Giảng viên trường Báo “bật mí” bí quyết đạt điểm cao môn Năng khiếu báo chí

GD&TĐ - Để làm tốt bài thi môn Năng khiếu báo chí vào các ngành đào tạo đặc thù của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, bên cạnh nắm vững kiến thức THPT, học sinh cần có kỹ năng cập nhật tin tức hàng ngày.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Nắm chắc cấu trúc bài thi  

Cấu trúc bài thi Năng khiếu Báo chí (NKBC) thường gồm hai phần. Phần thứ nhất chiếm 3/10 điểm, bao gồm 30 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian làm bài 30 phút. Nội dung thi của phần này là kiến thức cơ bản nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là kiến thức của lớp 12 ở các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân.

Phần thứ hai chiếm 7/10 điểm, với thí sinh dự thi chuyên ngành Quay phim truyền hình, Ảnh báo chí được xem hình ảnh (ảnh chụp, video clip) và viết bình luận không quá 500 chữ về hình thức, kỹ thuật, nội dung hình ảnh được xem, thời gian làm bài 30 phút. Số điểm tối đa của phần này là 3 điểm. 4 điểm còn lại thí sinh phải trả lời phỏng vấn trực tiếp để thể hiện hiểu biết về lĩnh vực quay phim truyền hình, ảnh báo chí;…

Thí sinh dự tuyển các chuyên ngành khác của ngành Báo chí sẽ làm bài thi tự luận gồm 2 câu hỏi trong 120 phút.
Thí sinh dự tuyển các chuyên ngành khác của ngành Báo chí sẽ làm bài thi tự luận gồm 2 câu hỏi trong 120 phút.

Câu 1 (3 điểm): Đánh giá năng lực xử lý, biểu đạt thông tin và sử dụng ngôn ngữ trong xây dựng, hoàn thiện văn bản. Dạng thức đề thi có thể là: Cung cấp một văn bản báo chí có lỗi sai (về quan điểm chính trị, cấu trúc văn bản, tính logic, văn phong,  cách sử dụng ngôn từ…) yêu cầu thí sinh sửa chữa và hoàn thiện văn bản theo cách của mình.

Câu 2 (4 điểm): Đánh giá năng lực phát hiện vấn đề và thể hiện quan điểm cá nhân. Dạng thức đề thi có thể là: Cung cấp thông tin về một vấn đề, sự kiện, yêu cầu thí sinh viết bài luận tối đa 500 từ.

Em Lê Bảo Ngọc – Sinh viên lớp Truyền hình K39.
Em Lê Bảo Ngọc – Sinh viên lớp Truyền hình K39.

Viết nhiều và trau dồi ngữ pháp tiếng Việt 

Cô Lê Thị Nhã – Giảng viên Viện Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: Tính chất của thi môn NKBC là phát hiện, tìm kiếm những thí sinh có năng khiếu, tố chất phù hợp với nghề làm báo. Chính vì vậy, các em cần thoải mái và thể hiện hết khả năng của bản thân.

Theo cô Lê Thị Nhã, nội dung ở phần thi trắc nghiệm là những kiến thức căn bản của năm học THPT. Các em cần tập trung ôn tập tốt kiến thức môn học: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân có thể lấy trọn 3 điểm tối đa ở phần thi này.

“Ở câu hỏi biên tập văn bản, muốn làm tốt dạng bài này, các em nên xem lại quy tắc về ngữ pháp tiếng Việt, cách dùng dấu câu... Đây là kiến thức cơ bản nhưng không phải ai cũng nắm được. Với phần thi viết luận 500 từ, thí sinh hãy chăm chỉ đọc báo, cập nhật tin tức thời sự. Việc đọc báo hàng ngày giúp các em bắt nhịp với dòng chảy thông tin thời sự và phát triển tư duy ngôn ngữ. Do vậy, hãy tự tin bày tỏ ý kiến, quan điểm, góc nhìn của cá nhân, cố gắng thể hiện sự sáng tạo, đừng rập khuôn”, cô Lê Thị Nhã nhắn nhủ. 

Giảng viên trường Báo “bật mí” bí quyết đạt điểm cao môn Năng khiếu báo chí ảnh 3
Click vào ảnh để xem nội dung.

Chuyên ngành ảnh báo chí và quay phim truyền hình với đặc thù và đặc điểm riêng nên sẽ có bài thi khác với chuyên ngành còn lại. Cô Lê Thị Nhã phân tích: Phần tự luận (3 điểm) cần nêu nhận xét về bố cục, kỹ thuật, ánh sáng, góc chụp và cảm nhận, ý kiến của bản thân về ảnh hoặc video clip được cung cấp. Phần phỏng vấn trực tiếp, các em hãy bình tĩnh, tự tin bộc lộ hết khả năng để thuyết phục được ban giám khảo. Phần thi này không khó, nhưng sẽ đánh giá được kỹ năng xử lý tình huống cũng như khả năng thuyết phục và giao tiếp của thí sinh trước đám đông.

Khi được hỏi về kinh nghiệm ôn thi và các kỹ năng quan trọng nhất khi thi, em Lê Bảo Ngọc – sinh viên lớp Truyền hình K39 (đạt 8,6 điểm môn NKBC) chia sẻ: Quan trọng nhất là phân chia thời gian hợp lý. Giai đoạn ôn thi, em luôn đầu tư thời gian để ôn phần chưa chắc chắn, chưa giỏi. Còn trong lúc làm bài, phần nào điểm cao hơn nên dành nhiều thời gian để trau chuốt. Ngoài cách phân chia thời gian, thí sinh cần sáng tạo, linh hoạt trong cách viết và thật bình tĩnh khi làm bài. Ôn tập thật tốt những kiến thức cơ bản, bên cạnh đó, các em không quên cập nhật những tin tức mới, những số liệu và luyện tập viết bài.

Theo thông báo tuyển sinh đại học chính quy năm 2021 được đăng tải trên website của Học viện, thời gian nhận hồ sơ dự thi Năng khiếu Báo chí bắt đầu từ ngày 1/4 -20/6. Thời gian thi dự kiến của môn Năng khiếu Báo chí vào ngày 10 và 11/7.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.