Giành giật sự sống cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim

GD&TĐ - Tim mạch là bệnh nguy hiểm bởi cơ hội sống với người không may mắc bệnh có thời gian nhất định. Sau giây phút được ví như vàng ấy, dù có được cứu sống, bệnh nhân sẽ chịu biến chứng. Do vậy, khi cấp cứu người bệnh bị tim mạch, bác sĩ luôn trong tình trạng nghẹt thở, căn ke từng giây, từng phút để giành lại sự sống cho họ.

Giành giật sự sống cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim

Nín thở theo diễn biến bệnh

ThS. BS Phan Thảo Nguyên – Trưởng khoa Nội tim người lớn, Trưởng đơn vị can thiệp – Trung tâm tim mạch - Bệnh viện E cho biết: Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch vừa nghẹt thở giành giật sự sống cho một bệnh nhân nữ (71 tuổi, ở Hà Nội) bị nhồi máu thất phải trong tình trạng rất nguy kịch.

Bệnh nhân mới đau ngực 5 giờ. Trên điện tâm đồ có biểu hiện BAV3. Men tim đặc hiệu tăng gấp 100 lần. Ngay lập tức, bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành can thiệp cấp cứu thời gian cửa bóng là 40 phút và sử dụng các thuốc kháng kết tập tiểu cầu kép (Aspirin,

Ticagrelor), chụp động mạch vành… Kết quả cho thấy, tổn thương động mạch vành phải xuất phát bình thường, tắc hoàn toàn đoạn 2 và không thấy có huyết khối. Động mạch vành trái hẹp 40% thân chung, và hẹp 50 - 60% động mạch vành mũ và động mạch liên thất trước.

Các bác sĩ thực hiện can thiệp động mạch vành phải cấp cứu tái thông mạch vành đặt một stent phủ thuốc (đường kính 3,5x36, xuất xứ Pháp) trong vòng 30 phút. Sau khi can thiệp cấp cứu khoảng 20 phút, khi chuẩn bị chuyển bệnh nhân về khu hồi sức tích cực theo dõi, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng rét run, khó thở.

Trên điện tâm đồ của bệnh nhân cho thấy biểu hiện ST chênh trở lại và huyết áp giảm. Nghi ngờ có tổn thương tắc cấp động mạch vành vừa được can thiệp. Các bác sĩ nhanh chóng chụp lại động mạch vành cho bệnh nhân thì thấy tắc hoàn toàn đoạn 2 từ chỗ stent vừa đực đặt cho trong quá trình can thiệp.

Ngay lập tức, bệnh nhân lại được tiến hành can thiệp cấp cứu, dùng dụng cụ hút huyết khối nhưng hút không có huyết khối. Bệnh nhân được đặt thêm 1 stent (Xience dài 3,8cm, đường kính 3,5x38, xuất xứ Mỹ) và tái thông động mạch vành thì bệnh nhân hết các triệu chứng nguy hiểm trên.

Tuy nhiên, bệnh nhân chỉ ổn định được khoảng 20 - 30 phút, sau đó, lại xuất hiện các triệu chứng như trên, cho thấy hình ảnh nhồi máu cơ tim. Lúc này, các bác sĩ cho bệnh nhân chụp lại mạch vành, thấy huyết khối lan dần lên. Dòng chảy của động mạch vành vừa can thiệp chậm TIMI khoảng 2 (bình thường là 3). Các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân có kháng các loại thuốc chống đông và thuốc kết lập tiểu cầu kép.

“Chiến đấu” đến cùng

Trước diễn biến bất thường của người bệnh, kíp bác sĩ can thiệp quyết định hội chẩn với GS.TS Lê Ngọc Thành – Giám đốc Bệnh viện E - một chuyên gia đầu ngành về tim mạch của Việt Nam hiện nay. Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển sang phòng mổ cấp cứu. GS.TS Lê Ngọc Thành và TS.BS Nguyễn Trần Thủy đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu bắc cầu chủ vành một cầu bên phải.

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (hay phẫu thuật bắt cầu chủ vành) là phương pháp phổ biến được áp dụng trong điều trị bệnh mạch vành, hội chứng mạch vành cấp... Bệnh mạch vành là căn bệnh tích tụ các mảng xơ vữa trong lòng động mạch, thu hẹp lòng mạch và ngăn cản máu về nuôi dưỡng cơ tim. Bệnh tiến triển theo thời gian và có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành giúp tạo ra đường đi mới để máu đi vòng qua động mạch bị tắc hẹp tới nuôi dưỡng cơ tim. Để làm được điều này, bác sĩ tách một phần động mạch hoặc tĩnh mạch lấy từ chính cơ thể người bệnh để ghép vào động mạch vành.

Phần động mạch này được bắc qua đoạn mạch vành bị tắc nghẽn, giúp máu đi về tim dễ dàng hơn. Để tiến hành, người bệnh cần mổ phanh lồng ngực. Tim người bệnh sẽ ngừng đập khi phẫu thuật. Máu tuần hoàn trong cơ thể nhờ máy tim phổi nhân tạo.

Chỉ định phẫu thuật bắc cầu động mạch vành cấp cứu là biện pháp khẩn cấp duy nhất nhằm cứu sống tính mạng bệnh nhân và lập lại dòng chảy của động mạch vành. Khoảng 95% người bệnh sẽ giảm được hoặc hết hẳn triệu chứng đau ngực; 85 - 90% người bệnh không bị đau ngực trở lại trong vòng 1 - 3 năm sau mổ. Khoảng 75% không đau ngực và không có các biến cố lớn về bệnh mạch vành ở thời điểm 5 năm sau mổ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ