Giảng viên trường Y chế thuốc chữa nám da từ lá tía tô

GD&TĐ - ThS Nguyễn Ngọc Phúc, Trường Đại học Y Dược TPHCM và cộng sự đã nghiên cứu thành công cao chiết từ lá tía tô dùng để trị nám da.

Cao chiết lá tía tô có tác dụng vượt trội trong chữa nám da.
Cao chiết lá tía tô có tác dụng vượt trội trong chữa nám da.

Sản phẩm có tác dụng chữa nám rõ rệt trên thỏ thử nghiệm.

Chữa nám da an toàn

ThS Nguyễn Ngọc Phúc cho biết, nám da là tình trạng tăng sắc tố da mạn tính mắc phải do rối loạn chức năng sinh tổng hợp sắc tố, có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Nám da biểu hiện dưới dạng các dát nâu không đều, phân bố đối xứng trên các vùng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời của cơ thể. Có một số yếu tố đã biết liên quan đến bệnh sinh như tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, mang thai, kích thích tố sinh dục, quá trình viêm da, sử dụng mỹ phẩm, steroid và thuốc nhạy cảm ánh sáng.

Việc điều trị nám có nhiều thách thức và cần điều trị lâu dài do các liệu pháp hiện có chưa đẩy đủ, thường ít hiệu quả hơn mong đợi và thường tái phát nhiều lần. Có nhiều lựa chọn để điều trị tại chỗ, trong đó hydroquinon (HQ) là tác nhân được sử dụng phổ biến nhất.

HQ ức chế sự chuyển đổi DOPA thành melanin bằng cách ức chế enzym tyrosinase và giảm số lượng tế bào sắc tố. Tuy nhiên, vấn đề an toàn khi sử dụng lâu dài các sản phẩm mỹ phẩm có chứa HQ nồng độ cao vẫn chưa được biết rõ. Vì vậy, một số nguồn tự nhiên bao gồm thực vật, vi khuẩn và nấm gần đây ngày càng được quan tâm vì tác dụng làm trắng của chúng.

Tía tô (Perilla frutescens) thuộc họ Lamiaceae, được trồng phổ biến ở một số vùng tại Việt Nam. Tía tô thường được sử dụng như một phương thuốc truyền thống, nhưng gần đây nó đã được mở rộng nghiên cứu theo hướng dược mỹ phẩm cơ bản vì có nhiều chất chống oxy hóa như acid caffeic, acid coumaroyl tartaric, acid rosmarinic, catechin và apigenin.

Trong số các hợp chất này, acid rosmarinic - một polyphenol chính trong lá tía tô - thể hiện hoạt tính chống oxy hóa và chống tyrosinase (các hoạt động sinh học quan trọng để ức chế quá trình hình thành sắc tố).

Tác dụng dược lý của tía tô đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu khác nhau. Tác dụng kháng ung thư in vitro trên nhiều dòng tế bào khác nhau (ung thư da, ung thư bạch cầu, ung thư gan, ung thư phổi không tế bào nhỏ, ung thư đại tràng); tác dụng kháng viêm, kháng dị ứng in vivo; một số tác dụng khác như làm giảm protein niệu và ức chế tăng sinh tế bào giang mạch trên mô hình chuột cống được gây bệnh lý viêm cầu thận tăng sinh tế bào giang mạch.

Đối với tác dụng trên sắc tố da, dịch chiết lá tía tô được chứng minh tác động làm sáng da in vitro thông qua cơ chế ức chế men tyrosinase, từ đó làm giảm quá trình tổng hợp melanin của dòng tế bào sắc tố chuột nhắt B16. Tuy nhiên, vẫn chưa có nghiên cứu in vivo đánh giá tác động trị nám da của cao tía tô trên thế giới.

Từ thực tế này, nhóm nghiên cứu đã chiết xuất cao chiết phân đoạn ethylacetat từ lá tía tô và đánh giá tác động điều trị nám da của cao chiết lá tía tô 5% so với lô sinh lý, lô chứng bệnh và lô thuốc đối chứng dương trên mô hình thỏ gây nám da bằng tia UV và progesteron.

Làm sáng da tự nhiên, an toàn

ThS Nguyễn Ngọc Phúc cho biết, khảo sát tác động điều trị nám da của cao tía tô cho thấy, mô hình gây nám da chiếu tia UV 30 phút/ngày kết hợp tiêm progesteron liều 5 mg/kg cách ngày cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa lô chứng bệnh và lô sinh lý.

Kết quả khảo sát tác động điều trị cho thấy, tỷ lệ % nám của cao EA 5% tương đương với lô điều trị bằng HQ 4% vào các ngày 14, 21, 28. Kết quả định lượng melanin trên da thỏ không có khác biệt giữa cao EA 5% và HQ 4% vào ngày 14 và 28.

Mẫu da thỏ nhuộm HE cũng không cho thấy có sự khác biệt giữa cao EA 5% và HQ 4% vào ngày 14, 28. Ngoài ra, ở thời điểm cuối của thử nghiệm (ngày 28) nồng độ melanin ở lô điều trị với cao EA 5% và kem HQ 4% không khác biệt có ý nghĩa thống kê so với lô sinh lý.

Kết quả nghiên cứu này bước đầu cho thấy tiềm năng của cao chiết EA 5% trong điều trị rối loạn sắc tố. Đây là tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo để phát triển cao chiết tía tô thành các sản phẩm dược mỹ phẩm điều trị nám da hiệu quả và an toàn, góp phần phát triển các sản phẩm mới có chứa các chất làm sáng da tự nhiên, an toàn và hiệu quả, đặc biệt là để điều trị nám da lâu dài.

“Điểm mạnh nhất của sản phẩm này là hoàn toàn lành tính, chiết xuất từ tự nhiên, nhưng tác dụng chữa nám da không kém gì các sản phẩm khác trên thị trường. Sau khi nghiên cứu thử nghiệm thành công trên thỏ, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục hoàn thiện thủ tục cấp phép để thử nghiệm trên người, hy vọng sẽ sớm có loại mỹ phẩm này trên thị trường”, ThS Nguyễn Ngọc Phúc cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ