Giao dịch thương mại Mỹ - Trung: Vòng luẩn quẩn

GD&TĐ - Đầu tuần này, thị trường chứng khoán trên toàn thế giới khởi sắc sau khi Mỹ và Trung Quốc đồng ý tạm ngừng cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, có một sự khác biệt rõ rệt trong ngôn ngữ được Washington và Bắc Kinh sử dụng để công bố thỏa thuận mà hai quốc gia bắt đầu đàm phán.

Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn đang luẩn quẩn với các con bài trong cuộc chiến thương mại
Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn đang luẩn quẩn với các con bài trong cuộc chiến thương mại

Nhập nhằng tin tức

Sau nhiều tháng khó khăn về thương mại và thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc, với hàng trăm tỷ đô la hàng hóa, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau hơn hai tiếng đồng hồ bên lề cuộc họp G20 vừa diễn ra ở Argentina hồi tuần trước.

Sau cuộc họp, cả hai bên tuyên bố cuộc họp thành công. Ông Trump cam kết tạm dừng giới thiệu các biện pháp thương mại chặt chẽ hơn trước khi có các cuộc đàm phán tiếp theo. Nhưng ngôn ngữ được sử dụng trong tuyên bố của chính quyền Mỹ về thỏa thuận này rất khác với tuyên bố của chính phủ Trung Quốc, đặc biệt là những lời hứa của Bắc Kinh về việc mua thêm hàng hóa của Mỹ và khả năng loại bỏ các mức thuế hiện có.

Theo Bonnie Glaser, Giám đốc CSIS China Power Project ở Washington, sự khác biệt này cho thấy có “rất nhiều chỗ còn hiểu lầm” trong thỏa thuận giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình. “Tôi nghĩ rằng vẫn còn rất không chắc chắn về những gì kết quả của các cuộc đàm phán sẽ đạt được” - bà nói.

Thời hạn 90 ngày

Trước cuộc gặp với ông Tập Cận Bình, Tổng thống Donald Trump đã đặt ra hạn chót là ngày 1/ 1 để tăng thuế từ 10% đến 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD. Mặc dù, các cuộc đàm phán dường như đã diễn ra tốt đẹp, nhưng những phát biểu về kết quả dường như không rõ ràng, cho dù Bắc Kinh nhận ra tối hậu thư của Trump là không hủy bỏ việc tăng thuế mà chỉ trì hoãn.

Theo một tuyên bố từ Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo đồng ý “rằng họ sẽ cố gắng hoàn thành giao dịch này trong vòng 90 ngày tới”. “Nếu vào cuối thời gian này, các bên không thể đạt được thỏa thuận, mức thuế 10% sẽ được nâng lên 25%”, tuyên bố của Nhà Trắng cho biết.

Nhưng trên truyền thông Trung Quốc, không hề đề cập đến một thời hạn, thay vào đó, tin tức làm người ta hiểu rằng việc tăng thuế được tạm dừng vô thời hạn trong khi đàm phán tiếp tục. “Các bên đã đồng ý không áp dụng mức thuế mới bổ sung”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố.

Các giao dịch mới “đáng kể”

Cảm nhận thực về thỏa thuận cũng rất khác nhau, tùy thuộc vào nguồn tin mà bạn lựa chọn. Theo tuyên bố của Mỹ, một phần của thỏa thuận ngừng áp dụng các mức thuế nghiêm ngặt hơn là phía Trung Quốc sẽ lập tức giao dịch mua một số lượng hàng hóa không xác định nhưng “rất đáng kể” của Mỹ. Tuyên bố này cho biết: “(Trung Quốc sẽ mua các sản phẩm) nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp và các sản phẩm khác từ Hoa Kỳ để giảm sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước”, và “Trung Quốc đồng ý bắt đầu mua sản phẩm nông nghiệp từ nông dân của chúng tôi ngay lập tức”.

Nhưng một lần nữa, trong báo cáo của Trung Quốc không hề nhắc đến việc mua hàng hóa mới, mà chỉ báo cáo rằng các bên muốn đạt được một “thỏa thuận cụ thể, có lợi lẫn nhau”. Glaser lý giải sự thiếu sót này có thể là do “ông Tập Cận Bình không thể hiện với người dân trong nước rằng ông đang nhượng bộ Mỹ”.

Thỏa thuận Qualcomm-NXP

Đó là một thỏa thuận trị giá hàng tỷ đô la mà Bắc Kinh giữ trong tình trạng quên lãng, trước khi nó sụp đổ vào tháng Bảy. Nhà sản xuất chip Mỹ Qualcomm muốn sáp nhập với đối tác Hà Lan NXP, một thỏa thuận trị giá 44 tỷ đô la đầu tiên được công bố vào tháng 10/2016. Nhưng trước khi điều này thành hiện thực, cần phải có sự chấp thuận quy định trong chín khu vực pháp lý bao gồm Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại ngày càng tăng, Bắc Kinh để mặc cho thời gian trôi qua và Qualcomm buộc phải thông báo thỏa thuận này đã bị hủy, trả một khoản phạt 2 tỷ đô la.

Tuy nhiên, sau cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo hai nước, Nhà Trắng cho biết thỏa thuận này có thể sẽ hồi sinh. “Ông Tập Cận Bình tuyên bố rằng ông sẵn sàng chấp thuận thỏa thuận Qualcomm-NXP, nếu nó được trao cho ông ấy”, nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết. Tất nhiên, không có đề cập đến lời hứa này trong truyền thông từ Trung Quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ