Những kết quả nổi bật
Với quan điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, trong những năm qua được sự quan tâm của Thành phố, Huyện ủy, HĐND&UBND huyện, các cấp, các ngành của huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động sự vào cuộc của toàn xã hội, sự nghiệp giáo dục và đào tạo huyện Ba Vì đã có bước phát triển vượt bậc.
Trải qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Giáo dục Ba Vì đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt được những kết quả khả quan và toàn diện, duy trì ổn định số lượng, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục ở các bậc học.
Hiện nay, toàn huyện có tổng số 110 trường công lập từ cấp Mầm non đến cấp THCS, với 64.985 học sinh. Cơ sở vật chất trường học đã và đang được đầu tư theo hướng chuẩn hóa quốc gia, hiện tại toàn huyện có 70 trường học/110 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu hết năm 2022 sẽ có thêm 18 trường công lập đạt chuẩn quốc gia.
Ngành Giáo dục huyện Ba Vì triển khai nhiều hoạt động đa dạng ngay từ đầu năm học 2022-2023. |
Năm học 2021-2022 vừa qua, toàn ngành đã duy trì tốt các phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”, ứng dụng công nghệ thông tin, linh hoạt và sáng tạo, tự tin trong việc đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục, tham quan học tập mô hình tiêu biểu.
Đồng thời, phối hợp triển khai đề án "Hỗ trợ dạy học ngoại ngữ " cho 35 trường THCS và Hội thảo chuyên môn chuyên sâu cho 100% giáo viên Tiếng Anh Tiểu học, THCS. Phối hợp với Tổ chức Plan International Việt Nam, Trung ương Hội LHPN Việt Nam triển khai Dự án “Phát triển không gian thể thao an toàn, bình đẳng cho học sinh Hà Nội” và “Tự tin là chính mình” cho học sinh một số trường Tiểu học, THCS trong huyện.
Bên cạnh đó, toàn ngành đã tổ chức và tích cực tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp Thành phố. Kết quả, năm học 2021 - 2022: Cấp mầm non tỷ lệ ăn bán trú đạt 95,5%; cấp Tiểu học tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình đạt 99,83%; cấp THCS tỷ lệ xét công nhận tốt nghiệp đạt 99,68%.
Chất lượng giáo dục của huyện ba Vì ngày càng được khẳng định. |
Trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố toàn huyện đạt 63 giải, trong đó: 1 giải Nhất, 10 giải Nhì, 19 giải Ba và 33 giải Khuyến khích (tăng 5 giải so với năm học 2020-2021) toàn đoàn đứng thứ 13/30 quận, huyện của thành phố.
"Năm học 2021-2022, thành tích giáo dục huyện Ba Vì tăng 9 bậc so với năm 2020. Với kết quả này khẳng định sự nỗ lực của 5.142 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong ngành, sự quan tâm phối hợp của gia đình, nhà trường và toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo", ông Phùng Ngọc Oanh - Trưởng Phòng GD&ĐT Ba Vì nhấn mạnh.
Vững vàng tâm thế mới
Công trình Trường Mầm non Tây Đằng đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện để hướng đến chào mừng 55 năm ngày thành lập huyện Ba Vì. |
Theo lãnh đạo ngành Giáo dục Ba Vì, bước vào năm học 2022 - 2023 với một tâm thế mới, đây được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông nên nhiệm vụ nặng nề hơn. Toàn ngành sẽ tiếp tục thực hiện những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Trọng tâm là triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Trong đó việc triển khai dạy theo chương trình mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10 đòi hỏi toàn ngành, nhất là đội ngũ giáo viên phải không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực cả về kiến thức, kỹ năng sư phạm và cập nhật các nội dung thay đổi, có như vậy việc đổi mới về phương pháp dạy và học, về kiểm tra, đánh giá mới thực sự đạt hiệu quả.
Phấn đấu thực hiện mục tiêu tỷ lệ số trường chuẩn quốc gia đạt 80% vào cuối năm 2022, ngành giáo dục Ba Vì đã và đang đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường lớp theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, tiên tiến và từng bước hiện đại. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp học.
Cô trò Trường Tiểu học Phú Phương trong một tiết học khi thành phố vừa cho phép mở cửa trường học trở lại hồi tháng 5/2022. |
Xây dựng môi trường giáo dục nhân văn, an toàn, lành mạnh, thân thiện, không có bạo lực học đường; chú trọng giáo dục phẩm chất, nhân cách, văn hóa, lịch sử truyền thống đi đôi với đào tạo năng lực nhận thức, tư duy đổi mới, sáng tạo cho người học, xây dựng “thế hệ trẻ sáng tạo”; nâng cao thể lực và tầm vóc học sinh; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội; tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, nhất là đối với trẻ em nghèo.
Tiếp tục phối hợp trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện đề án "Hỗ trợ dạy học ngoại ngữ" đối với các trường THCS trên địa bàn huyện. Tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đặc biệt là phòng học bộ môn; nâng cao chất lượng dạy học trong các nhà trường; nhân rộng mô hình "Tiếng trống học bài", "Nhà giáo Hà Nội đỡ đầu học sinh gặp khó khăn trong học tập"...