ngữ Văn; PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, Tổng Chủ biên Chương trình Hoạt động trải nghiệm 7 Bộ Cánh Diều đánh giá cao phương pháp dạy học, hình thức tổ chức các hoạt động học tập linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả các tiết dạy của thầy trò Trường THCS Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì.

Đặc biệt, trong các tiết dạy, học sinh đều thực hiện tốt kỹ thuật học nhóm, tự tin chia sẻ, trao đổi kết quả thảo luận, chủ động chiếm lĩnh nội dung bài học. Các chuyên gia cũng đã chia sẻ thêm về giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của giáo viên trong triển khai bộ môn Hoạt động trải nghiệm và Ngữ văn.

"Từ thành công của buổi sinh hoạt chuyên đề, chúng tôi mong muốn tiếp tục có hoạt động tương tự để đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh của Ba Vì được tiếp cận, thực hành những kỹ năng, phương pháp dạy - học mới thật sự hiệu quả. Từ đó tiến tới thực hiện thành công Chương trình GDPT 2018" - Phó Trưởng phòng GD&ĐT Ba Vì Đặng Thị Kim Tuyến nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.