Giảng viên, sinh viên nước ngoài và những trải nghiệm thú vị về ngày Nhà giáo Việt Nam

GD&TĐ - Trong mắt giảng viên, sinh viên nước ngoài, ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) rất đặc biệt, với nhiều trải nghiệm và kỷ niệm thú vị không đâu có được.

Thầy Gerard Irvine và học trò của mình trong ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2018.
Thầy Gerard Irvine và học trò của mình trong ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2018.

Thầy Kenneth John Kelsey (quốc tịch Mỹ): Một ngày đặc biệt

Thầy Kenneth John Kelsey. Ảnh: NVCC
Thầy Kenneth John Kelsey. Ảnh: NVCC

Tôi đã sinh sống và làm việc ở Việt Nam được hơn 10 năm, là giáo viên của Trung tâm Oxford English U.K tại Hà Nội. Tôi nhớ rất rõ kỷ niệm ngày 20/11 đầu tiên, cách đây 11 năm khi tôi đến Việt Nam. Buổi sáng hôm đó, trên đường đi làm, tôi thấy nhiều hàng bán hoa tươi.

Đến trường, cảm nhận đầu tiên là không khí tưng bừng, náo nhiệt. Vào lớp, tôi bất ngờ và xúc động khi được học sinh tặng hoa và quà chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam. Tôi đã rất hạnh phúc và thấy mình được tri ân, tôn vinh theo đúng nghĩa của ngày 20/11.

Từ đó đến nay, năm nào tôi cũng được học sinh, sinh viên tặng hoa và quà. Điều đó khiến tôi rất phấn khích và thêm yêu học trò, yêu đất nước hình chữ S xinh đẹp. Với tôi, đây là một ngày đặc biệt, với rất nhiều cảm xúc khó nói thành lời.

Thật tiếc, ở đất nước tôi không có ngày tôn vinh nhà giáo. Vì thế, tôi cảm thấy may mắn khi được hoà mình vào không khí ngày 20/11 – đặc trưng Việt Nam và cũng rất ấn tượng mà không đất nước nào có được.

Tôi đã cảm nhận được, tri ân thầy, cô giáo là truyền thống tốt đẹp, nét đẹp văn hoá “tôn sư trọng đạo” của người dân Việt Nam. Nhân đây, tôi muốn gửi lời chúc mừng đến bạn bè, đồng nghiệp nhân ngày 20/11. Tôi thích giảng dạy tại đây và trân quý những gì các bạn dành cho tôi.

Thầy Gerard Irvine (quốc tịch Ai Len): Trân quý những tình cảm của học trò

Giảng dạy tại Viện Đào tạo Quốc tế (Học viện Tài chính), tôi được tham dự nhiều hoạt động chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đó những kỷ niệm đẹp và tôi sẽ không bao giờ quên. Ở Ai Len không có ngày Nhà giáo như Việt Nam. Vì thế, tôi vinh dự và thích thú khi mình trở thành nhân vật trung tâm trong ngày 20/11. Tôi được tôn vinh như những nhà giáo Việt Nam chân chính và tôi tự hào về điều đó.

Tôi nhận thấy, sinh viên Việt Nam rất thông minh, ngoan ngoãn và lịch sự, lễ phép, nhưng đôi khi các bạn ấy còn nhút nhát. Đặc biệt, sinh viên Việt Nam sống rất tình cảm, luôn tôn  trọng và dành những tình cảm ấm áp cho giáo viên, trong đó có tôi. Vì thế tôi trân trọng và biết ơn học trò của mình.

Phetdalaphone Bouttavong (quốc tịch Lào) - học viên Học viện Quản lý Giáo dục: Ấn tượng và cảm động

Phetdalaphone bouttavong.
Phetdalaphone bouttavong.

Ngày mới tới Việt Nam, tôi bất ngờ và thấy thú vị khi biết ngày 20/11 rất đặc biệt với đội ngũ thầy, cô giáo. Đất nước tôi cũng có ngày nhà giáo để ghi nhận những cống hiến của những người làm trong ngành giáo dục. Nhưng ngày Nhà giáo ở Việt Nam mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm mới, thú vị và ngập tràn niềm vui. Ở trường chúng tôi được tham dự các hoạt động như: Văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao…

Hòa mình vào nét đẹp truyền thống văn hoá “tôn sư trọng đạo”, ngày 20/11, tôi và các bạn sinh viên Việt Nam cùng đến tặng quà để tri ân thầy, cô giáo của mình. Tôi vui và hạnh phúc khi được các thầy cô ân cần chia sẻ, hỗ trợ nhiệt tình trong học tập cũng như cuộc sống. Nhân dịp này, tôi xin gửi tới các thầy, cô giáo lời chúc tốt đẹp nhất. Tôi sẽ luôn khắc ghi trong tâm đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và “tôn sư trọng đạo”.

Souksan XaiThongDath (quốc tịch Lào): Đong đầy kỷ niệm

Souksan XaiThongDath. Ảnh: NVCC
Souksan XaiThongDath. Ảnh: NVCC

Với tôi, ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày hội lớn của ngành Giáo dục, thể hiện truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Đây là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn với thầy, cô giáo của mình. Trong ngày này, tôi và các bạn trong lớp đến tặng hoa và biếu quà thể hiện tấm lòng tri ân đến thầy cô giáo của mình.

Ở Việt Nam, nghề dạy học luôn được nhân dân quý trọng và yêu mến. Những thành tựu mà ngành Giáo dục và Đào tạo đạt được chính là nhờ lớp lớp các thế hệ giáo viên đã tận tình, tâm huyết với nghề dạy học. Đó là những nhà giáo chân chính, giàu lòng nhân ái, vị tha, tận tụy với sự nghiệp “trồng người”. Các thầy, cô có tâm hồn trong sáng, mẫu mực trong công việc cũng như cuộc sống.

Tôi có nhiều kỷ niệm về ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Một trong những lễ kỷ niệm mà tôi nhớ mãi là: Năm 2017, tôi học lớp dự bị tiếng Việt. Trước ngày 20/11, tôi và các bạn trong lớp chuẩn bị nhiều món quà đặc biệt để gửi tặng các thầy, cô giáo của mình.

Theo đó, các bạn nữ chịu trách nhiệm chuẩn bị những chiếc khăn lụa quàng cổ, có thêu hoa văn dịu dàng tinh tế, hợp với cô giáo. Còn các bạn nam chuẩn bị 1 chiếc áo khoác và bó hoa để chúc mừng thầy, cô. Hôm sau, chúng tôi đến lớp từ sáng sớm để trang trí phòng học. Bàn ghế được sắp xếp gọn gàng, ngay ngắn. Cửa lớp, bảng viết và trong phòng học được trang hoàng đẹp mắt.

Sau khi giáo viên vào lớp, chúng tôi đã tặng quà và hoa để chúc mừng các thầy, cô. Hôm đó, thầy - trò nói chuyện cởi mở với nhau, không khí ngập tràn hạnh phúc.

Qua đây, tôi muốn nói: Ngày 20/11 không chỉ có ý nghĩa với các thầy, cô giáo, mà còn là dịp để thầy - trò gắn kết, sẻ chia yêu thương với nhau. Đây còn là sợi dây kết nối tinh thần đoàn kết giữa các bạn trong lớp. Vào ngày này, mọi người dễ dàng bỏ qua cho nhau và sẵn sàng hợp tác, làm việc nhóm. Đó là những gì mà tôi ấn tượng và trân quý ngày Nhà giáo Việt Nam.

Điều tôi cảm động và ấn tượng nhất là, vào ngày 20/11, nhiều thế hệ học trò bày tỏ tri ân với thầy cô giáo của mình; trong đó có những người rất thành đạt; thậm chí có những người đã lên chức ông, bà. Đây là nét đẹp văn hoá truyền thống mà có lẽ chỉ Việt Nam mới có. - Học viên Phetdalaphone Bouttavong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ