Giảng viên trường nghề: Đừng câu nệ bằng cấp

GD&TĐ -“Đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho các khu công nghiệp và khu chế xuất ở Việt Nam” là chủ đề hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT tổ chức hôm nay (26/5) tại TPHCM.

Đoàn chủ tọa tại Hội thảo
Đoàn chủ tọa tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có các ông: Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga; Huỳnh Văn Tý - Thứ trưởng  Bộ LĐ-TB&XH; Bùi Thế Đức - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Huy động giảng viên trường nghề giàu kinh nghiệm thực tiễn 

Tại hội thảo các đại biểu đã cùng nhau làm rõ nhưng mặt hạn chế đang kìm hãn công tác đào tạo, nâng cao chất  lượng nhân lực cho các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay.

Chia sẻ tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nhìn nhận: Vấn đề đáng lưu ý nhất trong bức tranh tổng thể về tình hình ở các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện nay là tỉ lệ lao động qua đào tạo thấp, tỉ lệ lao động phổ thông cao. Đây là điều không mong muốn.

Các khu công nghiệp có nhu cầu nhân lực cao trong khi nhiều thanh niên trong độ tuổi lao động lại thất nghiệp do không đáp ứng yêu cầu đơn vị sử dụng lao động. Việt Nam cần học hỏi phía Đức một số kinh nghiệm trong việc đổi mới công tác dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước.

Cụ thể, cần có chính sách, cơ chế, chủ trương phù hợp với nhu cầu đào tạo nghề; cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực có tay nghề cao, phục vụ trực tiếp doanh nghiệp; cải thiện hình ảnh đào tạo nghề, đặc biệt đối với tình hình tâm lý bằng cấp nặng nề như Việt Nam.

“Điều quan trọng là học nghề ra có việc làm và thu nhập thích đáng mới thu hút được học viên vào trường nghề. Chúng ta phải huy động lực lượng giảng viên trường nghề giàu kinh nghiệm thực tiễn tham gia giảng dạy chứ đừng quá câu nệ bằng cấp. Việc học tập, xây dựng các chuẩn nghề nghiệp với sự tham gia của các doanh nghiệp là mô hình cần thúc đẩy mạnh, để các trường lấy đó làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra" -Thứ trưởng Ga nhấn mạnh.

Học giả nước ngoài trình bày nghiên cứu tại Hội thảo
 Học giả nước ngoài trình bày nghiên cứu tại Hội thảo

Các trường phải đổi mới chương trình đào tạo

Tại Hội thảo TS Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ GD&ĐT, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) - nhận định: Chính chất lượng đào tạo nguồn nhân lực thấp hiện nay đã kéo theo chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam ngày càng thấp và có khoảng cách khá lớn so với các nước trong khu vực.

Ông dẫn chứng: Hiện chúng ta có khoảng 45% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp hầu như chưa qua đào tạo. Lao động phổ thông không có chuyên môn kỹ thuật chiếm 83,28% tổng số lao động, lao động đã qua đào tạo chỉ đạt 4,84%, lao động có trình độ trung cấp là 3,61%, lao động có trình độ ĐH-CĐ trở lên chiếm 8,26%(số liệu của Tổng cục Thống kế). Tổng số lao động qua đào tạo nghề trong cả nước đạt 50% nhưng chủ yếu là ở dạng ngắn hạn…

Chính những bất cập ấy đã khiến công tác đổi mới đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trở nên bức thiết hơn lúc nào hết.

Phát biểu kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh: Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho khu công nghiệp, khu chế xuất là nhiệm vụ cấp bách và thách thức lớn đối với hệ thống đào tạo, dạy nghề của chúng ta hiện nay. Việt Nam đã hội nhập quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại tự do, sự dịch chuyển lao động khu vực ASEAN đòi hỏi các trường phải đổi mới chương trình đào tạo, cung cấp cho người lao động những kỹ năng cần thiết phù hợp tình hình mới.

Mặt khác, chúng ta cần đổi mới cơ chế tiền lương, chế độ bảo hiểm để khuyến khích người lao động liên tục học tập nâng cao trình độ; cần điều chỉnh kế hoạch chiến lược đào tạo nhân lực cho phù hợp mức tăng dân số vì tỉ lệ dân số nước ta không tăng cao như dự kiến trước đây. Do đó, bình quân số học sinh tốt nghiệp THPT giảm dần theo từng năm (khoảng 10%).  

“Năm nay, tỉ lệ học sinh đăng ký thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp THPT tăng 5% so với năm ngoái nên mạng lưới dạy nghề cần có chiến lược điều chỉnh cho phù hợp” - Thứ trưởng lưu ý.

Hiện Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ- TB&XH đã trình Chính phủ về khung trình độ quốc gia, tương thích khung trình độ ASEAN, nhằm có thước đo chung về trình độ, phục vụ việc công nhận tương đương bằng cấp và dịch chuyển lao động trong khu vực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ