Người Việt ham đọc mạng nhưng lười đọc sách!

GD&TĐ - Theo giới chuyên gia, hiện tượng xuất bản phẩm giảm đang chứng minh văn hóa đọc – đặc biệt ở giới trẻ có nhiều thay đổi.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ về chuyển đổi số với cán bộ, biên tập viên Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Ảnh: NXB.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ về chuyển đổi số với cán bộ, biên tập viên Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Ảnh: NXB.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, vì thích đọc ngắn nên mặc dù thời gian đọc trên mạng của người Việt cao nhất ASEAN nhưng lượng sách trên đầu người lại thấp.

Thói quen thích đọc ngắn

Trong buổi nói chuyện mới đây của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng với cán bộ, biên tập viên Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật - đã giải thích lý do vì sao lượng sách đọc trên đầu người tại Việt Nam vẫn ở mức thấp. Từ đó cho thấy rõ những cơ hội lịch sử trong việc chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực xuất bản.

Theo Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, trong những năm qua, ngành xuất bản đã đẩy mạnh chuyển đổi số, thể hiện qua các hoạt động giới thiệu, phát hành sách trên không gian mạng, trên các sàn thương mại điện tử hay hoạt động xuất bản điện tử.

Xuất bản điện tử đã và đang trở thành mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển của ngành, có thể thấy rõ nhất qua việc tăng trưởng số lượng xuất bản phẩm điện tử. Cách đây 9 năm (năm 2015) mới có hơn 1.000 đầu sách điện tử được xuất bản thì năm 2022, toàn ngành có 3.200 đầu sách và năm 2023 là 4.600 đầu sách điện tử được xuất bản.

Tuy nhiên, xuất bản điện tử mới chỉ là một phần của xuất bản số. Để ngành xuất bản thực sự bước vào chuyển đổi số, cần phải ứng dụng công nghệ vào toàn bộ quy trình xuất bản, số hóa phải thực hiện đồng bộ ở tất cả các khâu, từ công tác quản lý, biên tập, cho đến phát hành, truyền thông.

Phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho số hóa xuất bản, tăng cường ứng dụng nền tảng làm việc số, xây dựng hệ sinh thái số, nền tảng liên thông dùng chung cho toàn ngành, xây dựng văn hóa số…

Tại buổi nói chuyện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, người Việt vì thích đọc ngắn nên mặc dù thời gian đọc trên mạng cao nhất ASEAN nhưng lượng sách trên đầu người lại thấp. Cụ thể, số liệu báo cáo cho thấy xuất bản phẩm giảm ngay từ 6 tháng đầu năm 2023: Giảm đến 28,8% về cuốn và giảm 51% về bản.

Trong đó, xuất bản phẩm dạng sách in đạt 13.380 cuốn với 163.888.479 bản (giảm 30,5% về cuốn và giảm 53,9% về bản); xuất bản phẩm dạng điện tử đạt 1.111 xuất bản phẩm (giảm 2,8%); xuất bản phẩm dạng đĩa CD, DVD, bản đồ, bưu ảnh, lịch các loại đạt 477 xuất bản phẩm với 12.942.087 bản (giảm 24,9% về số xuất bản phẩm và tăng 115% về bản).

Như vậy, có thể thấy số lượng bản sách được in trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ bằng một nửa so với 6 tháng đầu năm 2002. Nếu tính theo công thức cũ, lấy số bản sách in ra chia đều cho hơn 90 triệu dân, thì mỗi người Việt Nam không đọc được 0,8 - 1 cuốn/năm.

Theo giới chuyên gia, hiện tượng xuất bản phẩm giảm đang chứng minh văn hóa đọc – đặc biệt ở giới trẻ có nhiều thay đổi khi chuyển từ việc đọc sách in sang sách mạng.

Trước thực tế này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn cuộc cách mạng về công nghệ. Nói cách khác, thay đổi cách mình làm quan trọng hơn là vấn đề công nghệ. Chuyển đổi số phải đi từ người lãnh đạo, thay đổi tư duy của người lãnh đạo. Chuyển đổi số không thể nửa vời mà phải toàn diện thì mới mang lại giá trị thực sự.

Hình ảnh cư dân mạng minh họa cho thói quen đọc ngắn.

Hình ảnh cư dân mạng minh họa cho thói quen đọc ngắn.

Muốn viết ngắn thì phải đọc nhiều

Ngay sau nhận định của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng việc người Việt “ham đọc mạng, thích đọc ngắn”, trên diễn đàn mạng xã hội, nhiều người đã chia sẻ về sự nguy hiểm của thói quen “đọc ngắn”.

Theo dịch giả - nhà nghiên cứu khuyến đọc Nguyễn Quốc Vương, bản chất vấn đề thói quen “đọc ngắn” đúng là nguy hiểm. Bởi cho dù chúng ta nói hay viết một điều gì đó ngắn gọn thì cũng cần phải đọc thật sâu, thật nhiều mới có thể viết ngắn, nói ngắn.

“Sức mạnh của ngôn ngữ nằm ở sự dồn nén. Một câu “tôi xin lỗi”, “tôi cảm ơn”, “anh yêu em” dồn nén trải nghiệm, hiểu biết, rung cảm… nó khác với sự phát ra âm thanh thuần túy.

Một ví dụ đơn giản là khi văng tục hay đùa cợt, người ta có thể dễ dàng sử dụng tiếng nước ngoài, dễ hơn nhiều lần nói bằng tiếng mẹ đẻ. Khi nói bằng tiếng mẹ đẻ thì cái bao hàm trong mấy từ đó không chỉ thuần túy là âm thanh phát ra cho nên lời nói có sức nặng ghê gớm đối với cả người nói và người nghe. Nó có thể làm người ta đạt đến cực điểm cảm xúc”, ông Vương cho hay.

Ông Vương cũng khuyến cáo, việc dạy học sinh lớp nhỏ đọc những bài tiếng Việt đơn giản bằng một tình yêu, rung cảm sâu nặng với tiếng mẹ đẻ bằng hiểu biết sâu rộng khác xa với việc dạy trẻ theo cách thuần túy kiểu “nhắc lại” câu chữ. Nó giống như một người nói với ta thật lòng một câu đơn giản, khác với một người nói như một sự xã giao, giả dối. Đó là lý do muốn giao tiếp tốt hơn, người ta phải đọc không ngừng.

Hơn nữa, những người tạo ra nội dung ngắn hay, cuốn hút thường là những người đọc rất nhiều, đọc vô số tác phẩm đồ sộ. Họ biết dồn nén hay tỉa lấy một cái gì đó lấp lánh từ trong nội dung đồ sộ đó để làm nên tác phẩm của mình.

Ông Vương cho biết, mới đây ông đã trình bày trước các giáo viên mầm non ở một địa phương về việc phát triển văn hóa đọc, cách làm thế nào để hình thành thói quen và niềm vui đọc sách ở trẻ?

Theo ông Vương, tới đây việc xây dựng, chuẩn hóa, tiến hành các hoạt động văn hóa đọc ở trường mầm non sẽ nóng lên xung quanh việc thực hiện Thông tư “Ban hành quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông” (ngày 22/11/2022) của Bộ GD&ĐT sẽ được đẩy mạnh.

Theo quy định của Thông tư này, thư viện trường mầm non ở mức một phải đảm bảo “mỗi trẻ em có ít nhất 2 bản sách, mỗi giáo viên có ít nhất 3 bản sách”. Thư viện ở mức hai phải đảm bảo “mỗi trẻ em có ít nhất 3 bản sách, mỗi giáo viên có ít nhất 4 bản sách”.

“Lâu nay nhiều người vẫn quan niệm trẻ em chưa biết chữ thì không thể đọc sách. Bởi vậy, các hoạt động đọc sách cho trẻ dưới 6 tuổi ít nhiều sẽ gây lúng túng cho giáo viên. Tuy nhiên, làm thế nào để hình thành thói quen và niềm vui đọc sách ở trẻ, tạo được cho trẻ thói quen nghiêm túc trong đọc sách là rất cần thiết”, ông Vương khẳng định.

“Nhiều bạn thích đọc truyện tranh hay tiểu thuyết giải trí, ngại đọc các tác phẩm thuộc thể loại khác, nhất là tác phẩm có dung lượng dài. Tuy nhiên, nếu để ý sẽ thấy tác giả của các tác phẩm mà bạn đang ngại đọc lại là những người đọc “thiên kinh vạn quyển”. Đó là lý do cá nhân cần rèn luyện để dọc dài, đọc sâu, đọc nhiều thay vì chỉ chạy theo các mẩu tin”, dịch giả - nhà nghiên cứu khuyến đọc Nguyễn Quốc Vương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.