Thí sinh chịu trách nhiệm về điều kiện nộp hồ sơ (học lực, hạnh kiểm) theo quy định của Học viện. Trong trường hợp thí sinh đạt điểm xét tuyển nhưng không đáp ứng yêu cầu về điều kiện nộp hồ sơ, Học viện không công nhận trúng tuyển.
Cũng theo Học viện Báo chí và Tuyên truyền, phương thức tuyển sinh của nhà trường là kết hợp thi tuyển và xét tuyển.
Cụ thể: Kết hợp thi tuyển và xét tuyển đối với nhóm 1 – ngành Báo chí. Môn thi tuyển: Năng khiếu báo chí – tổ chức thi tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Xét tuyển căn cứ kết quả thi Năng khiếu báo chí kết hợp với kết quả kỳ thi THPT quốc gia của 2 môn khác (theo từng tổ hợp).
Xét tuyển căn cứ kết quả thi THPT quốc gia đối với nhóm 2, 3, 4. Nhóm 2 gồm các ngành: Truyền thông đại chúng, Truyền thông đa phương tiện, Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị, Kinh tế, Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước, Chính trị học, Xuất bản, Xã hội học, Công tác xã hội, Quản lý công, Quản lý nhà nước;
Nhóm 3: Ngành Lịch sử; Nhóm 4 gồm các ngành: Truyền thông quốc tế, Quan hệ quốc tế, Quan hệ công chúng, Quảng cáo, Ngôn ngữ Anh.
Xét tuyển theo học bạ tối đa 30% chỉ tiêu của từng ngành/chuyên ngành đối với thí sinh là học sinh các trường chuyên/năng khiếu (Danh sách các trường chuyên/năng khiếu xem Phụ lục), đạt học lực Giỏi, hạnh kiểm Tốt trong cả 3 năm học THPT. Thí sinh thuộc đối tượng này đăng ký xét tuyển ngành Báo chí phải dự thi môn Năng khiếu báo chí và đạt 5.0 điểm trở lên (theo thang điểm 10) mới đủ điều kiện xét tuyển.