Giành lại vỉa hè: Không nên áp dụng cứng nhắc

GD&TĐ - Chiến dịch ra quân giành lại vỉa hè bắt nguồn từ quận 1, (TPHCM) bước đầu đạt kết quả khả quan được đa số người dân đồng tình ủng hộ và lan rộng cả nước. 

Giành lại vỉa hè: Không nên áp dụng cứng nhắc

Điều này không phải bàn cãi, ai nghi ngờ về hiệu quả thiết thực của nó. Tuy nhiên, gần đây có một số ý kiến trái chiều về cách làm, việc thực thi pháp luật khi lập lại trật tự vỉa hè của cơ quan chức năng... Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến vấn đề có nên cẩu xe vi phạm khi chủ xe đã xuất hiện...

Theo quy định pháp luật thì việc áp dụng biện pháp tạm giữ phương tiện vi phạm, chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết, để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng (Khoản 1 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính). Ngoài ra, tại Khoản 10 Điều 125 còn quy định: “Đối với phương tiện giao thông vi phạm thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có địa chỉ rõ ràng, có điều kiện bến bãi, bảo quản phương tiện hoặc khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”.

Như vậy, pháp luật đã quy định là khá chặt chẽ, rõ ràng là chỉ giữ phương tiện vi phạm trong trường hợp cần thiết và ngăn chặn để không gây hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời, tổ chức, cá nhân nếu thuộc trường hợp bị tạm giữ phương tiện có thể được tiếp tục giữ phương tiện này nếu có địa chỉ rõ ràng, điều kiện bảo quản hoặc đặt tiền bảo lãnh.

Trở lại việc cẩu xe đỗ trên vỉa hè của cơ quan chức năng. Khi chủ xe đến và đứng ra nhận trách nhiệm, nhận lỗi và có thái độ hợp tác thì có cần thiết phải cẩu xe vì có thể gây hậu quả nghiêm trọng hay không? Theo ý kiến riêng, điều này là không nên và không cần thiết, chỉ trừ trường hợp đỗ xe trên đường cao tốc, hầm đường bộ, nơi giao nhau... mà thôi.

Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có quy định rất rõ trường hợp nào bị tạm giữ phương tiện. Theo đó, mức phạt đối với hành vi đỗ, để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật chỉ từ 600.000 - 800.000 đồng. Đây không phải là mức phạt quá cao so với quy định chung của Nghị định này và hành vi này cũng không gây nguy hiểm đến mức có thể gây hậu quả nghiêm trọng như Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định. Do đó, trên cơ sở quy định pháp luật và thái độ hợp tác của người vi phạm thì cơ quan chức năng cẩu xe đỗ trên vỉa hè như thời gian vừa qua là cứng nhắc.

Theo chúng tôi, trong trường hợp xe ô tô vi phạm về dừng xe, đỗ xe trên vỉa hè không đúng quy định và chủ phương tiện có thái độ hợp tác, nhận lỗi và chấp hành hướng dẫn của cơ quan chức năng thì không nên cẩu xe, tạm giữ xe mà chỉ tạm giữ giấy tờ và xử phạt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...