Hỗ trợ người Việt nơi “xứ người”
Thạc sĩ Trần Nhật Pháp – Giảng viên Khoa Thương mại điện tử - Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng. Ngay từ nhỏ, thầy đã nuôi ước mơ trở thành một thầy giáo để cống hiến, góp sức của mình vào phát triển sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Với ý chí và nghị lực của mình, Trần Nhật Pháp đã bắt đầu đi du học ở tại Singapore. Tốt nghiệp Cử nhân về Công nghệ thông tin tại Singapore, Nhật Pháp bắt đầu học Thạc sĩ ngành Khoa học Quản lý tại Vương quốc Anh. Sau khi tốt nghiệp Nhật Pháp lại quay về Singapore làm việc trong 8 năm từ 2011-2019.
Khi còn ở Singapore, thầy Pháp đã thành lập Hội người Việt Nam tại Singapore - hiện đã có hơn 10.000 thành viên. Đồng thời, nhóm hội của thầy Pháp cũng thường xuyên tổ chức các lớp học tiếng Anh miễn phí cho người Việt, hoặc hỗ trợ cộng đồng người Việt khi gặp khó khăn, hoạn nạn tại nơi đất khách quê người.
Thạc sĩ Trần Nhật Pháp - Giảng viên Khoa Thương mại điện tử - Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng). |
Theo Thạc sĩ Pháp, những năm gần đây, các chính sách phát triển kinh tế của đất nước Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu. Điều này đã mở ra nhiều cơ hội hơn để cho thế hệ trẻ như thầy có thể học hỏi và phát triển bản thân.
“Mình quan niệm ở bất kỳ nơi đâu cũng có những ưu điểm và những hạn chế. Quan trọng là mình biết cách thích nghi tốt và tìm thấy được cơ hội phù hợp với bản thân thì ở đâu cũng có thể thành công được”, Thạc sĩ Pháp chia sẻ.
Quay về cống hiến cho nước nhà
Học tập và làm việc hơn 8 năm ở Singapore từ năm 2011 đến 2019, đầu năm 2019, chàng trai trẻ Trần Nhật Pháp đã chọn quay về Việt Nam và trở thành giảng viên Khoa Thương mại điện tử, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng).
Ước mơ làm giáo viên đã ấp ủ từ nhỏ nhưng cơ duyên đến với nghề giáo của thầy Nhật Pháp bắt đầu từ quyết định về Việt Nam sau 8 năm ở nước ngoài - đó là một quyết định hết sức khó khăn, nhưng cũng đầy hy vọng. Khó khăn khi từ bỏ môi trường làm việc đáng mơ ước của rất nhiều người. Thế nhưng, đổi lại đó là niềm hy vọng, hy vọng được cống hiến trí tuệ, sáng tạo của mình cho sự phát triển của nền giáo dục nước nhà, nhất là việc “truyền lửa” đam mê học tập, khởi nghiệp cho thế hệ sinh viên.
Thạc sĩ Nhật Pháp tâm sự: “Thực sự mà nói, môi trường làm việc và đời sống ở nước ngoài rất tốt. Nhưng với bản thân mình luôn hướng về Đà Nẵng, muốn đóng góp hay làm một việc gì đó ngay tại thành phố biển xinh đẹp này. Gần hơn là giúp các bạn sinh viên có thêm động lực để phát triển năng lực bản thân, qua đó góp phần phát triển quê hương, đất nước”.
Trở thành giảng viên của Khoa Thương mại điện tử, Thạc sĩ Nhật Pháp đã đem vốn kiến thức, kinh nghiệm khi học tập và làm việc ở nước ngoài để truyền đạt cho sinh viên. Những buổi học của Thạc sĩ Nhật Pháp thường trở nên khác biệt, bởi thầy luôn tổ chức các buổi workshop chia sẻ kiến thức chuyên môn về thương mại điện tử, marketing điện tử cho các bạn sinh viên, doanh nghiệp tại Đà Nẵng.
“Môi trường và tính chất công việc giữa trường và Singapore rất khác nhau. Ở Singapore thì mình chuyên làm dự án về IT, môi trường làm việc cũng tập trung lĩnh vực chuyên môn nhiều hơn. Nhưng đối với nghề giáo thì khác, vừa đòi hỏi mình phải có kiến thức đa dạng nhiều ngành nghề hơn và môi trường làm việc tiếp xúc với đồng nghiệp và sinh viên nên cũng có nhiều khác biệt hơn”, Thạc sĩ Trần Nhật Pháp chia sẻ.
Ban đầu, mình cũng phải mất 1 thời gian để thích nghi với môi trường làm việc tại trường. Tuy nhiên, mình rất nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới này nhờ vào các thầy cô trong khoa và trường giúp đỡ. Rồi dần dà, mỗi ngày đến lớp được gặp gỡ, chia sẻ với các bạn sinh viên đã trở thành niềm vui với bản thân mình”, thầy Pháp vui vẻ tâm sự.
Cũng từ đây, ngọn lửa đam mê giảng dạy của thầy đã bắt đầu được đốt lên và tiếp năng lượng cho nghề truyền lửa của thầy dành cho các bạn trẻ. Chính vì vậy, thầy luôn tìm cách truyền đạt kiến thức và kỹ năng một cách sinh động, bám sát thực tế của doanh nghiệp cho các bạn sinh viên.
Thạc sĩ Trần Nhật Pháp mong muốn cống hiến nhiều hơn nữa trí tuệ, công sức cho ngành giáo dục nước nhà. |
Thầy Nhật Pháp luôn truyền đạt nhiệt huyết đến các bạn trẻ, hãy không ngừng học tập, trau đồi tri thức. Tấm bằng Đại học chưa phải là kết thúc mà đó chỉ là một sự khởi đầu. Tinh thần tự học cả đời mới giúp các bạn đi đến thành công. “Và hãy luôn nêu cao tinh thần nhiệt huyết, sáng tạo, cống hiến của tuổi trẻ để góp phần đưa hình ảnh của quê hương, đất nước vươn cao, vươn xa hơn. Không sợ khó, không sợ khổ, không sợ thất bại, không chùn bước trước khó khăn. Chỉ cần các bạn khao khát đủ lớn, các bạn sẽ đạt được những điều mình mong muốn”, Thạc sĩ Nhật Pháp nhắn nhủ.
Không chỉ là một giảng viên giỏi, mà Thạc sĩ Nhật Pháp cũng từng tham gia rất nhiều vào công tác Đoàn Thanh niên trong trường.
“Mình may mắn được các thầy cô tin tưởng giao phó nhiều nhiệm vụ, nhiều vị trí. Khoảng thời gian đáng nhớ nhất đối với mái trường này là khi mình tham gia công tác trong phong trào Đoàn Thanh niên. Được làm việc với các anh chị và các bạn sinh viên qua các hoạt động thiện nguyện, hoạt động Đoàn hội giúp mình cảm thấy mình đóng góp một phần tuổi trẻ của mình cho cộng đồng và xã hội. Ở mỗi chuyến tình nguyện hoạt động Đoàn, mình thấy được sức trẻ, sự hăng say và nhiệt huyết của các bạn sinh viên đã làm mình yêu nghề hơn”, Thạc sĩ Nhật Pháp nói.
Tuổi nghề còn khá trẻ nhưng với lòng nhiệt huyết và yêu nghề, thầy Pháp mong rằng mình sẽ sợi dây kết nối tri thức cho bao thế hệ. Song song với việc giảng dạy ở trường, thầy Pháp còn là Founder của trung tâm TOP Digital Center, chuyên đào tạo các khóa học và dịch vụ về Marketing điện tử tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Thầy Nhật Pháp còn là chủ sở hữu 1 kênh Tiktok với khoảng 14 nghìn follow để chia sẻ những kiến thức, truyền cảm hứng và động lực cho các bạn sinh viên.
PGS.TS Lê Văn Huy – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho hay, Thạc sĩ Trần Nhật Pháp là một giảng viên trẻ, đầy nhiệt huyết và yêu nghề. Tuy mới về giảng dạy tại trường, bằng kinh nghiệm của mình Thạc sĩ Nhật Pháp đã mang đến cho sinh viên nhiều tiết học thực tế và đầy bổ ích.
“Với sự hỗ trợ tích cực của Nhà trường, hy vọng trong thời gian tới, Thạc sĩ Nhật Pháp sẽ cống hiến nhiều hơn nữa trí tuệ, công sức của mình cho sự phát triển giáo dục nước nhà, như thầy hằng mong ước”, PGS.TS Lê Văn Huy cho hay.