Giảng viên Việt Nam có sách chuyên khảo được NXB quốc tế công bố, xuất bản

GD&TĐ - PGS.TS Lê Mạnh Tú được Nhà xuất bản Elsevier mời viết và tài trợ hoàn toàn chi phí xuất bản sách chuyên khảo.

PGS.TS Lê Mạnh Tú hướng dẫn sinh viên trong giờ thực hành.
PGS.TS Lê Mạnh Tú hướng dẫn sinh viên trong giờ thực hành.

Vừa qua, nhóm tác giả Lê Mạnh Tú (chủ biên) cùng cộng sự Khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, Trường Đại học Phenikaa được Nhà xuất bản Elsevier công bố và đầu tư chi phí xuất bản sách chuyên khảo với tựa đề “Nucleation and Growth in Applied Materials” (Tạo mầm và tăng trưởng mầm tinh thể trong vật liệu ứng dụng).

Cuốn sách này cung cấp nhiều hiểu biết sâu sắc về hiện tượng tạo mầm và tăng trưởng trong vật liệu hướng tới các ứng dụng kỹ thuật. Trong đó có kiến thức giúp giải đáp một số câu hỏi đang đặt ra như: làm thế nào để xác định chất lượng và số lượng quá trình tạo mầm và tăng trưởng? Ảnh hưởng của quá trình tạo mầm đến tính chất khối của vật liệu là gì? Làm thế nào để xác định tốc độ tăng trưởng mầm tinh thể (sự phân bố tốc độ tăng trưởng cục bộ dọc theo các mặt tinh thể, sự không ổn định về hình dạng), số lượng mầm tinh thể trong quá trình luyện kim và điện hóa?

Ngoài ra, cuốn sách cũng đề cập đến các khía cạnh cơ bản của nhiệt động lực học và động học, hiện tượng tạo mầm và tăng trưởng xảy ra trong quá trình xử lý và tổng hợp vật liệu trong các lĩnh vực kỹ thuật khác nhau (cơ khí kim loại và kỹ thuật hóa học) và khoa học vật liệu.

Các phương pháp lý thuyết và thực tiễn được sử dụng để xác định và định lượng quá trình tạo mầm được phân tích một cách chi tiết.

Những phương pháp này có thể được sử dụng để giải thích mối quan hệ giữa các tính chất vật lý của vật liệu với quá trình tạo mầm và phát triển, do đó nó có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự hiểu biết về cách thức vật liệu mới được hình thành.

Bìa sách chuyên khảo với tựa đề “Nucleation and Growth in Applied Materials”.

Bìa sách chuyên khảo với tựa đề “Nucleation and Growth in Applied Materials”.

“Dự án về cuốn sách này bắt đầu vào thời điểm Covid-19 nên trong thời gian thực hiện gặp nhiều khó khăn. Nhiều tác giả sau đó gặp vấn đề về gia đình, công việc nên tiến trình thực hiện chưa đúng với dự kiến. Nhưng bằng sự nỗ lực của cả nhóm, cuốn sách chuyên khảo được hoàn thiện, chính thức công bố và xuất bản” - PGS.TS Lê Mạnh Tú chia sẻ về quá trình viết sách.

PGS.TS Lê Mạnh Tú được Nhà xuất bản Elsevier mời viết và tài trợ hoàn toàn chi phí xuất bản. Sách được xuất bản 100% bằng tiếng Anh và bán trên toàn giới qua các kênh của Elsevier.

Để đạt được thành tích này, nhóm tác giả đã phải trải qua nhiều thử thách với những lần phản biện của nhà xuất bản, phản biện quốc tế nhằm đảm bảo chất lượng và quy trình đầu tư xuất bản sách.

Được biết, trước đó PGS.TS Lê Mạnh Tú cũng đã được Nhà xuất bản Elsevier xuất bản cuốn sách chuyên khảo về hiệu ứng Barkhausen vào năm 2020. Cuốn sách với tiêu đề “Barkhausen noise for nondestructive testing and materials characterization in low carbon steels” - là cuốn sách đầu tiên trên thế giới viết sâu.

Hiệu ứng Barkhausen được phát hiện bởi nhà khoa học người Đức, Heinrich Georg Barkhausen năm 1919, là minh chứng thực nghiệm đầu tiên cho sự tồn tại của các đô men từ trong vật liệu từ tính, chứng minh cho thuyết đô-men của nhà khoa học người Pháp, Pierre Weise, đưa ra trước đó.

Hiệu ứng này còn được biết đến như là nhiễu Barkhausen, là các bước nhảy của vách đô men từ sinh ra do sự không liên tục hay ngắt quãng của từ trường khi tương tác với các khuyết tật (defect) trong vật liệu từ.

Là nền móng cho phương pháp đo không phá huỷ chính xác đến cấp độ micro mét, phương pháp xác định ứng suất dư trong công nghiệp kim loại và hàng không, lý thuyết và ứng dụng của “nhiễu” Barkhausen chưa được biết đến nhiều do sự phức tạp của hiện tượng.

Đó dường như cũng là nguyên nhân mà từ trước tới nay chưa có một cuốn sách nào trên thế giới mô tả cặn kẽ về hiệu ứng này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ